Interfax-AVN ngày 5.11 tiết lộ hệ thống này gồm hệ thống tên lửa - pháo phòng không tầm gần Pantsir-S1 và hệ thống tên lửa tầm trung Buk-M2E, để bảo vệ că cứ không quân ở Latakia, Syria.
"Tại Syria, hệ thống phòng không tích hợp của Nga và Syria sẽ bảo vệ không chỉ các mục tiêu quân sự mà cả dân sự, bao gồm căn cứ không quân Nga ở Latakia”, một phát ngôn viên quân đội Nga nói với Interfax-AVN.
Theo ông này, bên cạnh 2 loại tên lửa phòng không nói trên, tại Syria còn có các loại tên lửa phòng không đã có từ trước gồm Osa, S-125 Pechora-2M, S-200 và các loại khác.
Các hệ thống tên lửa này bảo đảm không chỉ chống được các cuộc không kích bằng máy bay mà còn đối phó được các cuộc tấn công bằng tên lửa, tương tự hệ thống tên lửa phòng thủ Vòm sắt của Israel, phát ngôn viên quốc phòng Nga cho hay.
Trước đó thiếu tướng Viktor Bondarev, tư lệnh Lực lượng không quân vũ trụ Nga nói với báo Komsomolskaya Pravda ngày 5.11 rằng Nga đã điều động các tên lửa phòng không đến Syria bảo vệ lực lượng Nga tại đây.
"Chúng tôi đã tính đến các mối đe doạ, chúng tôi đã triển khai không chỉ máy bay ném bom, trực thăng, tên lửa phòng không mà còn cả đặc nhiệm bảo vệ. Có nhiều mối đe doạ cho lực lượng này, chẳng hạn không tặc cướp máy bay chiến đấu ở các nước gần Syria rồi tấn công chúng tôi, vì vậy chúng tôi phải sẵn sàng”, ông Bondarev nói.
Trước đó có nhiều nguồn tin cho hay Syria đề nghị Nga đưa sang 36 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm gần Pantsir-S1 và tổ hợp tên lửa tầm trung Buk-M2E.
Hệ thống tên lửa – pháo phòng không tầm gần Pantsir-S1 - Ảnh: topwar |
Pantsir-S1 (NATO gọi là SA-22 Greyhound) là tổ hợp gồm 2 pháo bắn nhanh 30 mm cùng 12 tên lửa tầm gần loại 57E6 (tốc độ 1.300 m/giây), đi cùng 1 radar hướng dẫn bắn và các cảm ứng quang điện tử, đặt trên xe tải 8 bánh Kamaz hoặc xe bánh xích. Pantsir-S1 có thể tiêu diệt mục tiêu trên không từ độ cao 5 m đến 15 km, tầm bắn xa từ 200 m đến 20 km, bắn đồng thời vào 4 mục tiêu khác nhau.
Hệ thống này do viện thiết bị Tula phát triển, tập đoàn NPO chế tạo, được đưa vào phục vụ quân đội Nga từ năm 2012. Năm 2014, Nga sử dụng Pantsir-S1 bố trí ở Sochi để bảo vệ cho Thế vận hội mùa đông tại đây. Pantsir-S1 có thể trang bị trên tàu chiến, trên bộ, diệt từ mục tiêu trên không lẫn trên mặt đất như thiết giáp, người…
Radar của Buk-M2 có thể vươn cao 21 m - Ảnh: topwar |
Tiếp tên lửa cho dàn phóng di động Buk-M2 |
Còn hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E (do tập đoàn Almaz-Antey chế tạo) là phiên bản xuất khẩu của tên lửa phòng không Buk-M2 mới nhất của Nga, khác cơ bản so phiên bản cũ Buk-M1-2 khi có tầm bắn xa hơn, chống được chiến tranh điện tử, có thể theo dõi 24 mục tiêu cùng lúc và tấn công 6 mục tiêu nguy hiểm nhất. Radar của hệ thống này có thể vươn cao 21 m để quan sát điều khiển tên lửa bắn hạ mục tiêu ở độ cao từ 15 m đến 25 km, tầm bắn từ 3 - 45 km, rất lợi hại trong việc tiêu diệt các mục tiêu bay ở tầm thấp (để thoát radar theo dõi). Tổ hợp này có các xe radar, xe tiếp tên lửa, dàn phóng tên lửa (xe bánh xích) với 4 quả/xe, xe chỉ huy…
Theo Thanh Niên