Cuộc tập trận lớn chưa từng có của Hạm đội Biển Bắc
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đặt Hạm đội Biển Bắc của Hải quân Nga vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất trong các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực Bắc Cực của Nga. Đây rõ ràng là một cuộc phô trương sức mạnh quân sự nhằm “nhấn chìm” cuộc tập trận đang diễn ra ở nước láng giềng Na-uy – một thành viên của liên minh quân sự NATO.
"Những thách thức mới và những mối đe dọa mới đối với an ninh quân sự đòi hỏi lực lượng vũ trang phải tăng cường hơn nữa năng lực quân sự của mình. Chúng ta cần phải chú ý đặc biệt đến những đội quân chiến lược mới được thành lập ở phía bắc”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói như vậy.
Theo lời ông Shoigu, Tổng thống Putin đã trực tiếp ra lệnh đưa Hạm đội Phía Bắc vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Ông Putin đã cam kết sẽ dành 21 nghìn tỉ rúp (tương đương với 340 tỉ USD) vào cuối thập kỷ này để hiện đại hóa lực lượng chiến đấu của Nga.
Loạt cuộc tập trận rầm rộ được khởi động ngày hôm qua (16/3) của Nga thu hút gần 40.000 binh lính, 3.300 phương tiện chiến đấu, 41 tàu chiến, 15 tàu ngầm và 110 máy bay. Tổng thống Putin với tư cách là Tư lệnh tối cao của quân đội đã bất ngờ ra lệnh phát động cuộc tập trận lúc 8h sáng ngày hôm qua theo giờ Moscow (tức 12h trưa theo giờ Hà Nội). Cuộc tập trận này là nhằm thử thách khả năng sẵn sàng đối phó với thách thức của quân đội Nga ở khu vực phía bắc và đặc biệt là Bắc Cực.
Một tháng trước đây, Bộ trưởng Shoigu từng cảnh báo rằng, Nga có thể cân nhắc bảo vệ các lợi ích quốc gia ở Bắc Cực bằng phương tiện quân sự nếu thấy cần thiết.
“Sự hiện diện quân sự liên tục ở Bắc Cực và khả năng bảo vệ lợi ích của quốc gia bằng phương tiện quân sự được xem là một phần không thể thiếu trong chính sách chung của chúng tôi nhằm bảo đảm an ninh quốc gia”, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu tuyên bố.
Trong các cuộc tập trận lần này ở Bắc Cực, Hải quân Nga sẽ diễn tập bài tập đánh chìm những tàu chiến giả định của kẻ thù. Đây cũng là lần đầu tiên Sư đoàn Súng trường Cơ giới Bắc Cực đóng tại vùng Murmansk được đưa vào tham gia tập trận. Cuộc tập trận quy mô lớn này sẽ kéo dài cho đến ngày 21/3.
Các cuộc tập trận khác
Cùng với cuộc tập trận lớn chưa từng có của Hạm đội Biển Bắc, một loạt cuộc tập trận với độ phức tạp khác nhau cũng đã được khai hỏa trên khắp cả nước Nga.
Trong số những cuộc tập trận được khai màn ngày hôm qua có cuộc tập trận của 5.000 binh lính ở Quân khu phía Đông của Nga. Một cuộc tập trận khác có sự tham dự của 500 binh lính đến từ khu vực Chechnya thuộc vùng Bắc Caucasus bất ổn của Nga. Đây là nơi diễn ra hai cuộc chiến tranh ly khai.
Những cuộc tập trận trên tập trung vào mục tiêu chống lực lượng chiến binh Hồi giáo.
Trong khi đó ở Kyrgyzstan – nơi Nga đang có căn cứ không quân Kant, những chiếc máy bay ném bom Su-25SM và trực thăng Mi-8MTV của Nga đang tiến hành tập trận ở các khu vực có địa hình hiểm trở để huấn luyện kỹ năng tìm kiếm và tiêu diệt kẻ thù trong môi trường miền núi khó khăn.
Việc Nga bất ngờ phô trương sức mạnh quân sự lớn chưa từng có diễn ra trong bối cảnh NATO đang tăng cường tập trận và hiện diện quân sự ngày càng sát biên giới của Nga. Thực tế này khiến giới chức Nga không thể không cảm thấy bất an.
Ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” trước những cuộc tập trận của NATO đang diễn ra ở khu vực đông bắc Châu Âu, giáp Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksey Meshkov từng cảnh báo, “những hành động như thế xuất phát từ liên minh quân sự NATO chỉ có thể dẫn đến tình trạng bất ổn trong khu vực và làm leo thang căng thẳng.
Na-uy đang tiến hành một cuộc tập trận mang tên "Joint Viking" với sự tham gia của 5.000 binh lính ở quân Finnmark, giáp biên giới với Nga ở vành đai Bắc Cực. Đây là nơi mà cả Nga và Na-uy đều đang tranh giành ảnh hưởng.
Cách đây một tuần, hơn 120 phương tiện bọc thép, trong đó có xe tăng của Mỹ đã được triển khai đến Latvia.
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
Những động thái trên của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Ngoài ra, việc Moscow tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu được cho là một hành động đáp trả.
Theo: VnMedia