Nga cao tay đẩy Mỹ-Thổ đối đầu tại Syria
VietTimes -- Dùng con bài người Kurd, Mỹ đã chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ. Ở thời điểm hiện tại, Ankara đang có những trận chiến tại Afrin nhưng sẽ nhanh chóng hướng tới Manjib thị trấn ở phía đông sông Euphrates để đánh đuổi những nhóm dân quân người Kurd mà Thổ coi là mối đe dọa thường trực tới đất nước họ, JN nhận định.
Nhành ôliu - Chiến dịch quân sự mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ gây xấu hổ cho người Mỹ. Nó đánh dấu một thất bại bẽ mặt cho người Mỹ trong cuộc chiến đương thời lớn nhất của nước này ở Trung Đông và có khả năng chấm dứt vị thế số 1 của Mỹ trong khu vực. Nếu như "kẻ thù của kẻ thù là bạn" là một mệnh đề đúng trong các mối quan hệ quốc tế thì câu nói ngược lại "đồng minh của đồng minh thì không phải là đồng minh" có vẻ như đúng đắn trong mối quan hệ tay ba giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và người Kurd.
Trong cuộc chiến Syria, Mỹ cố nhiên chọn người Kurd là đồng minh, một lực lượng lục quân ủy nhiệm chính của Mỹ. Lựa chọn này đã có cái giá là sự xa lánh của Thổ Nhĩ Kỳ đồng minh lớn thứ 2 trong NATO về sức mạnh quân sự. Dù sao, việc Mỹ kéo dài viện trợ cho người Kurd không lập tức dẫn tới sự tan vỡ quan hệ song phương Mỹ-Thổ. Cho tới năm 2015, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hành động như là đồng minh thân thiết. Nhưng quan hệ đồng minh này có những căng thẳng đáng chú ý không như bề ngoài.
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tới Afrin.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn lo lắng về việc Mỹ ủng hộ người Kurd. Để chống lại điều đó, Ankara hỗ trợ IS và vũ trang cho các nhóm quân ủy nhiệm để bảo vệ lợi ích của mình tại Syria, dần dần đẩy đội quân này chống lại NATO và Mỹ. Khủng hoảng quan hệ song phương giữa hai nước bùng lên công khai khi có cuộc đảo chính của Thổ Nhĩ Kỳ mà ông Erdogan sau đó cáo buộc cho Mỹ đứng sau. Trong khi "trò chơi đổ tội" gây ra lỗ hổng lớn trong quan hệ song phương, nó cũng chưa phải là lý do để Thổ Nhĩ Kỳ có hành động quân sự nhắm vào đồng minh người Kurd của Mỹ đồng minh NATO của Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ có những đồng minh mạnh mẽ mới
Trong khi vẫn là đồng minh NATO, chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ và những mối quan hệ trong khu vực thay đổi một cách đột ngột trong cuộc chiến Syria. Một mặt, Trung Quốc và Qatar trở thành những nhà đầu tư ngoại quốc chính tại đất nước này. Mặt khác, Iran và Nga đang trở thành đồng minh chiến lược chính của Ankara. Điều này giải thích vì sao dù hàng trăm chiến binh Kurd bị hạ trong tuần trước, Washington vẫn chưa có đáp trả thích đáng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất cả chỉ là những lời "quan ngại và cảnh báo". Liệu có phải Mỹ e ngại vai trò trong NATO của Thổ Nhĩ Kỳ? Điều này đã không ngăn họ ngấm ngầm âm mưu tấn công ông Erdogan bằng cách ủng hộ cho cuộc đảo chính và từ chối giao đồng minh cũ của ông là Fethullah Gulen cho Ankara. Vậy đã có những điều gì thay đổi?
Mặc dù tấn công đồng minh của Mỹ tại Syria, thị trường chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không bị rơi điểm. Mỹ cũng không thể trừng phạt kinh tế Ankara khi bị thách thức công khai. Điều này cho thấy một lý do quan trọng của thị trường ổn định là Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm phụ thuộc vào Châu Âu và Mỹ, đồng thời đã tìm ra nguồn tài chính mới từ Trung Quốc và Qatar cũng như những nguồn vũ khí cùng hệ thống phòng thủ mới từ Trung Quốc và Nga.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại tây bắc Syria.
Qatar đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ với 20 tỷ USD trong các cam kết đầu tư và thêm 19 tỷ USD đầu tư vào đường ống dẫn dầu năm 2018. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà đảm bảo về anh ninh cho Qatar và đã thiết lập một căn cứ quân sự mới tại đất nước Ả rập bé nhỏ này. Hai sự tiến triển trong mối quan hệ với Qatar là kết quả của việc Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Qatar năm ngoái trong sự kiện các nước vùng vịnh tẩy chay Qatar và vận chuyển lương thực cho nước này sau khi Ả rập Xê-út đóng cửa biên giới với Qatar.
Trong khi đầu tư của Trung Quốc ít hơn Qatar nhiều thì Thổ Nhĩ Kỳ lại là một lãnh thổ chính trong kế hoạch "vành đai - con đường" của Trung Quốc. Trung Quốc đang trong quá trình thiết lập vùng lãnh thổ và đường tàu tới Thổ Nhĩ Kỳ qua Iran, một đất nước cũng chủ chốt trong kế hoạch "vành đai - con đường". Trong khi tại phía đông Iran, Trung Quốc đang hiện đại hóa mạng lưới tàu hỏa của đất nước này thì ở phía tây Iran các nhóm công nhân đang làm việc để kết nối Tehran tới Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng là Châu Âu.
Ông Erdogan không quan tâm tới sự toàn vẹn lãnh thổ Syria mà đang tập trung vào mối đe dọa người Kurd.
Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào lĩnh vực truyền thông tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại vào 5.12.2017, ZTE tập đoàn lớn nhất cung cấp thiết bị truyền thông và giải pháp mạng đã đồng ý mua 48,04% cổ phần của công ty cung cấp hệ thống nâng cấp Netas với giá 101,3 triệu USD. Đây là một phần trong mục tiêu mở rộng các hoạt động trong những thị trường chính của kế hoạch "vành đai - con đường".
Còn giai đoạn cuối của cuộc chiến Syria không có gì bàn cãi về sự hiểu nhau giữa Ankara và Moscow. Nếu thiếu đi sự ăn ý này, Thổ Nhĩ Kỳ không thể sử dụng không phận Syria. Và hiện tại, với sự dồn ép nhanh chóng của Thổ Nhĩ Kỳ với kẻ thù chính của họ tại Syria, vẫn có một rủi ro nhỏ với nhóm quân tự do Syria (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ: có thể khiến cho Nga, Iran và Syria chậm trễ trong việc thoát ra khỏi sự sa lầy của cuộc chiến.
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ dù sao cũng đem lại 2 lợi ích chính: gây ra tổn thất quan trọng cho ảnh hưởng của Mỹ với tình thế trong khu vực và củng cố vị trí của Nga. Hiện tại, rõ ràng đe dọa của người Syria sẽ bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Afrin chỉ là một sự khoa trương.
Nga có vẻ không phản đối hành động xâm nhập vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thú vị hơn nữa, Nga cũng không phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Nga khi được hỏi về thông tin này thay vì đổ lỗi cho Mỹ về việc họ hỗ trợ cho người Kurd đã nói: "Những hành động đơn phương của Mỹ tại Syria đã làm Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận". Và sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các chiến dịch, Nga lại đặt quân đội ở Afrin để bảo vệ vùng này khiến cho các chỉ huy của lực lượng YPG cáo buộc Nga phản bội.
Sau Afrin, chuyện gì sẽ xảy ra?
Sự bất hòa của Mỹ-Thổ có vẻ sẽ tăng cao vì Thổ Nhĩ Kỳ đang chú ý tới Manjib - nơi Mỹ thiết lập căn cứ quân sự và có binh sĩ tại đây để củng cố "vùng an toàn". Lầu Năm Góc đã có cảnh báo họ sẽ phòng thủ Manjib nếu bị tấn công.
Afrin chỉ là một địa điểm trên con đường tiến tới Manjib và thị trấn này nằm ở phía bờ đông sông Euphrates nơi mối đe dọa thật sự với Thổ Nhĩ Kỳ đang tồn tại. Chiến thắng tại Afrin chưa chứng minh được điều gì. Đây chỉ là một bước chiến thuật trong mục đích chiến lược săn đuổi người Kurd ở phía bên kia sông Euphrates.
Liệu người Mỹ có đối mặt với người Thổ? Và liệu Ankara có giữ được sự táo bạo đã thể hiện như ở Afrin? Tất cả sẽ phụ thuộc vào việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chiến lược thế nào với Nga và Iran. Nhưng Manjib sẽ là một nơi để thử chiến lược của Mỹ. Không giống Afrin, nơi phần lớn dân số là người Kurd. Manjib là nới có nhiều nhóm tôn giáo khác nhau sẽ khiến Mỹ chịu nhiều áp lực hơn và có thể biến thành nơi cuối cùng đẩy Mỹ ra khỏi bàn cờ Trung Đông.