Nga chống chọi Mỹ-phương Tây trong cuộc chiến trừng phạt ra sao

VietTimes -- Sự phát triển mạnh mẽ nông nghiệp cùng với các sáng kiến hỗ trợ tài chính của Tổng thống Nga V.Putin đã tạo ra một “cơn sốt” khai thác các vùng đất ở vành đai miền trung nước Nga cùng nhiều khu vực màu mỡ khác. Hai dòng đầu tư nóng nhất cho những người giàu có ở Nga hiện nay chính là nông nghiệp và các khách sạn ở châu Âu.
Căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây khởi phát từ thời tổng thống Obama hiện vẫn chưa hề có dấu hiệu lắng dịu
Căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây khởi phát từ thời tổng thống Obama hiện vẫn chưa hề có dấu hiệu lắng dịu

Đạo luật H.R.3364 cấm vận Nga vừa được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 27/7/2017 và được Tổng thống Donald Trump phê chuẩn đã gián tiếp công nhận rằng các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đã hoàn toàn thất bại. Để áp đặt các biện pháp mới chống phá Nga, Washington phải lôi kéo cả Triều Tiên và Iran vào để gia tăng tính thuyết phục cho một đạo luật cấm vận mới bởi nếu chỉ đề ra các biện pháp trừng phạt mới chống Nga sẽ là vô nghĩa trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump có chủ trương cải thiện quan hệ với Matxcơva.

Ngày 27/7/2017, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối đã thông qua “Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận” (“Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act”) mang mã số H.R.3364 nhằm “chống lại sự xâm lược của Nga, Triều Tiên và Iran”. Trong đó, nội dung chủ yếu là cấm vận Nga, còn nội dung cấm vận Triều Tiên và Iran chỉ là biện pháp “ăn theo”.

Không phải ngẫu nhiên, Triều Tiên và Iran được gộp vào trong biện pháp cấm cận cả gói này, bởi trong điều kiện tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chủ trương cải thiện quan hệ với Nga và hợp tác với Nga chống khủng bố ở Syria thì Washington không có lý do thuyết phục nặng ký nào để cấm vận Nga vào thời điểm này.

Thất bại của phương Tây trong cấm vận Nga dưới thời Barack Obama

Sau sự kiện Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea trong tháng 3/2014, Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã lôi kéo các đồng minh phương Tây áp dụng nhiều biện pháp cấm vận nhằm vào Nga. Theo nhận định của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, các biện pháp cấm vận đó sẽ khiến nền kinh tế Nga “vỡ vụn và sụp đổ”, buộc Matxcơva phải thay đổi quan điểm, thậm chí phải “đầu hàng”, còn người dân Nga sẽ nổi dậy lật đổ chính thể của Tổng thống Nga V.Putin [1].

Để đối phó các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây, từ tháng 8/2014, Nga đã áp dụng các biện pháp chống cấm vận. Ngày 29/6/2016, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh gia hạn các biện pháp chống cấm vận của Mỹ và EU tới cuối năm 2017. Đến nay, có thể khẳng định, trong cuộc chiến tranh cấm vận này, hóa ra Mỹ và EU là bên thua, còn bên thắng lại là Nga. Trên thực tế, nước Nga đã áp dụng các biện pháp đáp trả cấm vận rất có hiệu quả Theo Tổng thống Nga V.Putin, các biện pháp cấm vận của phương Tây tuy có gây thiệt hại cho Nga khoảng 50 tỷ USD, nhưng các nước thành viên EU cũng bị thiệt hại trên 100 tỷ USD [2].

Đặc biệt, do hoảng loạn trước đồng Ruble giảm giá quá nhanh, có thể nói là gần như được thả nổi, các tập đoàn tài chính ở Phương Tây đã từng sở hữu khối lượng cổ phần rất lớn của các công ty dầu mỏ và khí đốt của Nga tỏ ra vô cùng hoảng hốt, vội vàng bán thốc bán tháo cổ phiếu của họ do lo ngại bị “trắng tay” một khi kinh tế Nga phá sản. Chính vào thời điểm đó, Tổng thống Nga V.Putin ra lệnh cho Ngân hàng trung ương Nga bỏ ra khối lượng lớn USD mua hết toàn bộ khối lượng cổ phiều khổng lồ  đó. Như vậy, chỉ cần một “nước cờ”, nhiều công ty năng lượng của Nga đã thu về toàn bộ tài sản của mình mà trước đó nằm trong tay các tập đoàn tài chính của Phương Tây. Các chuyên gia kinh tế gọi đây là “trận Stalingrad trong chiến tranh cấm vận” [3].

Chuyên gia Quỹ Marshall (Đức) Stefan Sabo cho biết, việc đi theo Mỹ cấm vận Nga đã khiến cho các nền kinh tế của EU thiệt hại gấp 10 lần so với Mỹ. Kim ngạch thương mại EU-Nga giảm từ 326,5 tỷ Euro năm 2013 xuống còn 210 tỷ Euro vào năm 2015, trong khi kim ngạch thương mại Mỹ-Nga chỉ giảm 38,2 tỷ xuống 23,6 tỷ USD trong thời gian đó. Nhiều người lo ngại khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, các nhà sản xuất châu Âu sẽ không tìm được chỗ đứng trên thị trường Nga vì đã bị người khác chiếm chỗ.

Nhiều quốc gia thành viên EU cho biết, kinh tế của họ đã gặp rất  nhiều khó khăn từ các biện pháp chống cấm vận của Nga. Nguyên tắc “đoàn kết kinh tế” vì mục đích chung của cả EU và Mỹ đã khiến các nước thành viên EU, đặc biệt là Đông Âu và Bắc Âu, chịu nhiều thiệt hại. Nhưng quan trọng nhất là nông dân châu Âu đã mất đi thị trường truyền thống. Trong 2 năm 2014 và 2015, họ phải tìm kiếm những thị trường mới cho những sản phẩm vốn được sản xuất để cung cấp cho Nga. Nhiều nước châu Âu thừa nhận chính họ đã chịu thiệt hại lớn hơn. Các tập đoàn lớn như Adidas, Siemens, Royal Dutch Shell và Erste Group… cũng bị thiệt hại nặng do các lệnh cấm vận. Do đó, nội bộ EU bị chia rẽ và đây là thiệt hại chính trị lớn nhất của phương Tây từ chủ trương cấm vận Nga.

Một thất bại khác rất đáng kể của Mỹ và EU kho cấm vận Nga là đã tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế Nga phát triển. Sau khi Mỹ và EU đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh "Về áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt riêng rẽ nhằm bảo đảm an ninh Liên bang Nga", theo đó yêu cầu các cơ quan chính quyền trung ương thực thi những biện pháp liên quan nhằm cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia đã áp đặt trừng phạt kinh tế chống lại các cá nhân và thể nhân của Nga, hoặc những quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này. Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ thị Chính phủ Nga lên danh sách các mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực thực phẩm nằm trong danh sách cấm hoặc hạn chế nhập khẩu trên, cũng như các biện pháp cụ thể cần thiết để thực hiện sắc lệnh [4].

Tổng thống Putin đang chèo lái nước Nga qua giai đoạn khó khăn
Tổng thống Putin đang chèo lái nước Nga qua giai đoạn khó khăn

Thực hiện Sắc lệnh này, các nhà sản xuất nông nghiệp Nga đã thuyết phục chính quyền thực hiện chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước và cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu từ phương Tây. Theo hướng đó, trong thời gian ngắn nhất, Nga đã thay thế những hạn ngạch cắt giảm này bằng sản phẩm nội địa. Tuy có khó khăn ban đầu, các biện pháp này đã tạo động lực thúc đẩy và nâng cao sức mạnh nội lực của nền kinh tế Nga, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế lớn hơn và ít rủi ro hơn với những đối tác quan trọng của Nga.

Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã buộc Nga phải cải tạo triệt để nền kinh tế và giải quyết các vấn đề khó khăn như chống tham nhũng và quan liêu, chống phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu nhiên liệu năng lượng và khắc phục nền công nghiệp chế tạo máy yếu kém, đầu tư vào nghiên cứu phát triển nông nghiệp và phát triển các mô hình hiện đại của ngành nông nghiệp.

Nhờ đó, các mặt hàng thiết yếu và phổ cập bị thiếu hụt không đáng kể. Với các nước láng giềng gần và xa của Nga không tham gia lệnh trừng phạt, những biện pháp mới ban hành của Nga đã giúp họ tiếp cận một thị trường lớn hơn 100 triệu dân. Mạng lưới bán lẻ của Nga đã đàm phán với Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile, Trung Quốc và các nước châu Á khác về nội dung thay thế nhập khẩu thịt bò, trái cây và rau quả của châu Âu và Mỹ.

Các biện pháp cấm vận Nga của EU khiến người tiêu dùng Nga tăng cường sử dụng sản phẩm nội và bằng cách đó nâng cao sức mạnh nội lực của nền kinh tế Nga. Ngoài nông nghiệp, sản xuất công nghiệp ở Nga không ngừng tăng. Ngành nông nghiệp Nga cũng hưởng lợi nhiều từ các lệnh cấm vận của phương Tây. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng trở lại trong năm 2016, đạt mức 1,5 %.

Theo Bộ trưởng nông nghiệp Nga Aleksander Tkachev, sau 2 năm bị cấm vận, sản lượng rau trồng nhà kính năm 2016 tăng 8%, đạt 691.000 tấn và có thêm 160 hecta nhà kính đã được đưa vào canh tác. Theo tính toán, hiện tại các nhà sản xuất Nga đã đảm bảo cung cấp được tới 90% lượng tiêu thụ rau cho cả nước Nga. Ngoài ra, theo tính toán của Bộ nông nghiệp Nga, sau 4 năm nữa khi đạt khoảng 70.000 hecta vườn và tăng sản lượng lên 1,7 triệu tấn, doanh nghiệp Nga sẽ đảm bảo được hoàn toàn nhu cầu rau quả cho cả nước. Thậm chí một số sản phẩm Nga đã xuất khẩu với sản lượng đứng đầu thế giới, như củ cải đường.

Với 50 triệu tấn sản lượng, Nga sản xuất được khoảng 6 triệu tấn đường, không chỉ bao tiêu dùng cho toàn bộ thị trường trong nước mà còn tăng xuất khẩu, vượt qua mốc 200.000 tấn/năm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nga trở thành nhà cung cấp đường lớn trên thế giới. Hiện này Nga là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ai Cập kết nối với các quốc gia thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Thí dụ, nhập khẩu từ Nga chiếm 97% kim ngạch nhập khẩu của Ai Cập với khối EAEU và tăng đến 14% trong năm 2016. Theo ông Fedor Lukashin, Đại diện thương mại Nga tại Ai Cập, xuất khẩu của Nga tăng trong năm 2016 nhờ cung cấp nguyên liệu nông nghiệp, thực phẩm và các loại rau.

Nga đã tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác như Trung Quốc để phá thế trừng phạt, cấm vận phương Tây
Nga đã tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác như Trung Quốc để phá thế trừng phạt, cấm vận phương Tây
Kể cả cải thiện quan hệ với Nhật Bản cũng không ngoại lệ
Kể cả cải thiện quan hệ với Nhật Bản cũng không ngoại lệ

Nga đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Đây là một bước phát triển đột phá của Nga, mở đường cho các ngành trồng cây lượng thực cùng đi lên. Sự phát triển mạnh mẽ này cùng với các sáng kiến hỗ trợ tài chính của Tổng thống Nga V.Putin đã tạo ra một “cơn sốt” khai thác các vùng đất ở vành đai miền trung nước Nga cùng nhiều khu vực màu mỡ khác. Hai dòng đầu tư nóng nhất cho những người giàu có ở Nga hiện nay chính là đất nông nghiệp và các khách sạn ở châu Âu. Tổng thống Nga V.Putin tự tin phát biểu trước Quốc hội: “Nga có thể trở thành nước cung cấp lớn nhất thế giới về thực phẩm chất lượng cao, sạch về mặt sinh học và có lợi cho sức khỏe con người, bỏ xa các nhà xuất phương Tây”.

Đặc biệt, các biện pháp trừng phạt khuyến khích Chính phủ Nga tạo ra các tổ chức tài chính riêng của mình. Sau khi các thượng nghị sĩ Mỹ và chính phủ một số nước châu Âu đề nghị Mỹ cắt đứt mối liên hệ của Nga với Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng quốc tế (SWIFT), Ngân hàng trung ương Nga đã xây dựng thành công hệ thống thanh toán liên ngân hàng mang tên “Hòa Bình”(“MIR”)./.

(còn tiếp)

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

[1] Obama: Russia's actions in Ukraine put Putin on the 'wrong side of history'. https://www.theguardian.com/world/2014/mar/03/russian-sanctions-likely-putin-ukraine-crimea

[2] Прямая линия с Владимиром Путиным. https://ria.ru/politics/20170615/1496534721.html

[3] Trận Stalingrad trong cuộc chiến tranh cấm vận phương Tây-Nga. Chuyên san Thế giới toàn cảnh của Tạp chí Khoa học và Chiến lược. Bộ Công an, số 1.2015

[4] Указ о применении отдельных специальных экономических мер в целях обеспечения безопасности Российской Федерации. http://kremlin.ru/events/president/news/46404