Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, một trong những kết quả EVN đã thực hiện trong 5 năm 2011-2015 vừa qua là duy trì liên kết lưới điện với các nước láng giềng.
Cụ thể, EVN đã mua 14,7 tỷ kWh của Trung Quốc, bán hơn 7,2 tỷ kWh cho Campuchia, bán cho Lào gần 190 triệu kWh.
Cũng theo Tập đoàn này, sản lượng điện sản xuất và mua tăng bình quân 10,37%/năm. Điện thương phẩm tăng bình quân 10,84%/năm (miền Bắc tăng 12,4%/năm, miền Trung tăng 10,3%/năm, miền Nam tăng 9,82%/năm).
Điện cấp cho công nghiệp - xây dựng tăng 11,7%/năm; cho quản lý tiêu dùng tăng 9,6%/năm; cho thương mại - dịch vụ tăng 14,1%; cho nông nghiệp tăng 20,1%/năm; Thành phần khác tăng 7,6%/năm.
Năm 2015, điện sử dụng bình quân trên đầu người đạt 1.536 kWh/người.năm, tăng 56% so với năm 2010 (985,5 kWh/người.năm).
Theo EVN, chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, năm 2016 điện sản xuất và mua 175,9 tỷ kWh tăng 10,35% so với năm 2015, gồm điện sản xuất là 81,9 tỷ kWh, điện mua là 93,98 tỷ kWh. Trong đó mua từ Trung Quốc 1,2 tỷ kWh, mua từ Lào 1,54 tỷ kWh.
Như vậy, sản lượng điện mua nhiều hơn điện EVN sản xuất là 12,08 tỷ kWh.
Nguyên nhân được chỉ ra là do tỷ trọng nguồn điện EVN đang sở hữu so với toàn hệ thống nhỏ hơn 50%, lượng điện mua chủ yếu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam TKV....
Việc mua điện từ Trung Quốc theo hợp đồng dài hạn, có thời điểm nguồn cung dư thừa thậm chí giá điện cao hơn một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong nước khiến không ít ý kiến cho rằng, EVN đã "tự làm khó mình".
Tuy nhiên, đầu năm 2015, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phủ nhận ý kiến trên và cho biết, việc mua điện của các nước ngoài biên giới là chuyện "rất bình thường" với doanh nghiệp ngành điện.
Thậm chí nguồn điện từ Trung Quốc rất quý với Việt Nam thời điểm bắt đầu ký hợp đồng vì nếu không có EVN sẽ phải tiết giảm điện với quy mô tương đối lớn.
Theo ông Tri, khi kết nối được với lưới điện các nước khác thì chúng ta cũng tăng được công suất dự phòng. Trong trường hợp gặp sự cố hoặc nguồn điện trong nước không bảo đảm, thì việc liên kết với lưới điện các nước là điều cần thiết.
Bên cạnh đó, việc mua điện của nước ngoài nhiều khi cũng là việc “bất khả kháng” vì để xây dựng một nhà máy điện, từ lúc lập dự án đến khi phát điện trung bình khoảng 10 năm, có nhà máy như Sơn La lên tới 20 năm, nhiệt điện cũng 7 - 8 năm.
Về phía Bộ Công thương, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cũng cung cấp thông tin cho biết, giá điện nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn một số nhà máy nhiệt điện chạy than, tuabin khí nhưng cao hơn một số nhà máy thủy điện.
Tại thời điểm này, trao đổi với BizLIVE, ông Vũ Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai từng cho biết, đã 2-3 năm Hiệp hội đã gửi kiến nghị và thắc mắc của chủ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh lên Bộ Công Thương với mong muốn lý giải vì sao giá điện mua từ Trung Quốc cao hơn mua từ các nhà máy thủy điện trong nước song vẫn bặt vô âm tín.
"Chúng tôi thấy có sự bất hợp lý giữa giá mua điện bên ngoài với trong nước chỉ biết nêu kiến nghị còn quyền thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan Trung ương", ông Cừ từng nói.
Theo Bizlive