Tờ Quan sát quân sự Nga ngày 8/8 dẫn lời chuyên gia cho rằng, kinh tế Nga phát triển chậm lại, Nga không muốn từ bỏ thực hiện kế hoạch "chuyển hướng sang châu Á".
Một số nhà phân tích cho rằng, Hạm đội Thái Bình Dương Nga được trang bị tàu ngầm mới nhất, trong tương lai sẽ trở thành lực lượng hải quân chủ yếu của châu Á. Tàu ngầm hạt nhân lớp Borey sẽ là nền tảng của "chuyển hướng".
Nhà phân tích Arthur Villasanta viết trên trang về chủ đề Trung Quốc của Mỹ rằng tàu ngầm hạt nhân lớp Borey sẽ là nền tảng của "chuyển hướng sang châu Á". Nga có kế hoạch triển khai 12 loại tàu ngầm này (6 chiếc ở Hạm đội Phương Bắc, 6 chiếc ở Hạm đội Thái Bình Dương), trong đó 3 chiếc đã biên chế, chúng sẽ triển khai ở căn cứ Rybachiy, bán đảo Kamchatka.
Tàu ngầm lớp Borey có thể mang theo nhiều nhất 20 quả tên lửa hạt nhân. Mỗi quả tên lửa có thể lắp 10 đầu đạn độc lập. Ngoài ra, loại tàu ngầm hạt nhân này có tiếng ồn rất thấp.
Tàu ngầm lớp Yasen mang theo tên lửa hành trình thế hệ thứ tư đã gia nhập hạm đội Nga vào năm 2014 (chiếc đầu tiên là K-329 Severodvinsk). Nga có kế hoạch chế tạo 12 tàu ngầm loại này, trong đó 7 chiếc sẽ biên chế trước năm 2017.
Cuối cùng, "chuyển hướng sang châu Á" sẽ làm cho Hạm đội Thái Bình Dương trở thành hạm đội hải quân lớn nhất của Nga trong 10 năm tới.
Học giả chính trị, cựu quan chức ngoại giao M. Bhadrakuma viết trên tờ Thời báo châu Á, cho rằng Nga gần đây đã ám chỉ với Trung Quốc rằng Moscow không muốn công khai ủng hộ Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ Biển Đông. Nhưng sau đó không lâu, trên báo chí đã xuất hiện thông tin Trung Quốc và Nga bàn bạc tổ chức diễn tập hải quân liên hợp, địa điểm ở Biển Đông. Đây là tự mâu thuẫn? Bhadrakuma không cho là như vậy.
Trước hết, cuộc diễn tập lần này được xác định 1 năm trước. Thứ hai, những năm gần đây, diễn tập giữa Trung Quốc và Nga đã trở thành hoạt động thường xuyên: hai bên đều đã tổ chức diễn tập ở Biển Đen, Địa Trung Hải và Viễn Đông. Thứ ba, diễn tập ở Biển Đông có thể có tính tượng trưng nhiều hơn.
M. Bhadrakuma cho rằng "chuyển hướng sang châu Á" của Nga là một "sản phẩm phụ", căn nguyên là quan hệ với phương Tây xấu đi và nhà cầm quyền Nga nhận thức được một sự thực đơn giản: Đến nay châu Á là trung tâm tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Còn một điểm nữa: Không thể cho rằng giải pháp địa-chính trị của Nga là chỉ chuyển hướng sang Trung Quốc.
Bhadrakuma cho rằng chiến thuật của Tổng thống Vladimir Putin là đúng đắn. Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN tổ chức ở Sochi vào tháng 5/2016 xác nhận, tất cả những người tham dự hội nghị đều sẵn sàng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược cùng có lợi trong lĩnh vực an ninh.
Ngoài ra, Moscow đề nghị xây dựng Liên minh kinh tế Âu-Á và Khu thương mại tự do với ASEAN. Nó có thể đặt nền tảng cho thị trường chung mới, tổng mức GDP của các nước trong thị trường này đạt 4.000 tỷ USD. Cuối cùng, đây là phản ứng của Nga đối với sáng kiến quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương của Mỹ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Sochi, một số nước ASEAN bày tỏ hy vọng Nga giữ trung lập trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông không phải là chủ đề của quan hệ đối tác Nga-Trung. Nhiệm vụ chính của Liên minh Nga-Trung là đặt nền tảng cho thay đổi trật tự thế giới và thực hiện đa cực hóa. Điều quan trọng là hai nước hợp tác đối phó với sự mở rộng của "bá quyền toàn cầu" Mỹ.
Tóm lại, sự "chuyển hướng sang châu Á" của Nga tuyệt đối không phải là xây dựng trên cơ sở thừa nhận lợi ích của ai ở châu Á lớn hơn (chẳng hạn Trung Quốc). Điện Kremlin quan tâm đến lợi ích của tất cả các đối tác ở châu Á, không có ý định phụ họa với Bắc Kinh.