Trong các kỳ trước, VietTimes đã đề cập đến hành vi tham ô (theo cáo buộc tại Cáo trạng số 12/CTr-VKSTC-V3) của nhóm lợi ích Trịnh Xuân Thanh tại CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land, nay là CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt).
Trọng tâm của vụ án là thương vụ chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (nay đã đổi thành CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông) mà PVP Land sở hữu. Cơ quan công tố cáo buộc Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã cố ý hạ giá chuyển nhượng để chiếm đoạt trái phép tiền chênh lệch.
Vậy để hiểu hơn về vụ án này, bên cạnh việc phân tích những uẩn khúc trong khâu chuyển nhượng, có lẽ cũng nên xem 12,12 triệu cổ phần CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương trước đó đã về tay PVP Land như thế nào.
“Đường tình” PVP Land - CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương
CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Công ty Xuyên Thái Bình Dương) chính thức được thành lập vào tháng 07/2007. Tuy nhiên phải đến đầu năm 2008, PVP Land mới tham gia nắm giữ cổ phần công ty này và đưa nó trở thành công ty con của PVP Land.
Phương thức rất phổ biến, PVP Land đã mua lại cổ phần của cổ đông sáng lập CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương. Lưu ý là lúc đó, các cổ đông sáng lập của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương vẫn chưa thực hiện góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký (là 400 tỷ đồng; Trong đó: Cổ đông sáng lập đăng ký mua 24.000.000 cổ phần tương đương 240 tỷ. Công ty được phép chào bán 16.000.000 cổ phần tương đương160 tỷ đồng).
Cụ thể, ngày 02/01/2008, theo hợp đồng số 01/2008/PVPL-XTBD, PVP Land mua 18.000.000 cổ phần đã đăng ký (trong đó: 16.725.000 cổ phần chưa thanh toán và 1.275.000 cổ phần đã thanh toán) của các cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Nguyễn Minh Phú, Nguyễn Minh Quý, Nguyễn Tiến Cường) với giá 21.500 đồng/cổ phần (giá mua theo hợp đồng), tổng giá trị 387 tỷ đồng.
Đến ngày 12/12/2008, theo hợp đồng số 28/2008/PVPL-XTBD, PVP Land lại mua 3.480.000 cổ phần đã đăng ký (là cổ phần chưa thanh toán) của ông Nguyễn Minh Quý với giá 16.770 đồng/cổ phần, tổng giá trị 58.360.000.000 đồng. Như vậy, so với hợp đồng đầu năm, giá mua đã giảm 4.730 đồng/cổ phần.
Được biết, chốt tại thời điểm cuối năm đó (31/12/2008), vốn góp thực tế của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương trên BCTC riêng đã được kiểm toán của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương năm 2008 là 21.974.594.021 đồng, chỉ đạt 5,493% vốn điều lệ trên đăng ký kinh doanh. Trong đó, vốn góp của PVP Land là 14.491.195.516 đồng, chiếm 65,95% vốn điều lệ thực góp của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trên BCTC riêng đã được kiểm toán của PVP Land năm 2008, vốn góp của PVP Land vào CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương tại thời điểm 31/12/2008 lại được ghi nhận là 209.331.111.111 đồng.
Theo lý giải của PVP Land, khi hợp nhất BCTC năm 2008, phần chênh lệch của giá mua cổ phần CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương so với phần sở hữu của PVP Land trong giá trị hợp lý thuần của tài sản đã ghi nhận trên BCTC riêng của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương được ghi nhận Lợi thế thương mại phát sinh khi hợp nhất kinh doanh. Lợi thế thương mại được phân bổ vào chi phí quản lý của PVP Land trong 10 năm.
Cũng nên biết rằng, bên cạnh việc ký hợp đồng mua cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương, thì ngay trong năm 2008, PVP Land cũng thực hiện bán một phần số phần vừa mua cho các nhà đầu tư khác.
“Sau khi mua cổ phần của cổ đông sáng lập CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương, Công ty bán lại một phần số cổ phần chưa thanh toán cho CTCP Đầu tư Vietsan (Vietsan) thu được lợi nhuận 38,7 tỷ đồng, bán lại một phần số cổ phần chưa thanh toán cho CTCP Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land) thu được lợi nhuận 12,2 tỷ đồng. Cụ thể, các hợp đồng bán như sau:
+ Ngày 05/12/2008, theo hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Vietsan, Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam bán 6.000.000 cổ phần đã đăng ký (là cổ phần chưa thanh toán) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Vietsan với giá 17.970 đồng/ cổ phần, tổng giá trị 107.820.000.000 đồng.
+ Ngày 05/01/2009, theo hợp đồng số 09/HĐ/PVPL-VNPTL, Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam bán 3.360.000 cổ phần đã đăng ký (bao gồm: 3.052.356 cổ phần chưa thanh toán với giá 19.967 đồng/1 cổ phần và 307.644 cổ phần đã thanh toán với giá 29.967 đồng/1 cổ phần), tổng giá trị 70.165.000.000 đồng”, PVP Land công bố trong cáo bạch.
Có 1 chi tiết khá khó hiểu ở đây là PVP Land nói rằng, họ đã lãi 38,7 tỷ đồng từ việc bán lại 6 triệu cổ phần cho Vietsan.
Có nghĩa, nếu chỉ xét đến chênh lệch giá, giá bán cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Vietsan phải cao hơn giá gốc mà PVP Land đã mua vào 6.450 đồng/cổ phần – tương ứng mức giá gốc mua vào này là 11.520 đồng/cổ phần. Song trước ngày 05/12/2008 (thời điểm kết giao hợp đồng chuyển nhượng với Vietsan), thực tế PVP chỉ sở hữu 18.000.000 cổ phần đã mua từ các cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Nguyễn Minh Phú, Nguyễn Minh Quý, Nguyễn Tiến Cường), mà giá mua theo hợp đồng đó là 21.500 đồng/cổ phần – tức là cao gần gấp đôi mức 11.520 đồng/cổ phần mà ta đang tính toán.
Việc PVP Land ghi nhận lợi nhuận 12,2 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 3,36 triệu cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho VNPT Land cũng khó hiểu một cách tương tự.
Thực tế, trong phạm vi tiếp cận, VietTimes đã thực hiện đối chiếu số liệu với các ghi nhận từ phía bên nhận chuyển nhượng, mà cụ thể ở đây là VNPT Land.
Báo cáo của VNPT Land xác nhận về Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 09HĐ/PVPL-VNPT giữa VNPT Land và PVP Land, với quy mô 3,36 triệu cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương và giá chuyển nhượng 70,165 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo của VNPT Land lại ghi nhận ngày kết giao hợp đồng chuyển nhượng là 12/12/2018, chứ không phải là ngày 05/01/2009 như ghi nhận của PVP Land. Thứ nữa, báo cáo của VNPT Land dù ghi nhận giá chuyển nhượng 3,36 triệu cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương là 70,165 tỷ đồng, nhưng lại cho biết thêm “tổng giá mua số cổ phần nêu trên là 100,68856 tỷ đồng”. Chưa rõ gần 31 tỷ đổng bên ngoài giá chuyển nhượng nhưng lại cấu thành vào tổng giá mua là gì, hay những gì (?!).
Khi thực hiện soát xét báo cáo tài chính của PVP Land, các đơn vị kiểm toán từng nhiều lần nên ý kiến ngoại trừ về khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (nay là CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông).
Khi đó, PVP Land đã giải trình rằng, khi đầu tư vào CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương, mục đích mà Công ty nhắm tới là Dự án NamDan Plaza do Công ty con làm chủ đầu tư.
“Việc đầu tư được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá hiệu quả của Dự án NamDan Plaza và đã được ĐHĐCĐ Công ty thông qua tại Nghị quyết số 01/ND-CT-ĐHĐCĐ ngày 02/01/2008. Đây là một dự án rất khả thi, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao. Dự án tọa lạc tại đường Phạm Hùng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội; đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 143/GPXD ngày 15/10/2009. Theo đó, Dự án được phép xây dựng hai khối tháp cao 39 tầng và 44 tầng (chưa bao gồm 4 tầng hầm). Hiện nay, Dự án đã được khoan cọc nhồi và đang trong quá trình thi công. Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam đã có cam kết hỗ trợ vốn thực hiện dự án và Công ty cũng đã ký Chỉ định thu xếp vốn thực hiện Dự án với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)”, PVP Land lý giải.
Nhưng trên thực tế, “dự án rất khả thi, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao” của PVP Land đến thời điểm này vẫn đang đắp chiếu, hoang tàn.
Không còn đủ kiên nhẫn, một số thành viên trong liên danh đầu tư cùng PVP Land đã tìm cách chuyển nhượng cổ phần, để tháo chạy khỏi dự án nhưng bất thành. Cũng có kênh cho rằng, Nam Đàn Plaza giờ đã có tên khác, đầy long lanh như Pha Lê Xanh, rồi thì Tòa Tháp Kim Cương – Phạm Hùng.
Chưa biết siêu dự án “long lanh” này rồi sẽ đi về đâu và những nhà đầu tư chót vướng vào nó rồi sẽ ra sao./.