Mỹ tố cáo Trung Quốc chuyên dùng cảnh sát biển bắt nạt láng giềng ở Biển Đông

VietTimes -- Mô hình hành vi của Trung Quốc là bắt nạt, gây rối và đâm va tàu cảnh sát biển cỡ nhỏ hoặc tàu cá của các nước khác trên Biển Đông, qua đó tuyên bố, đòi hỏi cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Quen thói bắt nạt

Tờ Thời báo Tự do Đài Loan ngày 8/9 cho hay ngày 7/9 Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ đã công bố báo cáo phê phán Trung Quốc sử dụng tàu cảnh sát biển để bắt nạt tàu các nước khác ở Biển Đông, qua đó để tuyên bố cái gọi là "chủ quyền" ở khu vực.

Báo cáo chỉ ra, từ năm 2010 trở đi, trong 45 vụ tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Đông thì Cảnh sát biển Trung Quốc đã tham gia tới 30 vụ, còn 4 vụ khác thậm chí có sự tham gia của Hải quân Trung Quốc.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế định nghĩa những sự việc này là biện pháp "cưỡng chế thực thi pháp luật" của tàu cảnh sát biển hoặc hải quân đối với nước khác.

Tàu cảnh sát biển hung hăng ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 (ảnh tư liệu)
Tàu cảnh sát biển hung hăng ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 (ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu lâu năm Bonnie S. Claser cho rằng trong 45 vụ xung đột, đối đầu ở khu vực Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam năm 2014, tỷ lệ tham gia của tàu cảnh sát biển Trung quốc cao tới 2/3, khả năng gây xung đột và thương vong thực sự cao hơn so với lực lượng hải quân.

Bonnie S. Claser chỉ ra, các bằng chứng cho thấy mô hình hành vi của Trung Quốc hoàn toàn không phải là hành vi "thực thi luật pháp" về mặt pháp lý, mà là "bắt nạt, gây rối và đâm va tàu cảnh sát biển cỡ nhỏ hoặc tàu cá của các nước khác trên Biển Đông, qua đó tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông".

Năm 2013, Trung Quốc đã sáp nhập các lực lượng chấp pháp trên biển thành Cảnh sát biển, mục đích là để thống nhất triển khai hành động cả ở Biển Đông và biển Hoa Đông, được dư luận cho là lực lượng "hải quân thứ hai".

Theo tài liệu của cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, hiện nay Trung Quốc có tổng cộng 205 tàu cảnh sát biển, trong đó có 95 tàu trọng tải trên 1.000 tấn, thực lực vượt cả Nhật Bản. Còn các nước có chủ trương chủ quyền khác ở Biển Đông thì chưa tính.

Tàu cảnh sát biển hung hăng ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 (ảnh tư liệu)
Tàu cảnh sát biển hung hăng ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 (ảnh tư liệu)

Mỹ sẽ bàn giao 2 máy bay vận tải cho Philippines

Philippines là nước có thực lực trên biển yếu nhất trong các nước ASEAN, mặc dù đã giành chiến thắng trong vụ kiện trọng tài Biển Đông, nhưng khả năng tuần tra trên không ở Biển Đông của Philippines còn lâu mới đủ để vươn tới khu vực đảo đá "tranh chấp".

Ngày 7/9, người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Armand Balilo xác nhận, Mỹ sẽ bàn giao 2 máy bay vận tải Sherpa (chở 30 người) cho Philippines vào tháng 12/2016, có lợi cho tăng cường khả năng tuần tra trên biển của Philippines.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hiện chỉ có 2 máy bay Islander chở 10 người, do Công ty Britten-Norman Anh sản xuất.

Lực lượng tàu cảnh sát biển Trung Quốc lao đến vùng biển đảo Senkkau (ảnh tư liệu)
Lực lượng tàu cảnh sát biển Trung Quốc lao đến vùng biển đảo Senkkau (ảnh tư liệu)