Tập Cận Bình sẽ cương quyết bảo vệ yêu sách lãnh thổ (phi pháp) của Trung Quốc để khuấy động tình cảm dân tộc chủ nghĩa (cực đoan), tăng thêm uy tín trong Quân đội Trung Quốc.
Như báo cáo trước VietTimes đã đề cập, nếu PCA đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines trong các vấn đề quan trọng, sẽ buộc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rơi vào “thế thủ” – hoặc đẩy ông ta “vào góc tường”.
Tiếp tục bàn về vụ kiện sắp được tòa án quốc tế đưa ra kết quả, quan chức Philippines đề nghị PCA phán quyết Trung Quốc vi phạm UNCLOS, bởi vì Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đe dọa tàu thuyền và môi trường biển.
Yêu cầu có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất do Philippines đưa ra là để PCA phản bác yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển trong "đường chín đoạn". Yêu sách này hầu như bao trùm toàn bộ Biển Đông.
Thông qua dẫn ra cái gọi là “chứng cứ lịch sử”, Trung Quốc cố gắng hợp lý hóa sự tồn tại của "đường chín đoạn". Những chứng cứ này bao gồm bản đồ do họ công bố vào thập niên 40, 50 thế kỷ trước.
Nhưng, trước đây Trung Quốc chưa từng vạch ra một đường liên tục để làm rõ phạm vi họ tuyên bố chủ quyền, cũng chưa cho biết họ chủ trương những quyền lợi gì ở vùng biển này.
Các chuyên gia phê phán cho rằng khi ký kết UNCLOS vào năm 1996, Chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ bất cứ "chủ trương và quyền đặc biệt nào đối với vùng biển này". Khi đó, Trung Quốc cố gắng để nhận được thanh danh tốt trên vũ đài quốc tế.
Hiện nay, Bắc Kinh có thể cho rằng họ có đủ vai trò ảnh hưởng lớn, có thể coi thường UNCLOS. Họ cho rằng PCA là "cơ quan lạm dụng luật pháp", cho rằng thủ tục trọng tài của PCA là một "trò hề". Quan chức ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Chính phủ Trung Quốc thậm chí có khả năng rút khỏi UNCLOS.
Khi đề cập đến phán quyết mà PCA sắp công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: "Chúng tôi (Trung Quốc) căn bản không thừa nhận, không tham gia, chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận".
Lập trường này làm cho một số người Trung Quốc bất an, trong đó có chuyên gia chính sách ngoại giao ngầm phê phán lập trường của chính phủ. Họ cho rằng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc đã từ bỏ ưu thế về đạo lý.
Mỹ đã ký kết UNCLOS, nhưng chưa từng phê chuẩn nó. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã cố gắng ngăn cản Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và tiền tiêu quân sự ở Biển Đông, phương thức là tăng cường tuần tra trên biển và liên minh ở khu vực này, nhưng hiệu quả còn thấp.
Tuy nhiên, năm 2015, Mỹ quyết định, vụ kiện Biển Đông của Philippines đã cung cấp cơ hội để sử dụng các phương thức khác nhau ép Trung Quốc rút lui.
Tháng 10/2015, khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thăm Washington, Tổng thống Obama cho biết ông trông đợi Seoul có thể mạnh mẽ tuyên bố yêu cầu Trung Quốc cần "tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế".
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel được phái đến Đức. Trong một Học viện chính sách công nổi tiếng ở Berlin, ông Russel đã đưa ra lý do của Mỹ.
Ông Russel nói với các thính giả rằng "Trung Quốc thích nói Thái Bình Dương đủ lớn, có thể chứa được hai nước chúng tôi... Điều này hoàn toàn không có nghĩa là, họ có thể vạch ra một ranh giới ở giữa Thái Bình Dương, sau đó nói 'anh cần ở phía đông, còn chúng tôi sẽ kiểm soát tất cả các khu vực ở phía tây đường chín đoạn'. Đây là điều không thể chấp nhận".
Chính quyền Obama còn thuyết phục nhóm G7 đưa ra hai tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, khiến cho Bắc Kinh giận dữ và kêu gọi G7 chỉ nên quan tâm đến chính sách kinh tế.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ là Robert Harris thậm chí đến Lào, một nước không có biển, để giải thích về vụ kiện của Philippines.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cố ý đánh lừa dư luận cho biết "có vài chục nước bày tỏ ủng hộ đối với lập trường của họ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng hầu như hàng ngày đều xuất hiện các bài báo về quan chức chính giới các nước phê phán PCA".
Tuy nhiên, đối với việc tranh thủ được một nước rốt cuộc có nghĩa gì, Trung Quốc đã áp dụng cách giải thích hơi rộng. Chẳng hạn, Nga đồng ý không nên để tòa trọng tài giải quyết tranh chấp, nhưng họ luôn giữ im lặng đối với việc Trung Quốc xây dựng sức mạnh ở Biển Đông, một phần nguyên nhân ở chỗ Nga và Việt Nam có quan hệ chặt chẽ.
Trong khi đó, Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền và quyền lợi biển ở Biển Đông (theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS).
Trong một hội nghị đầy tranh cãi với ASEAN do Trung Quốc tổ chức vào tháng 6/2016, ASEAN không được ra Tuyên bố chung về vấn đề này. Cuối cùng, Malaysia đã dứt khoát tiết lộ bản thảo của tuyên bố.
So với người tiền nhiệm, Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có khuynh hướng xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Vào thứ Ba ông cho biết sẵn sàng triển khai đối thoại về hợp tác hàng hải.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình có lẽ rất khó nhượng bộ. Ông ta bảo vệ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc để khuấy động tình cảm dân tộc chủ nghĩa (cực đoan), tăng thêm uy tín trong Quân đội Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng khi ông Tập Cận Bình bị dồn “vào góc tường”, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ đưa ra phản ứng về phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, triển khai hành động hung hăng hơn ở Biển Đông, tìm cách biến bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo.
Như vậy, Bắc Kinh có thể sở hữu tiền tiêu đầu tiên ở phía đông Biển Đông, ở đó cách đảo Hải Nam (cực nam Trung Quốc) trên 400 hải lý, cách bờ biển Philippines chỉ có 120 hải lý.
Paul S. Reichler, luật sư Mỹ (Washington), người được Philippines giữ lại làm cố vấn hàng đầu trong vụ kiện lần này, cho biết nếu Trung Quốc từ chối chấp nhận phán quyết của PCA, các nước khác sẽ lần lượt bày tỏ phản đối.
"Sự lựa chọn của Trung Quốc hoặc là đạt được hòa giải, hoặc là làm xấu đi quan hệ với các nước láng giềng, chịu đựng sự bất ổn lâu dài ở khu vực này" - Luật sư Paul S. Reichler khẳng định.