Thông thường các thủ môn U23 hoặc Olympic sẽ có suất bắt chính ở CLB, trở thành thủ môn dự bị số 1 của đội tuyển quốc gia. Nhưng con đường của thủ môn người Thanh Hóa lại không được bằng phẳng như thế.
Ánh hào quang chợt tắt
Ngay trong lễ đăng quang vô địch V.League 2019 của đội bóng thủ đô, thủ môn Bùi Tiến Dũng phải thừa nhận: “Đội bóng thì thành công, nhưng với tôi, đây là mùa bóng thất bại”. Với sự xuất sắc của thủ môn Văn Công và vài lần được tung vào thử nghiệm không thành công, vị trí của Tiến Dũng từ vị trí thủ môn dự bị số 1 đã tụt xuống dự bị số 2 sau Phí Minh Long.
Sau khi kết thức hợp đồng, CLB Hà Nội không gia hạn hợp đồng với thủ môn dự bị này, vị trí dự bị cho thủ môn Văn Công được “thiết kế” cho Phí Minh Long, người cũng đã mắc sai sót ở SEA Games 29. Cuối mùa giải khi Văn Công không thể thi đấu thì HLV Chu Đình Nghiêm đã trao cơ hội cho Phí Minh Long.
Nhưng việc gặp sai lầm tại trận U22 Indonesia và mất suất bắt chính vào tay đàn em Văn Toản đã khiến cho mọi tính toán của Tiến Dũng sẽ khó khăn hơn. Ảnh VFF
|
Thực ra, trước khi lên đường đi Philippines, đã có vài CLB “dạm hỏi” người hùng của VCK U23 châu Á 2018, trong đó có đội bóng quê nhà Thanh Hóa, nhưng Bùi Tiến Dũng quyết định để mọi việc sau SEA Games 30. Một quyết định được cho là “dũng cảm” nhưng cũng chứa đầy tính “mạo hiểm”.
Nếu tính toán, thi đấu thành công trong U22 Việt Nam tại Philippines thì Bùi Tiến Dũng sẽ có chỗ đứng tại V.League 2020 một cách ngon lành ở vị trí dự bị. Nhưng việc gặp sai lầm tại trận U22 Indonesia và mất suất bắt chính vào tay đàn em Văn Toản đã khiến cho mọi tính toán của Tiến Dũng sẽ khó khăn hơn.
Đến giờ, Thanh Hóa không thể kiên nhẫn chờ Tiến Dũng, đã ký hợp đồng với Thanh Diệp (TP.HCM) dù bầu Đệ vẫn ý định tăng “chất Thanh” trong đội hình. SLNA cũng vừa ký hợp đồng với thủ môn Văn Hoàng, tính ra V.League giờ chỉ còn HAGL chưa thấy ký hợp đồng với thủ môn mới sau khi chia tay thủ môn ngoại Wieger Sietsma.
Thêm một chút khó khăn là ngay sau SEA Games 30 thì Bùi Tiến Dũng phải tập trung chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2020. Giải đấu này tổ chức tại Thái Lan và sớm nhất thì cũng phải sau ngày 16/01/2020, trận đấu cuối cùng với U23 Triều Tiên tại vòng bảng thì Tiến Dũng mới có mặt tại Việt Nam. Nếu U23 Việt Nam thì phải sau 26/01/2020 thủ môn Thanh Hóa mới có thể về nước. Thời gian đàm phán hợp đồng với các CLB của Tiến Dũng khá khó khăn.
Ngã đâu, đứng đấy
Với phong độ đang ổn định của Văn Toản, khả năng được bắt chính của Tiến Dũng tại VCK U23 châu Á 2020 là không cao. Điều này khiến cho cơ hội có hợp đồng tốt và bắt chính tại V.League 2020 càng bị thu nhỏ lại đáng kể. Với một giải đấu khốc liệt như V.League, hiếm HLV nào dám tin tưởng trao găng bắt chính cho 1 thủ môn quanh năm quen ngồi ghế dự bị dù có ánh hào quang quá khứ lớn đến mấy.
Đối với Bùi Tiếng Dũng đây là SEA Games đáng quên. Ảnh VFF
|
Việc vì sao từ chỗ là “người hùng Thường Châu” nhưng lại lận đận tại 2 mùa V.League thì hơn ai hết Bùi Tiến Dũng là người thấu hiểu. Khó có thể nói V.League có độ khốc liệt hơn VCK châu Á 2018 mà Tiến Dũng đã trải qua. Là người có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhất nhưng chính Tiến Dũng đã đánh rơi cơ hội tại SEA Games 30 và có thể tại VCK U23 châu Á 2020 sắp tới.
Đó là 1 thực tế nghề nghiệp mà bất cứ ai làm thủ môn đều phải chấp nhận. Các thủ môn như Thế Anh, Dương Hồng Sơn, Nguyên Mạnh và Phí Minh Long…đều đã có những sai sót chuyên môn và họ đều gượng dậy, tỏa sáng.
Là thủ môn có tố chất chuyên môn, thể hình lý tưởng, nếu tập trung vào nghề, chắc chắn cánh cửa chưa khép lại với “thủ môn quốc dân” này. Điều người hâm mộ trông chờ nhất là Tiến Dũng phải biết đứng lên sau những sai lầm cá nhân.
Thầy Park và người hâm mộ Việt Nam vẫn đứng sau Tiến Dũng. Hy vọng có một CLB bóng đá Việt Nam nào đấy sẽ tạo cho Tiến Dũng cơ hội làm lại.