Nếu có “chính nghĩa” việc gì phải rối lên?!

VietTimes -- Càng gần tới ngày PCA ra phán quyết vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về biển Đông thì chiến dịch “phản kích để tự vệ” của “bên bị” càng gia tăng cường độ và quy mô. Trong những làn phản pháo cấp tập ấy, nổi lên những tuyên bố liên tiếp của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tàu vỏ sắt to lớn của Trung Quốc (phải) hung hăng tấn công tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam (trái) tại Hoàng Sa
Tàu vỏ sắt to lớn của Trung Quốc (phải) hung hăng tấn công tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam (trái) tại Hoàng Sa

Nói có sách, mách có chứng, xin đơn cử đoạn đầu trong tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tại cuộc họp báo ngày 1/7/2016: “Có chính nghĩa thì tất có bạn bè. Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề “Nam Hải” (tức biển Đông) ngày càng được nhiều quốc gia ủng hộ đã chứng minh cho việc Trung Quốc hành xử theo pháp luật. Trung Quốc đang kiên định giữ gìn luật pháp quốc tế, giữ gìn Công ước Liên Hợp Quốc Luật biển (UNCLOS), giữ gìn quyền lợi của nước có chủ quyền được tự chủ lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đồng thời Trung Quốc cũng đang tuân thủ cam kết mà đã đưa ra cùng ASEAN thực hiện hết trách nhiệm của một nước lớn có trách nhiệm…”

Ông Hồng Lỗi nói quá đúng khi khẳng định rằng “Có chính nghĩa tất có bạn bè”. Vấn đề chỉ là: Có thật có chính nghĩa không? Nếu có chính nghĩa rồi thì há gì phải rối lên như vậy?

Khổng Tử có câu: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận; ngôn bất thuận tắc sự bất thành; …Quân tử vu kỳ ngôn, vô sở cấu nhĩ dĩ hỷ” (tạm dịch là: Nếu danh không chính thì lời không thuận; lời không thuận thì việc không thành…Với lời nói thì người quân tử không thể cẩu thả”. Tiếc rằng ông Hồng Lỗi phát ngôn cẩu thả quá.

Làm sao nói là chính nghĩa được khi đưa quân chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào năm 1974, tiếp đó trong những năm 1988,1989 lại chiếm thêm một số bãi trên quần đảo Trường Sa mà nay chúng đang được ra sức tôn tạo, bồi lấp, xây đảo nhân tạo phi pháp? Làm sao dám xưng chính nghĩa được khi tự ý vẽ ra cái “lưỡi bò” choán hầu hết biển Đông, liếm tới vùng biển xa tít mù tắp, mãi tận quần đảo Natuna của Indonesia?

Với những hành vi ấy làm sao có thể nói là “hành xử theo pháp luật…kiên định giữ gìn luật pháp quốc tế…giữ gìn Công ước LHQ về Luật biển…”? Rồi nữa, nếu khẳng định là “hành xử theo pháp luật” thì việc gì phải lo lắng về Tòa án trọng tài hoạt động đúng theo Công ước Luật biển của LHQ mà Trung Quốc đã ký và là một trong 5 thành viên Hội đồng Bảo an – một cơ quan có trách nhiệm bảo đảm sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế đến thế? Lẽ nào “có tật giật mình”?

Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Như để minh chứng cho những phát ngôn của mình không "bất thuận", ông Hồng Lỗi khẳng định “lập trường của Trung Quốc ngày càng được nhiều quốc gia ủng hộ”. Cái cách “đánh lận con đen” như vậy đã được nhiều người vạch ra, xin không bình luận thêm. Thủ thuật ấy thực ra “lợi bất cập hại” vì nó sẽ làm cho nhiều nước bị liệt kê vào danh sách khó xử và sẽ phải rất thận trọng trong giao tiếp với những người thích sử dụng phương cách “unfair” (không sòng phẳng).

Thật đáng mừng khi ông Hồng Lỗi khẳng định: “Trung Quốc cũng đang tuân thủ cam kết đã đưa ra cùng với ASEAN thực hiện hết trách nhiệm của một nước lớn có trách nhiệm”. Chỉ có điều dường như thực tế không hẳn như vậy. Điểm ba trong Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông được Trung Quốc thỏa thuận với ASEAN (gọi tắt là DOC) có nói: “Các bên cam kết kiềm chế có những hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc làm gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định khu vực…”. Lẽ nào việc ồ ạt, tôn tạo, bồi đắp các bãi chiếm đóng được trong những năm 1980 thế kỷ trước trên quần đảo Trường Sa là “tuân thủ cam kết đã đưa ra cùng ASEAN”? Lẽ nào điều đó chứng minh cam kết “thực hiện hết trách nhiệm của một nước lớn có trách nhiệm”?

Ở cả phương Đông lẫn phương Tây đều có câu: “Không chỉ nghe lời người ta nói, hãy xem những gì người ta làm”. Hy vọng rằng, sự hành xử của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ thể hiện đúng cam kết “thực hiện hết trách nhiệm của một nước lớn có trách nhiệm”. Nếu muốn được các nước trên thế giới và ở khu vực tin cậy; nếu muốn thể hiện trên thực tế là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì nên “danh chính thì ngôn mới thuận và việc mới thành”.