“Nga đánh quỵ NATO trong 60 giờ“: Thực hư sức mạnh Mátxcơva

VietTimes -- NATO sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm nếu Nga động thủ với các nước vùng Baltic. Nghiên cứu của Rand cho rằng nếu không có 7 lữ đoàn tham gia ngăn chặn cùng với những hỗ trợ hỏa lực và không lực bảo vệ Đông Âu, Nga có thể chiếm được các nước Baltic chỉ trong 60 giờ.
Hải quân Nga tập trận đổ bộ trên biển
Hải quân Nga tập trận đổ bộ trên biển

(tiếp theo kỳ trước)

Nga tung hoành khiến Mỹ-NATO lạnh gáy

Trong khi nhiều chuyên gia vẫn cho rằng quy mô, hỏa lực, ưu thế trên không và công nghệ của NATO cuối cùng vẫn sẽ thắng thế trong chiến dịch lớn với Nga, điều này cũng không phủ nhận những kết quả nghiên cứu của nghiên cứu tập đoàn Rand thực hiện đầu năm 2016. Những kết quả phân tích cho thấy rằng NATO sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm nếu Nga động thủ với các nước vùng Baltic.

Quân đội NATO ở Đông Âu trong những năm gần đây không đủ sức để đối phó với cuộc tấn công vào các nước láng giềng như Latvia, Lithuania và Estonia. Sau khi tiến hành mô phỏng hàng cuộc đánh trận giả trong đó Nga sắm vai “quân đỏ” quân NATO là “quân xanh” tham gia trong viễn cảnh chiến tranh quanh các nước Baltic, nghiên cứu của Rand chỉ rằng nếu NATO muốn bảo vệ khu vực thì họ cần lực lượng với quân số lớn hơn số lượng hiện đang triển khai.

Đặc biệt, nghiên cứu đã kêu gọi NATO đưa ra một chiến lược giống như học thuyết Tác chiến không-bộ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh từ những năm 1980. Trong thời kỳ này, quân đội Mỹ đã đóng hàng trăm ngàn quân tại châu Âu trong chiến lược nhằm đối phó với Liên Xô.

Nghiên cứu của Rand cho thấy nếu không có 7 lữ đoàn tham gia ngăn chặn cùng với những hỗ trợ hỏa lực và không lực bảo vệ Đông Âu, Nga có thể chiếm được các nước Baltic chỉ trong 60 giờ.

“Với năng lực hiện nay, NATO không thể bảo vệ thành công lãnh thổ của các thành viên nguy hiểm nhất. Theo như mô hình, quân đội Nga chỉ mất 60 giờ để tiến đến ngoại ô thủ đô Tallinn và Riga của Estonia hoặc Latvia. Một thất bại nhanh chóng sẽ khiến NATO chỉ còn rất ít sự lựa chọn”.

Tổng thống Putin trong một cuộc thị sát Trung tâm điều hành tác chiến Bộ Quốc phòng Nga
Tổng thống Putin thị sát Trung tâm điều hành tác chiến Bộ Quốc phòng Nga trong chiến dịch quân sự tại Syria
Phi đội chiến đấu Nga biểu diễn kỹ năng trên không
Phi đội chiến đấu Nga biểu diễn kỹ năng trên không

Tác chiến không – bộ là một khái niệm chiến tranh chiến lược của Mỹ và các lực lượng đồng minh trong Chiến tranh lạnh, chiến lược này dựa vào sự hợp tác giữa lực lượng lớn trên mặt đất và máy bay tấn công trên đầu. Các cuộc không kích sẽ tìm cách làm suy yếu các vũ khí hỗ trợ cho lực lượng tiền tuyến của kẻ thù bằng cách đánh bom các nguồn cung ở phía sau. Các lực lượng bộ binh lớn sau đó có thể tiến lên dễ dàng hơn, xuyên qua hàng phòng thủ của địch.

Một cuộc tấn công nhanh chóng vào khu vực Baltic sẽ khiến NATO không còn mấy lựa chọn có lợi. Những lựa chọn có thể là một cuộc phản công nguy hiểm đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc chỉ đơn giản là đành để Nga sáp nhập các nước này.

Hạm đội hải quân của 5 nước NATO bám theo sát cụm tác chiến tàu sân bay Nga trên đường sang tham chiến tại Syria
Hạm đội hải quân của 5 nước NATO bám theo sát cụm tác chiến tàu sân bay Nga trên đường sang tham chiến tại Syria
Lính Mỹ và NATO tập trận tại Đông Âu
Lính Mỹ và NATO tập trận tại Đông Âu

Một lựa chọn khác là dành phần lớn thời gian để huy động và triển khai một lực lượng phản công lớn, có khả năng gây ra một cuộc chiến đẫm máu kéo dài. Một khả năng khác sẽ là đe dọa sẽ sử dụng hạt nhân. Viễn cảnh này khó có thể xảy ra nếu không nói là hoàn toàn phi thực tế sau chiến lược giảm kho vũ khí hạt nhân và giảm triển vọng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Lựa chọn thứ ba và cũng là lựa chọn cuối cùng sẽ là nhượng các nước Baltic và khiến liên minh rơi vào một cuộc Chiến tranh lạnh thậm chí còn căng thẳng hơn trước. Lựa chọn này sẽ không được người dân các nước Baltic chào đón và sẽ khiến NATO suy yếu, nếu không nói là tan rã một phần.

Nghiên cứu đã chỉ ra chính xác những điều mà mô hình trận giả đưa ra sẽ là cần thiết cho một chiến lược ngăn chặn hiệu quả.

“Mô hình đã chỉ ra rằng 7 lữ đoàn bao gồm 3 lữ đoàn thiết giáp hạng nặng được trang bị đầy đủ không lực, hỏa lực, và các sức mạnh khác trên mặt đất và sẵn sàng chống lại sự tấn công của kẻ thù sẽ đủ để ngăn chặn cuộc đánh chiếm các nước Baltic".

Trong các viễn cảnh khác nhau, sự chống cự của NATO sẽ bị đánh bại nhanh chóng nếu thiếu lực lượng phòng thủ cơ giới lớn hơn. Việc thiếu hệ thống phòng không tầm ngắn trong các đơn vị của Mỹ và hệ thống tối giản ở các đơn vị NATO sẽ dễ dàng bị đánh bại bởi một quân số áp đảo được trang bị mạnh. Kết quả là những quân đội NATO bị thiệt hại nặng nề và cuộc phản công cũng thất bại hoàn toàn.

Phương Tây luôn cáo buộc Nga tham vọng mở rộng lãnh thổ và cho rằng Latvia, Lithuania và Estonia có thể là mục tiêu vì cả ba nước này đều gần biên giới Nga và từng là những nước thuộc Liên Xô trước đây.

“Cũng giống như Ukraine, Estonia và Latvia có nhiều người Nga sinh sống, những người này đã hội nhập vào các dòng chính trị và xã hội sau độc lập của hai nước này và điều này dễ khiến Nga can thiệp vào các vấn đề của Estonia và Latvia”, Rand nhận định.

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận
Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận

Nghiên cứu của Rand cũng chỉ ra rằng dù tốn kém nhưng các binh đoàn bổ sung này sẽ là cần thiết với NATO. Việc tăng cường quân số và các vũ khí hiện đại rõ ràng là tốn kém, tổng các chi phí ước tính khoảng 13 tỷ USD. Tuy nhiên, những thiết bị này, đặc biệt là xe tăng Abram đắt tiền và xe chiến đấu Bradley đã có sẵn.

Sự hiện diện thực sự của quân đội NATO ở Đông Âu vẫn được cân nhắc và có thể thay đổi với chính quyền mới. NATO và Mỹ vẫn đang cân nhắc bổ sung thêm quân vào sườn Đông nhằm đối phó Nga.

Tuy nhiên, trong khi Sáng kiến bảo đảm an ninh châu Âu của Lầu Năm Góc kêu gọi bổ sung thêm ngân sách, lực lượng cũng như luân chuyển lực lượng sang châu Âu trong những năm tới đây, vẫn chưa rõ là cuối cùng lực lượng này sẽ ra sao.

Việc đề nghị bổ sung 3,4 tỷ USD kinh phí của Mỹ nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường sự hiện diện quân sự  ở châu Âu cũng như hỗ trợ hỏa lực, trụ sở, tổng hành dinh cho quân đội NATO.

Các nhà chức trách quân đội Mỹ tại châu Âu cho biết nhiều cuộc diễn tập với các đồng minh NATO ở châu Âu sắp sửa diễn ra và nguồn nhân lực bổ sung cũng sắp triển khai.

Chẳng hạn, NATO tiến hành cuộc tập trận Swift Response 16 tại Ba Lan và Đức. Cuộc diễn tập này huy động hơn 5.000 lính và phi công từ Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.