Mỹ tung “viễn cảnh tươi đẹp” ngăn “giấc mộng Trung Hoa”

VietTimes -- Trong chiến lược an ninh mới của Mỹ, ông Donald Trump tuyên bố về một "viễn cảnh tươi đẹp", một thế giới với các quốc gia hòa bình có chủ quyền. Nhưng liệu những tuyên bố này của ông có thực hiện được khi Trung Quốc đang trỗi dậy?
"Chúng ta sẽ theo đuổi viễn cảnh tươi đẹp về một thế giới mạnh mẽ với những đất nước tự do, có chủ quyền với những nền văn hóa và những giấc mơ riêng, cùng thịnh vượng tự do và hòa bình", ông Trump đã viết trong lá thư dựa trên cảm hứng từ chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ. 
Bắc Kinh đã theo đuổi lâu dài một mô hình riêng về chủ quyền. Từ năm 1954, Bắc Kinh đã nhấn mạnh 5 yếu tố cơ bản để chung sống hòa bình: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào tình hình nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Và 5 yếu tố này là nền móng cho những quan hệ của Trung Quốc với thế giới.
Với sự trỗi dậy của quyền lực Trung Quốc trong thời gian gần đây, có vẻ hòa bình giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ rất mong manh. Giới phân tích nhận định về lâu dài, chắc chắn Bắc Kinh và Washington sẽ có xung đột. Người đồng cấp của ông Trump - ông Tập Cận Bình đang đưa ra thông điệp ám chỉ Trung Quốc là đất nước sẽ là bá chủ sắp tới trên hành tinh.
Mỹ tung “viễn cảnh tươi đẹp” ngăn “giấc mộng Trung Hoa” ảnh 1Ông Tập Cận Bình và các tướng lĩnh trong Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc.

Bề ngoài những tuyên bố gần đây cả Trung Quốc rất thân thiện với thế giới. Ông Tập Cận Bình vốn được biết tới với diễn văn về Giấc mơ Trung Quốc nhưng ông đã tiến xa hơn với khẩu hiệu "Một Thế Giới - Một Giấc Mơ" tại thế vận hội Olympic mùa hè năm 2008 tại Bắc Kinh, gợi lên một cộng đồng quốc tế đoàn kết. Đó là ý tưởng do ông Tập Cận Bình đưa ra khi đang là Ủy viên ban thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và là tổng chỉ huy của kỳ Olympic này.

Ông Tập cũng là người có ý tưởng về một "cộng đồng chung vận mệnh". Được đề cập tới vào cuối 2012 "cộng đồng chung vận mệnh" như Nhật Báo Trung Hoa đề cập "là sự tóm tắt hướng đi mà chính phủ Trung Quốc tin rằng những lãnh đạo thế giới nên hướng tới". Những tuyên ngôn này rất đáng e ngại vì nó gợi lại quan niệm về thiên hạ luận thời phong kiến của Trung Quốc (nhấn mạnh vai trò trung tâm của Trung Hoa) - khi các vị hoàng đế thống trị toàn thế giới. Như nhà báo Howard French viết trong tác phẩm "Mọi thứ trong thiên hạ": "Không ai có thể hiểu khác hơn về khái niệm này".
Khi ông Tập Cận Bình nói về một cộng đồng có chung một vận mệnh và mọi người chia sẻ những giấc mơ giống nhau ông có ý đề cập tới lịch sử thống trị của Trung Quốc và ám chỉ ông sẽ thống trị mọi lĩnh vực tại Bắc Kinh và cả những nơi xa hơn Trung Quốc. Thiên hạ luận đã tồn tại ở Trung Quốc 3000 năm và nó thống trị nền chính trị Trung Quốc trong hầu hết các thời kỳ. Lý lẽ cho chủ nghĩa này rất đơn giản: "Tất cả các quyền lực chính trị và pháp luật sẽ chỉ nằm trong tay thiên tử, giống như mọi ánh sáng của sự sống tới từ một mặt trời". Tiến sĩ Vương Phỉ Linh thuộc học viện công nghệ Georgia Mỹ giải thích trong cuốn sách Trật tự Trung Quốc: Trung tâm - Thống trị Thế giới và bản chất tự nhiên của quyền lực Trung Quốc. Theo đó, các lãnh đạo Trung Quốc bị ám ảnh bởi sự phân chia và mục tiêu tìm cách "Đại thống nhất" thế giới.
Mỹ tung “viễn cảnh tươi đẹp” ngăn “giấc mộng Trung Hoa” ảnh 2Trung Quốc đang có nhiều thay đổi về quân đội theo mô hình giống Mỹ.

Với những quan điểm như vậy vào tháng 9 vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã viết trên tờ Study Times tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tư tưởng ngoại giao của ông Tập Cận Bình: "tạo ra những sáng tạo và vượt qua các lý thuyết về quan hệ ngoại giao quốc tế cổ điển của phương Tây trong 300 năm qua". Qua bài báo này ông Vương đã ám chỉ tới Hòa ước Westfalen năm 1648, là một hội nghị ngoại giao đầu tiên đã đưa đến một trật tự chính trị mới ở Trung Âu dựa trên ý niệm quốc gia có chủ quyền tồn tại bên nhau. Hòa ước này là nền tảng cho hệ thống quốc tế ngày nay.

"Sự vượt qua" mà ông Vương ám chỉ nói về dự tính của ông Tập Cận Bình về một thế giới không có những quốc gia có chủ quyền hay ít nhất là không có nước nào hơn Trung Quốc. Như trong thông điệp năm mới năm 2017: "Trung Quốc sẽ luôn luôn giữ một thế giới thống nhất và thiên hạ là một nhà". Liệu chủ nghĩa thiên hạ có khả thi với một thế giới có gần 200 đất nước có chủ quyền? Nhà chính trị cánh tả Anh quốc Martin Jacques lo ngại rằng Trung Quốc với sự trỗi dậy không gì sánh nổi có một ngày sẽ chỉ huy một hệ thống chư hầu toàn cầu. Năm 2009 ông đã viết quyển sách Khi Trung Quốc thống trị thế giới: Cái kết của thế giới phương Tây và sự khai sinh ra một trật tự thế giới mới.
Mỹ tung “viễn cảnh tươi đẹp” ngăn “giấc mộng Trung Hoa” ảnh 3Hiện tại, số lượng máy bay không người lái dân dụng của Trung Quốc chiếm tới 70% thị phần trên thế giới.

Và một số người Trung Quốc bao gồm cả các học giả là đảng viên cộng sản cũng ủng hộ chủ nghĩa thống trị thế giới. Ông Vương Phỉ Linh viết: "Những nhà phân tích chính sách ngoại giao của Trung Quốc cho biết sự làm mới chủ nghĩa thiên hạ là lựa chọn có khả năng nhất chống lại trật tự thế giới phương Tây mạnh mẽ... Một vài học giả Trung Quốc tuyên bố đây là thời điểm cho Trung Quốc trở thành lãnh đạo thế giới để thống nhất và biến "giấc mơ Trung Hoa" thành giấc mơ thế giới".

Dù có khả thi hay không, giới phân tích cho rằng hoài bão "thiên hạ" của ông Tập Cận Bình có thể sẽ khiến Bắc Kinh có những hành động để gây mất ổn định hệ thống phương Tây. Hệ thống mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin là sẽ gây hủy hoại tới tổ chức nhà nước của Trung Quốc. Hoài bão của ông Tập Cận Bình không thể hòa hợp với "viễn cảnh tươi đẹp" của ông Donald Trump về những quốc gia có chủ quyền. Ngày nay, viễn cảnh đó mô tả một thế giới có rất nhiều các quốc gia có chủ quyền được duy trì bằng hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận và các tiêu chuẩn và các tổ chức đa phương.
Một số ý kiến lo ngại, một nước Trung Quốc được điều khiển bởi các nhà lãnh đạo với tư tưởng "thiên hạ" sẽ rất khó công nhận chủ quyền hay chung sống hòa bình với các nước khác đặc biệt là những đối thủ nặng ký như Mỹ. Lần đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang quay lại với giấc mơ thống trị thế giới, National Interest nhận xét.