“Không có gì bí mật khi nói có nhiều mối đe dọa, chủ yếu là từ Mỹ, nhằm ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống SWIFT” – Dmitry Birichevsky, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói.
Trả lời phỏng vấn hãng RIA Novosti trong hôm 31/5, ông Birichevsky nhấn mạnh, Nga quan ngại về việc SWIFT có thể bị cuốn vào “vòng xoáy trừng phạt” mà Washington tạo nên. Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ sẽ không đưa ra hành động ngăn chặn này quá sớm.
“Tôi thực sự tự tin cho rằng chúng ta sẽ không bị ngắt kết nối khỏi SWIFT sớm, mà cũng có thể là không bao giờ”, ông nói, nhấn mạnh rằng Nga dù sao cũng sẽ sớm đạt các thỏa thuận về chi trả với các đối tác thương mại.
“Kể từ năm 2014, Nga đã liên tục làm việc để có được một hệ thống chi trả riêng. Hệ thống này nay đã tồn tại” – ông giải thích – “Tất cả chúng ta đều sử dụng thẻ MIR. Nó cũng được chấp nhận ở một số quốc gia láng giềng, và ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc đàm phán đã diễn ra với nhiều đối tác khác”.
Tháng trước, các chính trị gia thuộc Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết lên án cái mà họ gọi là việc Nga “điều động quân đọi tới sát biên giới với Ukraine”. Họ còn nhất trí rằng, “nếu việc quy tụ binh sĩ dẫn tới một cuộc xâm lược”, Moscow nên bị loại khỏi SWIFT, cùng với các đòn trừng phạt kinh tế khác.
Đề xuất loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế hàng đầu của thế giới không còn là điều mới mẻ. Nhưng sau 7 năm liên tục bị đe dọa, Nga giờ đã ở một vị trí mà có mất quyền tiếp cận với SWIFT cũng không gây ra hậu quả quá nặng nề với họ. Moscow đã tạo dựng nên một hệ thống thanh toán riêng, có tên gọi SPFS, hoạt động trong nước, và đang tìm cách mở rộng hệ thống này ra quốc tế.
Moscow trước đó từng cảnh báo rằng họ coi việc tách Nga ra khỏi SWIFT là “một lời tuyên chiến”. Cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng gọi đó là một “cú đấm vào bụng”.