Buổi sáng thứ Bảy, ngày 14/11/1992, chiếc máy bay Yak-40, số hiệu VN-A449 của Việt Nam Airlines thực hiện chuyến bay VN-474 từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Nha Trang. Khoảng 6 phút trước khi hoàn thành chuyến bay, máy bay đâm vào núi ở thung lũng Ô Kha, xã Sơn Trung (Khánh Sơn, Khánh Hòa). Cả 28 người trên máy bay không còn một ai sống sót, trừ một người phụ nữ Hà Lan tên là Annette Herfkens.
Khi ấy, Annette Herfkens 31 tuổi, lần đầu tiên đến du lịch Việt Nam cùng với người chồng chưa cưới đã có 13 năm yêu đương.
Herfkens tiết lộ, khi ấy cô bị thương nặng, trải qua 8 ngày một mình trên núi rừng hiểm trở, uống nước mưa thấm qua chiếc khăn tay để cầm hơi với xung quanh đầy thi thể, tro tàn và đổ nát, cho đến khi đội cứu hộ tìm thấy và đưa cô về Nha Trang, sau đó được đưa về nước điều trị. Sống sót qua những ngày địa ngục ấy, cô đã phải bằng mọi cách cố gắng tránh nhìn vào thi thể người chồng chưa cưới ở ngay bên cạnh với hi vọng mong manh rằng mình sẽ được cứu thoát.
"Tôi bị thương tích đầy mình, tôi cảm thấy rất đau và không thể di chuyển được", cô nói với Phóng viên New York Post khi nhớ lại khoảnh khắc tỉnh lại sau thời khắc tai nạn bốn giờ đồng hồ. Cô nhận ra chồng chưa cưới đã chết ngay bên cạnh cùng nụ cười mỉm trên môi.
Herfkens còn nhớ như in cảm giác của buổi sáng hôm ấy. Khi nhìn thấy chiếc Yak 40 chờ ngoài sân bay, cô kiên quyết không lên vì nó quá nhỏ. Nhưng rốt cuộc, Herfkens vẫn đồng ý thực hiện chuyến bay vì bạn trai, mà không còn lựa chọn nào khác. Khi còn khoảng 5-6 phút là máy bay đến Nha Trang, cô cảm thấy một lực hút rất mạnh kéo nhanh chiếc máy bay về phía dưới. Đó là khi máy bay đâm vào vách núi lần đầu, một cánh bị gãy nhưng vẫn còn hoạt động được.
Cô nhớ lại: "Lúc đó, xung quanh tôi, mọi người la hét rất dữ dội. Chồng chưa cưới quay sang nói với tôi: 'Anh không thích như thế này một chút nào cả'. Tôi đã trấn an anh vài câu và cả hai nắm thật chặt tay nhau. Đến cơn va đập lần thứ hai, tay chúng tôi lạc nhau vì tôi không thắt dây an toàn. Và rồi…”, cô nghẹn ngào.
Sau cú va chạm, cô tỉnh lại trong trạng thái đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất nằm ở ống chân. “Tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt", Herfkens kể lại.
Thay vì đối diện với thực tế đau đớn với những thi thể đang phân hủy, cô tập trung nhìn ngắm cơn mưa rừng, nhìn ánh nắng, nhìn màu xanh của chiếc lá… và coi đây là dịp hiếm hoi để tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của khu rừng nhiệt đới. Cô không cho phép mình khóc vì tự nhủ rằng làm vậy, cô sẽ không đủ sức mạnh để vượt qua…
Ngày nay ở tuổi 53, Herfkens vẫn mang cảm giác là "một góa phụ" khi mình được cứu sống còn chồng sắp cưới đã chết. "Anh ấy là tương lai của tôi. Cái chết khiến cho tương lai ấy vỡ vụn và tai nạn khiến cho cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn kể từ đó về sau", Herfkens nói.
Nhiều năm sau thảm họa, Herfkens đã quyết định ghi chép lại những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời bằng cuốn tự truyện “Turbulence: A Survival story” (Tạm dịch Turbulence: Một câu chuyện có thật về sự sống còn), ra mắt hồi tháng 1/2014
Là người sống sót duy nhất, Herfkens luôn muốn dành điều gì đó để an ủi những thân nhân của hành khách trong chuyến bay cùng mình, cũng như khi cô nghe tin về thảm họa hàng không MH17 và MH370. Cô biết nhiều người thân của các nạn nhân sẽ rất dằn vặt về khoảnh khắc cuối cùng với người thân yêu của mình.
Theo DailyMail