Mỹ vạch trần sự thật “40 nước ủng hộ Trung Quốc về Biển Đông“

VietTimes --Trước thềm công bố kết quả vụ kiện biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri La), Trung Quốc nhiều lần tuyên bố có nhiều quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, thực tế không phải là như vậy.
Cộng đồng quốc tế cực lực phản đối hành vi lấp biển xây đảo, quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc
Cộng đồng quốc tế cực lực phản đối hành vi lấp biển xây đảo, quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc

Diễn đàn an ninh Shangrila chuẩn bị diễn ra tại Singapore, cục diện Biển Đông lại một lần nữa được đưa vào chương trình nghị sự quan trọng. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, tuy nhiên quan chức Mỹ dự đoán, trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh này, chắc chắn Trung Quốc sẽ một lần nữa phải đối mặt với hoàn cảnh bị cô lập.

Theo nguồn tin tổng hợp ngày 2/6, Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ  15 hay còn gọi là Diễn đàn Đối thoại Shangri La được tổ chức tại Singapore từ 3-5/6. Cũng giống như năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Phó tổng tham mưu quân ủy Trung ương Trung Quốc Tôm Kiến Quốc đều tham dự hội nghị lần này.

Tiêu điểm của cuộc đối thoại Shangri La lần này là biển Đông. Nước chủ nhà Singapore đã nêu rõ: Trung Quốc lấp biển xây đảo ở vùng biển tồn tại nhiều tranh cãi trên biển Đông và áp dụng các biện pháp quân sự hóa trên các hòn đảo này sẽ là chủ đề trung tâm được các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh lần này.

Mỹ vạch trần sự thật “40 nước ủng hộ Trung Quốc về Biển Đông“ ảnh 1

Trước khi bay sang Singapore, ngày 27/5, trong bài phát biểu ở Học viện Hải quân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự đoán: “Đôi lúc Trung Quốc tự làm theo ý mình, phá hoại các nguyên tắc quốc tế. Mô hình vận hành này không phù hợp với hướng phát triển mà khu vực này mong đợi, và nó cũng không thể tạo ra cục diện cùng thắng. Kết quả của hành vi này là Trung Quốc sẽ dựng lên một dãy Trường Thành tự cô lập mình. Quan chức cấp cao của các nước đồng minh láng giềng, các nước đối tác và các quốc gia không liên kết sẽ công khai hoặc phát biểu kín những lo ngại về sự phát triển của cục diện trong các cuộc hội nghị trong khu vực và các diễn đàn trên toàn cầu”.

Trung Quốc đã “phản công” trước những lời phát biểu của ông Ashton Carter. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc những lời phát ngôn này chứng minh cho tư duy chiến tranh lạnh cố thủ của người Mỹ, không hề có lối thoát cho lối tư duy này. Hoa nói, Trung Quốc không hề có hứng thú với bất kỳ hình thức chiến tranh lạnh nào, tuy nhiên, đối với bất kỳ mối đe dọa hoặc hành vi làm tổn hại đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, một là Trung Quốc không sợ hãi, hai là buộc phải có biện pháp đối phó kiên quyết.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng tăng cường đối phó trên mặt trận ngoại giao, không ngừng tuyên bố ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông. Trung Quốc "khoe" thống kê mới nhất cho thấy, đã có khoảng 40 quốc gia công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này (!?).

Hãng VOA của Mỹ trích lời quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Trung Quốc tuyên bố với bên ngoài rằng họ đã giành được sự ủng hộ của rất nhiều quốc gia, tuy nhiên điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình thực tế. Ví dụ, tháng 4/2016, sau khi có có chuyến thăm Brunei, Campuchia và Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, ba quốc gia này đã đạt được nhận thức chung với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Tuy nhiên Phó trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ Amy Searight tiết lộ, trong cùng thời gian trên, tại Lào cũng diễn ra hội nghị quan chức cấp cao về quân sự của ASEAN, nhưng không thấy bất kỳ quốc gia nào xuất đầu lộ diện ủng hộ Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong thời gian diễn ra cuộc Đối thoại Shangri La, Trung Quốc sẽ lại một lần nữa phải đối mặt hoàn cảnh bị cô lập. Trước thềm diễn ra cuộc hội nghị này năm 2015, Mỹ đã công bố máy bay trinh sát của Mỹ quay lại được những hình ảnh Trung Quốc lấp biển xây đảo rất rầm rộ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị và cộng động quốc tế.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, mặc dù các đại biểu bày tỏ sự đồng tình và khích lệ với vai trò của Trung Quốc trong một số hoạt động quốc tế, tuy nhiên, ngoài các thành viên thuộc đoàn đại biểu Trung Quốc ra, không ai công khai biện hộ cho hành vi của Trung Quốc trên biển Đông.

Đ.Q