Nền kinh tế từng hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch COVID-19 giờ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sự suy giảm nhanh chóng của Ireland là tin xấu đối với khu vực đồng euro, vốn từ lâu đã được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong đại dịch.

im-884660.jfif
Không quốc gia nào tăng trưởng nhanh như Ireland trong trong giai đoạn 2020-2022, ngoài Guyana, quốc gia chứng kiến ​​đợt bùng nổ dầu mỏ (Ảnh: Getty)

Ireland là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới nhận được sự thúc đẩy từ đại dịch COVID-19. Nhưng lợi ích bất thường đó giờ đang phai nhạt dần, giáng một đòn mới vào triển vọng tăng trưởng vốn đã suy yếu của châu Âu.

Là quê hương của các công ty công nghệ, dược phẩm lớn của Mỹ và từng chứng kiến ​​doanh số bán hàng bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, quốc gia Ireland nhỏ bé đã ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hàng năm 10,5% trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, trong khi nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đang trải qua suy thoái do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa.

Không có quốc gia nào trên thế giới đạt mức tăng trưởng nhanh như vậy trong giai đoạn đó, chỉ ngoại trừ Guyana, hiện đang hưởng lợi từ một đợt bùng nổ dầu mỏ. Đối với Ireland, sự bứt phá nhờ COVID-19 đã giúp mở rộng quy mô của nền kinh tế lên gấp đôi trong thập kỷ qua, trong khi phần còn lại của khu vực eurozone chỉ tăng trưởng 13%.

Hiện tại, đợt bùng nổ đó dường như đã chấm dứt. Đến cuối quý 3 năm nay, nền kinh tế Ireland đã thu hẹp 4,7% so với trước đó 1 năm, đây là mức giảm lớn nhất từng được ghi nhận ở một quốc gia châu Âu trong giai đoạn này. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, cơ quan phân tích hàng đầu của Ireland, nền kinh tế đang hướng tới đợt suy giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2009.

Từng là nền kinh tế hỗ trợ cho đà tăng trưởng của toàn châu Âu trong thập kỷ qua, giờ Ireland lại đang góp phần kéo tụt nền kinh tế của khu vực. Thống kê của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy nền kinh tế của eurozone đã thu hẹp 0,4% trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9. Nếu không tính Ireland, GDP của khu vực này sẽ đi ngang.

Hiện vẫn chưa rõ liệu mức suy giảm này có đánh đấu sự chấm dứt của thập kỷ tăng trưởng của Ireland hay không. Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy giai đoạn toàn cầu hóa nhanh chóng – mở ra con đường thịnh vượng của Ireland – đã kết thúc và nền kinh tế thế giới đang ngày càng trở nên phân mảnh hơn.

“Sự phân mảnh về địa kinh tế ngày càng sâu rộng có thể gây ra mối đe dọa đối với mô hình kinh tế hiện tại của Ireland và gây gián đoạn trong ngắn hạn”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sau khi công bố đánh giá thường niên về nền kinh tế nước này.

Quá trình sắp xếp lại các chuỗi cung ứng bắt đầu từ thập kỷ 90 đã giúp tạo dựng mối quan hệ gần gũi hơn giữa các nền kinh tế tách rời, như Ireland và Trung Quốc.

Ban đầu, những mối quan hệ này đã giúp Ireland tiếp xúc trực tiếp với đà tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc. Nhưng giờ chúng lại trở thành nguồn cơn gây bất ổn. Ví dụ, nhà máy sản xuất sữa công thức cho trẻ em của Wyeth Nutrition ở Askeaton, miền Tây Ireland, trong tháng trước tuyên bố về nguy cơ đóng cửa vào đầu năm 2026. Nhà máy này, thuộc sở hữu của tập đoàn thực phẩm Nestlé của Thụy Sĩ, chuyên cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ở thị trường này ngày càng tăng do Trung Quốc muốn tăng cường hỗ trợ các nhà cung ứng trong nước, trong khi số lượng trẻ em sơ sinh giảm mạnh.

Neil McGowan, quan chức thuộc công đoàn đại diện cho công nhân nhà máy ở Askeaton, nói rằng Nestlé “đã đặt hết trứng trong cùng một giỏ ở Trung Quốc…Khi mọi chuyện tốt đẹp thì không sao. Nhưng khi có vấn đề xảy ra, họ bị ảnh hưởng”.

Các nhà kinh tế học Ireland từng dự báo rằng xuất khẩu của nước này sẽ giảm nhiệt trong năm nay, sau khi chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi đại dịch diễn ra. Đặc biệt, họ dự báo rằng nhu cầu đối với các sản phẩm của các hãng dược phẩm sẽ sụt giảm khi nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại, và lúc đó nhu cầu dược phẩm cần thiết để chống lại đại dịch không còn nữa.

Tất cả dự báo đó đều trở thành hiện thực, bên cạnh đó còn có sự suy giảm doanh số bán chất bán dẫn, điều mà các nhà kinh tế học cho là có liên hệ tới lệnh cấm của Mỹ đối với Trung Quốc.

“Tăng trưởng GDP âm trong năm nay thực sự có liên quan tới những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp”, Conor O’Toole, nhà kinh tế học đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, cho hay.

im-884664.jfif
Từng giúp các số liệu tăng trưởng của châu Âu trông đẹp hơn trong thập kỷ qua, Ireland hiện đang kéo chúng xuống (Ảnh: Getty)

Một số doanh nghiệp Mỹ đã ghi nhận lợi nhuận ở Ireland nhưng lại không sản xuất hoặc bán hàng ở đó. Nhiều công ty trong lĩnh vực thiết bị dược phẩm và y tế đã ủy quyền việc sản xuất tại Trung Quốc và các địa điểm khác để chế tạo sản phẩm chủ yếu bán tại Mỹ và các thị trường khác. Trong khi đó, lợi nhuận lại được ghi nhận và đánh thuế ở mức tương đối thấp ở Ireland, nơi mà các công ty này đăng ký sở hữu bằng sáng chế của họ.

Giá trị của các mặt hàng xuất khẩu như vậy đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Ireland trong giai đoạn đại dịch, từ 16,8 tỉ euro (18,2 tỉ USD) trong 3 tháng đầu năm 2020, lên 46,1 tỉ euro trong quý thứ 4 của năm ngoái, trước khi bắt đầu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.

Tình trạng này rất có khả năng là do nhu cầu suy giảm sau giai đoạn dịch. Ngân hàng Trung ương Ireland cũng lo ngại về việc Mỹ áp dụng các biện pháp bảo hộ nhằm đối phó với Trung Quốc.

“Với sự tập trung mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc… có thể quan sát thấy sự suy yếu trong hoạt động xuất khẩu trong tương lai qua dữ liệu của phần còn lại của năm 2023 và năm 2024”, Ngân hàng Trung ương Ireland viết trong báo cáo mới đây.

Hiện tại, những khó khăn mà các doanh nghiệp công nghệ và dược phẩm Mỹ tại Ireland phải đối mặt chỉ gây tác động hạn chế đến phần còn lại của nền kinh tế đất nước. Thị trường việc làm đang bắt đầu suy yếu, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,8% trong tháng 10 từ mức thấp kỷ lục 4,1% trong tháng 5.

Tuy nhiên, IMF cho rằng Ireland có khả năng thích ứng tốt với những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu nhờ “nền tảng mạnh mẽ và chính sách đúng đắn”.

“Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế của Ireland, mặc dù quốc gia này đang bị phủ bóng mờ bởi những rủi ro từ bên ngoài”, IMF cho hay./.

Theo Wall Street Journal