Nga “chảy máu” 33 tỷ USD trong quý I/2015

 Ngân hàng Trung ương Nga dự đoán mức tháo vốn ròng có thể đạt 131 tỷ USD tính đến cuối năm 2015, trang EurasiaNet đưa tin.
Nga “chảy máu” 33 tỷ USD trong quý I/2015

Tính từ đầu năm tới nay, lượng vốn rút ròng khỏi Nga đã đạt 32,6 tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương. Nhà băng dự đoán mức tháo vốn ròng có thể đạt 131 tỷ USD tính đến cuối năm 2015.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương cũng tính toán lại  số vốn rút ròng khỏi Nga trong năm 2014, nâng từ mức 151,4 tỷ USD lên 154,1 tỷ USD. Đây là đỉnh cao nhất kể từ khi ngân hàng bắt đầu thu thập số liệu vào 1994.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng hầu hết tiền tháo khỏi Nga được chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài (offshore accounts), nằm ngoài tầm kiểm soát của quan chức thuế vụ và giới điều tra.

Năm 2013, khi tỷ lệ tháo vốn từ Nga thấp hơn rất nhiều so với hiện tại, Kho bạc nước này đã thất thoát tới 22 tỷ USD doanh thu thuế, ông Andrei Makarov, Người đứng đầu Ủy ban Ngân sách và Thuế của Duma, chỉ ra.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở nguồn thu thuế. “Tình trạng tháo vốn làm suy yếu nền kinh tế quốc gia, rút kiệt các quỹ đầu tư, điều càng làm trầm trọng triển vọng phát triển kinh tế”, hai chuyên gia kinh tế Mikhail Gelvanovskiy và Vladislav Ovchinskiy rút ra. Kết luận này được trích trong báo cáo nghiên cứu hậu quả của việc tháo vốn giữa đợt khủng hoảng kinh tế Nga năm 2008.

Hoạt động đầu tư tại Nga trong quý I/2015 giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Trung tâm phân tích vĩ mô và dự báo ngắn hạn (CMASF).

Đại diện Bộ phát triển kinh tế Nga đã bày tỏ quan ngại, cho rằng trong cả năm 2015, tỷ lệ giảm suát sẽ chạm mức 10,6%. Sang đến năm 2016, con số này có thể hồi phục lên mức tăng trưởng 3%, chủ yếu nhờ nhà đầu tư cá nhân. Bộ không cung cấp giải pháp cụ thể để hấp dẫn đầu tư cá nhân.

Một biểu hiện khác cho thấy nền kinh tế Nga đang đổ bệnh là tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng nhanh. Trong quý đầu, con số này đã lên mức cao nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 – 2009, theo CMASF.

Những địa hạt bị ảnh hưởng nặng nền nhất là nhà đất, xây dựng, vận tải, liên lạc, thương mại, năng lượng và kim loại.

Con số thoái vốn trong quý I năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với quý I năm 2014 tại 47,7 tỷ USD. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lý giải rằng sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào tháng Hai là một yếu tố gây chấn động trong quý đầu năm ngoái.

Sẽ khách quan hơn nếu so sánh số liệu của quý II tới đây với quý II/2014, khi lượng tháo vốn đạt 21,9 tỷ USD, giới quan sát nhận định.

Ngân hàng Trung ương Nga đã vẽ ra 2 kịch bản về triển vọng đầu tư tại Nga. Nếu giá dầu tiếp tục giảm, số vốn tháo chạy có thể phá mốc 130 tỷ USD.

Nếu giá tăng, con số sẽ dừng lại ở khoảng 111 tỷ USD. Tuy nhiên với giả thiết lạc quan này, con số vẫn gấp ba lần mức thất thoát lớn nhất trong 1 năm kể từ 1994.

Theo: BizLive