Nạp lại kho dầu chiến lược: Phép thử lớn của chính quyền Tổng thống Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau đợt xả kho dầu lớn nhất lịch sử nhằm bình ổn giá dầu vào năm ngoái, Washington đang chờ đợi giá thầu hạ để bổ sung đợt dự trữ dầu thô với đề xuất giá sửa đổi.

Giao dịch dầu trị giá hàng tỉ USD của Tổng thống Biden đối mặt với thử thách lớn
Giao dịch dầu trị giá hàng tỉ USD của Tổng thống Biden đối mặt với thử thách lớn

Theo Wall Street Journal, chính phủ Mỹ đang đối mặt với một thách thức lớn về giá cả trong việc bổ sung Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR).

Trong năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép “xả kho khẩn cấp” hơn 180 triệu thùng dầu dự trữ từ SPR nhằm kiềm chế giá xăng tăng vọt do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Tại thời điểm đó, Bộ Năng lượng Mỹ niêm yết giá bán ở mức khá cao, trung bình khoảng 95 USD/thùng.

Sau đợt xả kho, tính đến ngày 30/12/2022, SPR chỉ còn khoảng 372,4 triệu thùng - mức thấp nhất trong 39 năm qua. Không có gì ngạc nhiên khi hiện nay Bộ Năng lượng nước này đang hướng tới việc bổ sung thêm dầu cho SPR. Vào giữa tháng 12/2022, cơ quan này thông báo rằng họ sẽ bắt đầu mua lại dầu thô.

Ông Biden cho biết mục tiêu của mình là bổ sung dự trữ sau khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) về mức khoảng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, Bộ năng lượng Mỹ cho biết việc bổ sung lại các kho dự trữ đó với mức giá nhập từ 67 - 72 USD/thùng là khá khó khăn, mặc dù giá dầu đã trượt về gần mức này vào nhiều thời điểm trong năm nay.

Tính đến ngày 22/5, giá dầu thô chuẩn của Mỹ về mốc 71,99 USD/thùng - mức giá vẫn nằm trong khả năng chi trả của Washington.

Việc Tổng thống Biden triển khai SPR mạnh mẽ hơn so với những người tiền nhiệm đã khiến Phố Wall chú ý hơn đến những động thái có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Trong những tháng gần đây, khi giá dầu thô tăng vọt giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang nguội lạnh và nguồn cung toàn cầu tăng mạnh, một số nhà đầu tư coi nỗ lực mua dầu của Washington như một biện pháp tiềm năng để hỗ trợ giá.

Nỗ lực mua dầu của Bộ Năng Mỹ vào đầu năm nay cho thấy Washington đang tìm kiếm các đề xuất giá hợp lý để thực hiện thương vụ mua 3 triệu thùng dầu với trị giá hàng tỉ USD. Tuy nhiên, mức giá trong các hồ sơ dự thầu đều cao hơn dự kiến ​​của cơ quan này, khiến cho nỗ lực bổ sung SPR thất bại. Điều đó đã buộc cơ quan này phải thay đổi cách tiếp cận giá thầu.

Theo cách tiếp cận mới, chính phủ Mỹ chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng về cách mà các công ty dầu mỏ ước lượng mức độ rủi ro của thị trường dầu vốn dễ chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố bất ngờ - như thiên tai, căng thẳng địa chính trị hoặc sự thay đổi trong sản xuất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 4 địa điểm dự trữ gần vùng vịnh duyên hải của Mỹ hiện còn khoảng 358 triệu thùng dầu thô, giảm so với khoảng 593 triệu thùng vào đầu năm ngoái. Nhiều nhà phân tích cho rằng kho dự trữ này là quá đủ để Mỹ vượt qua những cú sốc về nguồn cung, đặc biệt là khi sản lượng dầu đá phiến ở Texas và New Mexico đang tăng, thúc đẩy sản xuất nội địa lên sát mức kỷ lục.

Mặc dù SPR thường cho các nhà máy lọc dầu vay dầu định kỳ và đổi lại nhận được nguồn cung cấp bổ sung, song việc mua bán dầu dự trữ lại rất hiếm khi xảy ra trong những thập kỷ gần đây.

Chính quyền Tổng thống Biden trước đây cho biết họ đặt mục tiêu mua 60 triệu thùng, tuy nhiên sẽ không vội vàng bổ sung SPR mà không tối đa hóa lợi ích của người dân. Nếu thành công, thương vụ dầu này có thể trở thành mô hình cho các giao dịch bổ sung trong tương lai.

Lý giải về mức giá cố định mà Washington đang tìm kiếm, ông Ilia Bouchouev, đối tác quản lý của Pentathlon Investments cho biết, đồng ý giữ mức giá cố định đồng nghĩa với việc các công ty sẽ phải chấp nhận rủi ro thị trường trượt dốc trong 13 ngày - khoảng thời gian mà Bộ năng lượng đánh giá các đề xuất.

“Có rất nhiều rủi ro khi giữ một mức giá cố định trong hai tuần. Không ai giao dịch trên một giá cố định cả”, ông Bouchouev cho hay.

Thay vào đó, diễn biến trên thị trường chủ yếu dựa trên chênh lệch giá giữa các loại dầu thô hoặc địa điểm nơi chúng được sản xuất, hay mua và bán. Những khoản chênh lệch đó cho phép các nhà giao dịch hạch toán các chi phí như vận chuyển, và tạo cơ hội cho các nhà sản xuất hạn chế rủi ro biến động bằng cách mua hợp đồng tương lai hoặc hợp đồng quyền chọn.

Trong nỗ lực lần hai nhằm mua 3 triệu thùng dầu thô chua - thông qua các đề xuất đến hạn vào ngày 31/5 và hợp đồng dự kiến được trao vào ngày 9/6 - Bộ Năng lượng Mỹ đã thay đổi phương pháp định giá trước đây của họ bằng một phương pháp khác dựa trên từng phân loại dầu. Điều này giúp các nhà cung cấp dự báo chi phí chính xác hơn và giảm thiểu rủi ro lỗ.

Ảnh chụp Màn hình 2023-05-23 lúc 17.24.50.png
Giá dầu thô tại Mỹ (Nguồn: Argus Media)

Cụ thể, các quan chức chính phủ đã yêu cầu các công ty đưa ra đề xuất ưu đãi khi mua dầu chua và dầu thô. Con số này tính đến mức chênh lệch trung bình giữa dầu WTI, dầu thô chuẩn Mỹ, và dầu thô chua Mỹ (thường được gọi là Mars) trong 3 ngày sau khi hợp đồng được trao.

Theo cơ quan báo cáo giá Argus Media, mức chênh lệch trung bình là 98 cent tính tới ngày 19/5. Điều này có nghĩa là rủi ro tài chính của các công ty trong trường hợp thị trường biến động có thể tính bằng cent/thùng, thay vì USD/mỗi thùng.

Ông Bouchouev, một nhà giao dịch kỳ cựu cho biết: “Về lý thuyết, vấn đề tương tự vẫn tồn tại vì các đại lý phải giữ mức chênh lệch này trong hai tuần trong khi chờ quyết định. Tuy nhiên, chênh lệch sẽ ít biến động hơn đáng kể so với giá dầu”.

Hiện tại, câu hỏi cấp bách hơn đối với thương vụ mua dầu của chính quyền Tổng thống Biden là liệu giá dầu có nằm trong phạm vi mục tiêu của Bộ Năng lượng hay không?

Cho tới cuối năm 2022, Phố Wall vẫn giữ tinh thần lạc quan về giá dầu, nhưng nhiều nhà phân tích gần đây dự báo một tương lai không mấy tích cực khi các nền kinh tế phương Tây đang chậm lại do Nga tiếp tục bơm dầu thô ra ngoài và nhu cầu năng lượng của Trung Quốc chưa thể đẩy giá lên cao hơn.

Theo Wall Street Journal