Nga đơn độc trong cuộc chiến chống các cường quốc?

Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin trong suốt thời gian qua đã đương đầu với sự dồn vây, o ép của hàng loạt cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Liệu Nga có đơn độc trong cuộc chiến dường như không cân sức này hay không?
Nga và Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ hơn bao giờ hết trong bối cảnh Moscow bị các cường quốc phương Tây bủa vây.
Nga và Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ hơn bao giờ hết trong bối cảnh Moscow bị các cường quốc phương Tây bủa vây.

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.

“Cuộc chiến” trừng phạt giữa Nga và phương Tây đã khiến cuộc đối đầu Đông-Tây càng trở nên nghiêm trọng.

Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, phương Tây “dàn trận” với nhau để loại bỏ Nga ra khỏi nhóm nước G8 – những nước phát triển hàng đầu thế giới. Phương Tây liên tục công kích, chỉ trích Nga đồng thời đe dọa sẽ tẩy chay Nga ra khỏi các hội nghị, tổ chức quốc tế quan trọng.

Ngoài đối đầu nhau trên mặt trận chính trị, ngoại giao và kinh tế, Nga và phương Tây còn “đấu” với nhau cả trong lĩnh vực quân sự.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, NATO đã liên tiếp gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO cũng liên tục đưa vũ khí, binh lính đến tập trận ở những khu vực xung quanh Nga. Mới đây, hồi đầu tháng 2, Tổng thư ký NATO tuyên bố, liên minh quân sự này đã quyết định tăng lực lượng phản ứng nhanh lên đến hơn 30.000 quân, hơn gấp đôi so với số lượng hiện có là 13.000. Hầu hết các binh sĩ nói trên sẽ được phân bổ tại vị trí sát nách biên giới nước Nga. NATO còn thành lập 6 căn cứ quân sự tại Đông Âu. Tất cả những bước đi trên của liên minh quân sự phương Tây đều là nhằm để đối phó với Nga.

Động thái của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Trước việc NATO đi “nước cờ” thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh có khả năng được triển khai nhanh chóng đến gần biên giới Nga trong tình huống khẩn cấp thì điện Kremlin tuyên bố có kế hoạch điều chỉnh chính sách quân sự theo hướng công khai xác định NATO là một đối thủ.

Nga cũng thường xuyên có các hành động đáp trả các hoạt động dương oai diễu võ của phương Tây bằng cách tăng cường các chuyến bay tuần tra trên bầu trời châu Âu và tích cực tổ chức các cuộc tập trận sát vách NATO.

Nga có đơn độc trong cuộc đối đầu với phương Tây?

Mục tiêu của phương Tây do Mỹ dẫn đầu trong cuộc đối đầu hiện nay là làm sao để dồn ép, bao vây và tiến tới cô lập nước Nga của Tổng thống Putin. Đây là mục tiêu mà giới chức phương Tây công khai tuyên bố. Phương Tây đã thành lập một mặt trận chống Nga mạnh mẽ bằng việc huy động tất cả các thành viên của Liên minh Châu Âu cùng với Mỹ và các đồng minh khác để tham gia vào chiến dịch trừng phạt Nga.

Tuy nhiên, mục tiêu của phương Tây trong việc cô lập nước Nga đã không thành công. Trong cuộc đối đầu với phương Tây, Moscow đã không hề đơn độc bởi bản thân các nước phương Tây cũng không đồng nhất với nhau trong lập trường với Nga và hơn hết Tổng thống Putin đã tung ra rất nhiều “nước cờ” ngoạn mục, giúp Nga không chỉ tránh được vòng kiềm tỏa, cô lập của phương Tây mà còn củng cố được vị thế, sức mạnh của Nga, khiến phương Tây “đau đầu” lo lắng.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến trừng phạt, Mỹ cùng các nước đồng minh có vẻ như đã lập được một mặt trận đoàn kết, thống nhất để chống lại Nga. Và khi đó, có vẻ như Nga đã bị cô lập trong thế giới Châu Âu. Tuy nhiên, trên thực tế, càng về sau này, mâu thuẫn trong nội bộ phương Tây trong chính sách với Nga ngày càng lộ rõ. Nhiều nước Châu Âu công khai tuyên bố họ không muốn trừng phạt Nga bởi điều đó làm tổn thương đến chính nước họ. Kết quả là mặt trận chống Nga của phương Tây do Mỹ dẫn dắt ngày một lỏng lẻo và nhiều lúc có nguy cơ “vỡ trận”.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Putin cũng đi những nước cờ hết sức khôn ngoan để phá thế bị cô lập. Moscow nhanh chóng mở rộng mối quan hệ với các nước lớn có thể làm đối trọng với phương Tây như Trung Quốc, Ấn Độ... Mối quan hệ Nga - Trung đã phát triển đến mức được đánh giá là chưa bao giờ tốt đẹp như lúc này. Nga và Ấn Độ cũng đẩy mạnh hợp tác trên mọi mặt.

Trong bối cảnh bị phương Tây dồn ép như vậy, Nga đã có những bước đi khiến phương Tây không khỏi giật mình.

Lâu nay, Nga là một đối tác không thể thiếu của phương Tây trong việc giải quyết thách thức từ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và Triều Tiên. Mỹ và phương Tây rất cần sự hợp tác của Nga trong việc đối phó với những nước mà họ liệt vào “trục ma quỷ” này bởi Nga là một trong 5 nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hơn nữa, Nga có tiếng nói ảnh hưởng hơn với Iran và Triều Tiên so với các cường quốc phương Tây. Ở thế bị phương Tây quay lưng, Nga đã tìm đến với Iran và Triều Tiên. Động thái này khiến phương Tây và Mỹ phát sốt lên vì lo ngại.

Tất cả những diễn biến trên được tin sẽ là lý do thúc đẩy phương Tây phải tính toán lại chính sách với Nga. Điều này đã được thể hiện trên thực tế khi Đức và Pháp vừa rồi đã phải hối hả tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine để mở đường cho một mối quan hệ hòa dịu hơn với Nga.

Theo: VnMedia