Nga “bịt mắt” kẻ địch cách nào?

Hệ thống tác chiến điện tử là bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong tổ chức quân đội của nhà nước và bộ phận không tách rời của tất cả các cuộc xung đột vũ trang trong những năm gần đây, ví dụ nó đã chứng tỏ được hiệu quả của mình trong chiến dịch của Không quân-vũ trụ Nga (VKS) ở Syria.
Hệ thống tác chiến điện tử Rychag-AV (KRET)
Hệ thống tác chiến điện tử Rychag-AV (KRET)
Ngày 15/4/2017, nước Nga kỷ niệm Ngày Chuyên gia tác chiến điện tử. Lịch sử tác chiến điện tử ở Nga bắt nguồn từ thời chiến tranh Nga-Nhật. Ngày 15/4/1904, trong khi biên đội tàu Nhật Bản pháo kích vùng nước bên trong của cảng Port Arthur, các đài vô tuyến điện của thiết giáp hạm Pobeda của Nga và trạm mặt đất “Zolotaya gora” (Núi vàng) đã gây nhiễu trên làn sóng của quân Nhật và gây khó khăn cho việc truyền các bức điện của các tàu hiệu chỉnh hỏa lực của địch.
Hiện nay, kỹ thuật đang phát triển nhanh chóng, các hệ thống tác chiến trên bộ, trên không và trên biển mới đang được chế tạo. Năm 2016, đã bắt đầu thử nghiệm các bộ phận cấu thành của một hệ thống tác chiến điện tử có khả năng bảo vệ quân đội và các mục tiêu dân sự chống tiến công đường không-vũ trụ.
Hệ thống tác chiến điện tử là bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong tổ chức quân đội của nhà nước và bộ phận không tách rời của tất cả các cuộc xung đột vũ trang trong những năm gần đây, ví dụ nó đã chứng tỏ được hiệu quả của mình trong chiến dịch của Không quân-vũ trụ Nga (VKS) ở Syria.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov khẳng định, tất cả các cuộc xung đột quân sự cho thấy rằng, các khí tài tác chiến điện tử là hiệu quả nhất và quân đội rất cần có chúng trên tất cả các hướng.
Ông Borisov nói: “Tất cả các sản phẩm mà các viện của tập đoàn KRET (Nga) phát triển đều được Bộ Quốc phòng Nga tin dùng và tiêu thụ tốt trên thị trường nước ngoài. Tôi biết rằng, khối lượng xuất khẩu sản phẩm của KRET tăng hàng năm”. 
Theo Tư lệnh Bộ đội Tác chiến điện tử quân đội Nga Thiếu tướng Yuri Lastochkin, khí tài tác chiến điện tử hiện đại của Nga vượt trội các loại tương tự của phương Tây về nhiều tính năng, trong đó có tầm hoạt động. Điều đó đạt được nhờ sử dụng các thiết bị phát mạnh hơn và các hệ thống anten hiệu quả hơn.
Tướng Lastochkin nói rằng: “Khí tài tác chiến điện tử Nga còn có các ưu thế cả về số lượng chủng loại các đối tượng mà chúng có thể tác động, khả năng sử dụng nó hiệu quả hơn trong tác chiến bằng cách áp dụng cơ cấu chỉ huy mềm dẻo cả các hệ thống tác chiến điện tử, lẫn các mẫu khí tài riêng lẻ hoạt động độc lập và trong thành phần các cặp liên hợp”.
Nga cũng chú trọng các vấn đề phát triển các khí tài đối phó với máy bay không người lái (UAV). Năm 2018, dự định xây dựng thao trường chuyên dụng cho bộ đội tác chiến điện tử.
Các hệ thống tác chiến điện tử hàng không
Cựu Cục trưởng Cục Tác chiến Điện tử Không quân Nga, hiện là cố vấn của Phó Tổng giám đốc tập đoàn KRET (thuộc Tổng công ty Rostec, Nga) Vladimir Mikheyev, khả năng sống còn của máy bay được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử tăng lên 20-25 lần.
Ông Mikheyev nói: “Nếu như trước đây trên các máy bay đã lắp các trạm gây nhiễu tích cực, thì ngày nay, tất cả các phương tiện bay đều được trang bị các hệ thống phòng vệ trên khoang. Khác biệt chủ yếu của chúng so với trạm gây nhiễu tích cực là ở chỗ hệ thống phòng vệ trên khoang được tích hợp hoàn toàn và liên kết với toàn bộ hệ thống avionics của máy bay, trực thăng hay UAV”.
Các hệ thống phòng vệ trên khoang trao đổi với các máy tính trên khoang tất cả những thông tin cần thiết:
• Về chuyến bay, các nhiệm vụ chiến đấu;
• Về các mục tiêu và các đường bay của phương tiện bay cần bảo vệ;
• Về khả năng của vũ khí của mình;
• Về tình hình tác chiến điện tử thực tế trên làn sóng;
• Về các mối đe dọa tiềm tàng.
Trong trường hợp xuất hiện mối nguy hiểm nào đó, có thể hiệu chỉnh đường bay sao cho phương tiện bay cần bảo vệ không đi vào vùng hỏa lực sát thương bằng cách bảo đảm tiêu diệt điện tử (chế áp) các phương tiện phòng không nguy hiểm nhất và máy bay địch, đồng thời nâng cao hiệu quả chiến đấu của các phương tiện sát thương của mình.

Vitebsk
Vitebsk là một trong những hệ thống phòng vệ trên khoang hiệu quả nhất. Nó dùng để bảo vệ máy bay và trực thăng chống lại các tên lửa phòng không lắp đầu tự dẫn radar và quang học (hồng ngoại). 
Vitebsk được lắp trên:
• Các cường kích hiện đại hóa Su-25SM;
• Các trực thăng tiến công Kа-52, Mi-28N;
• Các trực thăng vận tải-chiến đấu họ Mi-8;
• Các trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26 và Mi-26Т2;
• Các máy bay, trực thăng chuyên dụng và dân sự do Nga sản xuất.
Trong tương lai, Vitebsk sẽ được lắp cho các máy bay vận tải quân sự mới Il-76MD-90А.
“Vitebsk là một serie các hệ thống có thể thích ứng gần như với bất kỳ loại máy bay nào, trong đó có máy bay vận tải quân sự và máy bay dân dụng. Hệ thống như thế đã được chế tạo. Trong đó, tất cả các thử nghiệm cần thiết trên một số loại máy bay đã được tiến hành”, ông Yuri Mayevsky, Tổng giám đốc tập đoàn KRET cho biết.
Còn có biến thể xuất khẩu của hệ thống có tên Prezident-S vốn đang có nhu cầu cao trên thị trường nước ngoài và cung cấp cho nhiều nước sử dụng máy bay Nga.
Rychag-AV
Rychag-AV là trực thăng gây nhiễu chuyên dụng có nhiệm vụ chính là bảo đảm chế áp điện tử và tạo tình huống giả để che giấu, bảo vệ các máy bay và trực thăng của mình, cũng như bảo vệ các mục tiêu mặt đất quan trọng nhất.
Rychag-AV có khả năng “bịt mắt” hoàn toàn đối phương trong bán kính mấy trăm ki-lô-mét và có thể chế áp cùng lúc mấy mục tiêu. Trong điều kiện nhiễu từ trạm này, các hệ thống tên lửa phòng không, cũng như các hệ thống máy bay đánh chặn của đối phương bị mất đi khả năng phát hiện bất kỳ mục tiêu nào và dẫn các tên lửa có điều khiển không đối không, đất đối không, không đối đất đến các mục tiêu, đồng thời khả năng sống còn và hiệu quả chiến đấu của máy bay của mình tăng đáng kể.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga đang tiếp nhận các trực thăng chuyên dụng Mi-8MTPR-1 được trang bị Rychav. Họ đã đặt mua tổng cộng 18 trực thăng. Trong những năm tới, Nga có thể triển khai sản xuất loạt biến thể hiện đại hóa của hệ thống là Rychag-AVM. 
Khibiny
Năm 2013, quân đội Nga nhận vào trang bị hệ thống chế áp điện tử Khibiny dùng để bảo vệ máy bay chống lại các phương tiện phòng không.
So với các trạm chế áp thế hệ trước, hệ thống Khibiny có công suất cao hơn và trí năng. Nó có thể giúp điều khiển vũ khí của máy bay, tạo tình huống điện tử giả, cũng như bảo đảm cho máy bay đột phá phòng không nhiều thê đội của đối phương.
Điều đó đã xảy ra với tàu khu trục Mỹ Donald Cook vào năm 2014 khi một máy bay Su-24 đã bịn các phương tiện phòng không trên tàu bám theo.
Lúc đó, trên các radar của tàu xuất hiện thông tin đặt thủy thủ đoàn vào tình trạng bế tắc. Máy bay lúc thì biến mất khỏi các màn hình, lúc thì bất ngờ thay đổi vị trí và tốc độ, lúc thì tạo ra thêm các mục tiêu điện tử giả. Đồng thời, các hệ thống thông tin và điều khiển vũ khí của tàu khu trục gần như bị tê liệt. Trong bối cảnh, tàu chiến này đang ở Biển Đen cách xa nước Mỹ 12.000 km thì không khó để tưởng tượng cảm xúc mà các thủy thủ trên tàu này đã trải qua. Hiện nay, Nga đang phát triển hệ thống mới Khibiny-U dành cho máy bay chiến thuật, cụ thể là Su-30SM.
Himalaya
Hệ thống này là sự phát triển tiếp theo của Khibiny, được thiết kế riêng cho tiêm kích thế hệ 5 PAK FA Т-50.
Khác biệt chính của nó so với Khibiny ở chỗ Khibiny là một dạng contenơ treo dưới cánh, chiếm chỗ một điểm treo nhất định, còn Himalaya được tích hợp hoàn toàn vào máy bay và được chế tạo dưới dạng các bộ phận riêng lẻ của vỏ máy bay. 
Các hệ thống anten của Himalaya được chế tạo theo nguyên tắc “vỏ thông minh” và cho phép thực hiện cùng lúc mấy chức năng: trinh sát, tác chiến điện tử, định vị... Hệ thống có thể gây nhiễu tích cực và tiêu cực đối với các đầu tìm hồng ngoại của các loại tên lửa hiện đại, cũng như các trạm radar hiện đại và tương lai.
Tính năng của hệ thống này hiện được bảo mật, Т-50 là tiêm kích tối tân nhất thế giới, hiện chưa được VKS nhận vào trang bị.
(Còn tiếp)
Theo VND