Tại sao kinh tế châu Âu tiếp tục tụt hậu so với Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà kinh tế học dự đoán rằng khoảng cách giữa nền kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

1.png
Khoảng cách giữa nền kinh tế Mỹ và châu Âu dự kiến ​​sẽ còn kéo dài (Ảnh: FT)

Nền kinh tế Mỹ dẫn đầu so với châu Âu, một xu hướng lần đầu xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và được củng cố trong suốt giai đoạn COVID-19, dự kiến ​​sẽ kéo dài đến năm 2024 và xa hơn nữa.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước đã tuyên bố rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục có bước tiến mạnh mẽ, dự báo mức tăng trưởng 1,5% trong năm tới. Trong khi đó, dự báo mà IMF đưa ra đối với khu vực đồng tiền chung euro chỉ là 1,2% và 0,6% đối với Anh.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới sự khác biệt giữa hai khu vực giàu có nhất thế giới, khi mà Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ gần gấp đôi khu vực đồng euro và Anh trong suốt 2 thập kỷ qua?

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, từ những yếu tố mang tính chu kỳ cho đến cấu trúc. Các yếu tố tương đối ngắn hạn như chính sách kích thích sau đại dịch và chiến sự ở Ukraine đã tạo nên sự khác biệt, nhưng cũng có những khác biệt cơ bản như khả năng tiếp cận tín dụng và xu hướng đầu tư, cùng với cơ cấu ngành công nghiệp và nhân khẩu học.

Gói kích thích giai đoạn COVID-19 thúc đẩy chi tiêu

Trong giai đoạn đại dịch, các quan chức ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã sử dụng các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế chuyển thành khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, Mỹ đã tung ra gói kích thích với quy mô lớn hơn so với châu Âu. Sau khi ghi nhận mức thâm hụt hai con số vào năm 2020, thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2021 vẫn ở mức khổng lồ, 9,4% GDP, cao hơn gấp đôi so với khu vực đồng euro và gần gấp đôi so với Anh.

“Mỹ đã chứng kiến một phản ứng tài chính đặc biệt mạnh mẽ của chính phủ sau đại dịch, điều này đã hỗ trợ cho nền kinh tế”, Jennifer McKeown, Kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, cho biết.

Sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ đã giúp thúc đẩy sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, một trong những lý do chính khiến tốc độ tăng trưởng ở nước này trở nên mạnh mẽ.

2.png
GDP của Mỹ tăng trưởng nhanh hơn so với các nền kinh tế của châu Âu (Ảnh: FT)

Những cú sốc đến từ cuộc chiến ở Ukraine

Pierre-Olivier Gourinchas, Kinh tế trưởng của IMF, cho biết các hộ gia đình châu Âu có thể “thận trọng” hơn so với các hộ gia đình Mỹ vì những lý do khác, bao gồm cả việc họ ở rất gần với cuộc chiến ở Ukraine.

Gourinchas lập luận rằng cú sốc giá năng lượng "tàn bạo" ở châu Âu - một hậu quả khác của cuộc chiến ở Ukraine - là động lực "quan trọng nhất" dẫn đến sự khác biệt kinh tế gần đây giữa hai khu vực.

Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục, cao hơn nhiều so với mức giá tại Mỹ, sau khi chiến sự Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Điều này đã đẩy tỷ lệ lạm phát tiêu dùng đối với năng lượng lên tới 59% ở Anh và 44% ở khu vực đồng euro.

3.png
Giá khí đốt châu Âu cao hơn Mỹ, tính theo USD/BTU (Ảnh: FT)

“Khu vực này gặp khó khăn khi giá năng lượng tăng cao”, Gourinchas nói về châu Âu trong cuộc họp thường niên của quỹ ở Marrakech, Maroc.

Tomasz Wieladek, Kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại công ty đầu tư T Rowe Price, cũng đồng tình. Ông nói: “Nguồn năng lượng chính của châu Âu đã trở nên không đáng tin cậy”.

Lĩnh vực công nghệ Mỹ phát triển bùng nổ

Yếu tố cấu trúc quan trọng đằng sau sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu là sự khác biệt về cơ cấu ngành công nghiệp của hai nền kinh tế.

Mỹ sở hữu lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ, với các công ty thành công và đổi mới như Amazon, Alphabet và Microsoft trong khi châu Âu không có công ty nào như vậy. Các nhà kinh tế cảnh báo, với việc Mỹ thống trị trí tuệ nhân tạo (AI), khoảng cách đó có thể sẽ tiếp tục mở rộng.

Ngược lại, châu Âu chuyên về các ngành đang ngày càng phải đối mặt với sức cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc, chẳng hạn như xe điện (EV).

Châu Âu và đặc biệt là Đức, từng là “bên thắng lớn từ quá trình toàn cầu hóa cho đến năm 2018, nhưng kiểu toàn cầu hóa đó giờ đây dường như đã kết thúc”, Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư Barclays, cho biết.

4.png
Chỉ số phần mềm luồng dữ liệu và dịch vụ máy tính ở Mỹ cao hơn châu Âu, tính theo đơn vị nghìn tỉ USD (Ảnh: FT)

Mỹ cũng đang tỏ ra linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang công nghệ xanh.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá 369 tỉ USD của Mỹ đã khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh, với hàng trăm tỉ USD tiền trợ cấp và ưu đãi thuế. Theo nhiều nhà kinh tế, phản ứng của EU chậm hơn và phức tạp hơn trong việc thực hiện.

Bị thu hút bởi IRA, một số công ty châu Âu đã chuyển đầu tư sang Mỹ, bao gồm Total Energies, BMW và Northvolt.

“Làn sóng hồi phục đầu tư ở Mỹ chắc chắn đang diễn ra”, Paul Gruenwald, Kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings, nhận định.

Môi trường đầu tư thuận lợi ở Mỹ

Việc tiếp cận tài chính dễ dàng hơn từ lâu đã giúp nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ, bùng nổ.

Nhiều vốn đầu tư mạo hiểm hơn, thị trường nợ và vốn cổ phần phát triển tốt hơn đã giúp các công ty Mỹ dễ dàng huy động được nguồn vốn cho việc mở rộng hoạt động hơn so với các đối tác châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào các ngân hàng. Châu Âu cũng phải gánh chịu cuộc khủng hoảng nợ công và chính sách 'thắt lưng buộc bụng' tài chính - cả hai đều ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.

Chỉ riêng trong lĩnh vực AI, đầu tư vốn mạo hiểm trong thập kỷ qua đã lên tới 450 tỉ USD ở Mỹ, gấp gần 10 lần so với khu vực đồng euro hoặc Anh, theo dữ liệu từ OECD.

“Khả năng huy động số tiền lớn để rót cho các khoản đầu tư khá rủi ro không có ở châu Âu”, ông Keller cho biết. “Mô hình tài chính ngân hàng châu Âu không cho phép điều đó”.

Nathan Sheets, Kinh tế trưởng tại ngân hàng Citi của Mỹ, nhấn mạnh rằng vốn đầu tư mạo hiểm đã cung cấp “cơ chế tài chính linh hoạt” cho công nghệ. “Tôi chắc chắn rằng việc đưa ra các ý tưởng công nghệ cho một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon sẽ dễ dàng hơn so với việc đưa ra ý tưởng đó cho một ngân hàng lớn ở châu Âu”, ông nói.

Các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô nhanh hơn ở Mỹ vì quốc gia này cung cấp một thị trường rộng lớn với ngôn ngữ nhất quán và hệ thống quản lý, hỗ trợ đổi mới. Mặc dù là thị trường duy nhất nhưng châu Âu vẫn bị phân mảnh về nhiều mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Sự đổi mới từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ, chẳng hạn như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở bờ biển phía Đông và Stanford ở phía Tây, cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể.

5.png
Tổng vốn cố định hình thành của Mỹ cao hơn Anh và eurozone (Ảnh: FT)

“Một khi bạn có được sự hội tụ chuyên môn đó, nó sẽ có xu hướng phát triển nhanh chóng”, Sheets cho biết.

Những yếu tố đó đã giúp thúc đẩy đầu tư và năng lực sản xuất của Mỹ, một yếu tố quyết định quan trọng đến mức sống của người dân, cao hơn nhiều so với ở châu Âu.

Xã hội già hoá, thị trường lao động suy yếu

Dân số già hóa nhanh chóng của châu Âu và tốc độ tăng trưởng dân số yếu hơn đang đè nặng lên nền tài chính công của lục địa này. Nó cũng có tác động đến khoảng cách kinh tế với Mỹ: khác với châu Âu, Mỹ đã chứng kiến ​​dân số trong độ tuổi lao động tăng kể từ năm 2010, mặc dù với tốc độ ngày càng chậm.

“Châu Âu đã phải 'vật lộn' với tình trạng tăng trưởng năng suất thấp trong một thời gian và già hóa dân số cũng như hạn chế về nguồn cung lao động đang bắt đầu gây ra tác động xấu”, Alfred Kammer, Giám đốc IMF khu vực châu Âu, cho biết hồi đầu tháng này.

Nếu không có yếu tố nhân khẩu học, khoảng cách tăng trưởng giữa Mỹ và châu Âu sẽ giảm đi rõ rệt.

Tuy nhiên, xu hướng nhân khẩu học trong những thập kỷ tới cũng sẽ có lợi cho Mỹ.

6.png
Sự thay đổi về tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-64 trong vòng 10 năm ở Mỹ và châu Âu (Ảnh: FT)

Ông Wieladek cũng lưu ý rằng đà tăng trưởng của châu Âu đã được thúc đẩy bởi những xu hướng thuận lợi trên thị trường lao động trong những thập kỷ gần đây, chẳng hạn như ngày càng có nhiều phụ nữ và người lớn tuổi đi làm.

“Tiền lương của công nhân lành nghề Đông Âu đang tăng lên nhanh chóng”, ông nói. “Cải cách xã hội ở Tây Âu - góp phần tăng tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động - có thể đã đạt đến giới hạn”.

Khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu ngày càng lớn?

Với sự đầu tư mạnh mẽ hơn và nhân khẩu học tốt hơn, khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu có thể sẽ ngày càng mở rộng trong những năm tới.

“Mỹ có thể tăng mức tăng trưởng tiềm năng trong khi châu Âu đang cố gắng duy trì mức tăng trưởng thấp hơn”, ông Keller cho biết.

Samy Chaar, Kinh tế trưởng tại ngân hàng Lombard Odier, cho biết việc châu Âu bắt kịp Mỹ “có vẻ khó xảy ra”.

Sven Jari Stehn, nhà kinh tế đến từ ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cũng cho rằng Mỹ sẽ “tiếp tục phát triển nhanh hơn khu vực đồng euro trong những năm tới”, ngay cả khi các yếu tố tạm thời giai đoạn hậu đại dịch mờ nhạt dần.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách cao của Mỹ - dự kiến ​​sẽ đẩy nợ công từ mức 97% GDP hiện tại lên 119% vào năm 2033, mức cao kỷ lục – có thể đe doạ tới đà tăng trưởng của nước này.

“Mỹ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về mặt tài khóa”, Keller cho biết./.

Theo Financial Times