Hiện có một số phương thức đối phó với UAV đối phương. Phương thức chủ yếu là gây nhiễu vô tuyến để cắt đứt liên lạc giữa bàn điều khiển của nhân viên điều khiển và UAV. Khi bị cắt đứt liên lạc kiểu này, UAV tùy theo chương trình được cài đặt sẵn hoặc là có thể tự quay về căn cứ, hoặc là thực hiện hạ cánh khẩn cấp.
Một cách khác là sử dụng phương tiện trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện để tính toán xác định vị trí chính xác của người điều khiển. Đối với các UAV không có hệ thống mã hóa kênh truyền dữ liệu, ta có thể chặn cướp quyền điều khiển. Nhiều nước từ lâu đã tìm cách phát triển các hệ thống bẻ khóa UAV, nhưng đến nay chưa thể chế tạo được một hệ thống hoạt động tin cậy.
Hệ thống Shipovnik-AERO có thể chặn thu, ghi và giải mã tín hiệu điều khiển UAV của đối phương. Khi tìm ra đúng các khóa mã, hệ thống giành lấy quyền điều khiển UAV trong khi gây nhiễu chế áp các tín hiệu điều khiển từ bàn điều khiển của nhân viên điều khiển UAV đối phương. Etalon không tiết lộ phương pháp dùng để giải mã tín hiệu điều khiển UAV.
Hệ thống được bố trí trên xe tải 2 trục KamAZ-4320, có thể phát hiện các tín hiệu điều khiển UAV trong bán kính 10 km. Sau khi phát hiện tín hiệu, hệ thống tiến hành phân tích tín hiệu và tự động chọn chế độ làm việc phù hợp nhất để đối phó với một UAV cụ thể: gây nhiễu, làm biến dạng tín hiệu hay là bẻ khóa. Các chi tiết khác về hệ thống không được tiết lộ.
Cần lưu ý rằng, các thuật toán mã hóa tín hiệu điều khiển cho một số loại UAV hoặc là đã được quân đội các nước biết đến hoặc là dễ bẻ khóa. Ví dụ, RQ-11 Raven của Mỹ chỉ sử dụng cơ chế mã hóa đơn giản, ngay từ đầu các tín hiệu điều khiển UAV này đã không được bảo vệ. Các UAV Forpost, biến thể của Searcher do Nga sản xuất theo giấy phép của hãng IAI, Israel, sử dụng khóa mã tĩnh và cũng có thể tìm ra khi giải mã tín hiệu ghi được.
Tháng 12/2011, quân đội Iran đã chặn bắt được UAV trinh sát tuyệt mật RQ-170 của Mỹ. RQ-170 được điều khiển qua vệ tinh, kênh điều khiển được mã hóa, còn các khóa mã được thay đổi mấy giây một lần. Để trực tiếp bẻ khóa tín hiệu đó sẽ mất rất nhiều thời gian và cấn có các hệ thống máy tính cực mạnh. Tuy nhiên, quân đội Iran bằng hệ thống tác chiến điện tử 1L222 Avtobaza của Nga đã gây nhiễu kênh điều khiển của RQ-170.
Khi mất tín hiệu điều khiển, UAV này đã chuyển sang chế độ tự động và theo chương trình đã bay về căn cứ không quân Mỹ ở Afghanistan theo tín hiệu GPS. Người ta cho rằng, phía Iran đã đánh tráo thành công hay làm biến đổi tín hiệu định vị GPS khiến cho RQ-170 lạc đường và hạ cánh xuống lãnh thổ Iran. Mấy tháng sau, Iran tuyên bố đã bẻ khóa được các hệ thống trên khoang RQ-170 và triển khai sản xuất loạt các bản sao chép.
Theo VND