Trong bối cảnh Mỹ điều chỉnh triển khai lực lượng quân sự để ứng phó với vai trò ảnh hưởng không ngừng tăng lên của Trung Quốc, Lầu Năm Góc đang xem xét điều các đơn vị viễn chinh của Thủy quân lục chiến với vũ trang đầy đủ, năng lực toàn diện đến Đông Á, giảm bớt một số triển khai ở Trung Đông - thông tin này được tờ Nhật báo phố Wall Mỹ dẫn lời quan chức quân đội Mỹ gần đây tiết lộ.
Hành động này của Mỹ sẽ là một trong những biện pháp cụ thể mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố báo cáo chiến lược quốc phòng vào tháng trước.
Chiến lược mới này cùng với chiến lược an ninh quốc gia công bố vào tháng 12/2017 đã đặt ra một mục tiêu đó là để cho quân đội Mỹ rút khỏi Trung Đông, tái triển khai để chống lại các đối thủ cạnh tranh chiến lược Trung Quốc và Nga.
Theo tiết lộ của quan chức quân đội Mỹ, mặc dù chiến lược quốc phòng mới được công bố trong bối cảnh chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên làm tình hình căng thẳng, nhưng mục đích của nó hoàn toàn không phải là tiến hành chuẩn bị cho chiến tranh. Chiến lược mới được đưa ra là để thực hiện ít nhất trong 4 năm tới nhằm ứng phó với các mối đe dọa.
Mục đích của những "điều chỉnh lực lượng quân sự chủ yếu" này là tái triển khai lực lượng quân sự trên toàn cầu.
Trong thời gian thăm châu Á 8 ngày gần đây, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford đã đề cập đến việc triển khai ở châu Á, cho biết: "Chúng tôi có lợi ích lâu dài ở đây, chúng tôi có cam kết lâu dài, chúng tôi có sự hiện diện lâu dài".
Theo quan chức Mỹ, việc triển khai thường trực các lực lượng đặc biệt như lực lượng viễn chinh của thủy quân lục chiến Mỹ sẽ nâng cao rõ rệt năng lực quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Các đơnn vị viễn chinh của thủy quân lục chiến sẽ nằm ở trạng thái cơ động: các đơn vị này có thể tiến hành tuần tra, tiến hành huấn luyện với quân đội các đồng minh của khu vực này, đồng thời có thể đưa ra phản ứng khi bùng nổ xung đột.
Theo quan chức này, ngoài các đơn vị viễn chinh của thủy quân lục chiến, Mỹ còn đang cân nhắc một số đề nghị bổ sung khác, mục đích là triển khai lực lượng quân sự ở Đông Á nhằm chống lại Trung Quốc, quốc gia đang trỗi dậy. Chiến lược quốc phòng mới cho rằng Trung Quốc sẽ phá hoại trật tự quốc tế vài chục năm qua.
Hiện nay, Mỹ đã có khoảng 50.000 quân đồn trú ở Nhật Bản, trong đó có khoảng 18.000 lính thủy quân lục chiến; có 29.500 quân đồn trú ở Hàn Quốc, có khoảng 7.000 quân đồn trú ở Guam.
Một đơn vị viễn chinh của thủy quân lục chiến Mỹ có khoảng 2.200 binh sĩ, những binh sĩ này được chở bằng tàu tấn công đổ bộ, loại tàu này về bản chất là tàu sân bay hạng nhẹ. Lực lượng này có thể tiến hành tác chiến trên biển, trên bộ và trên không, đồng thời triển khai các hành động cứu viện, hậu cần và chi viện.
Một đơn vị viễn chinh thường có các vũ khí như máy bay chiến đấu cánh cố định, máy bay trực thăng, xe tăng, súng cối và các nguồn lực hỗ trợ tác chiến.
Các đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến thường sẽ triển khai trong thời gian 7 tháng trên tàu đổ bộ, họ có thể luôn sẵn sàng chiến đấu trên mặt nước, cũng có thể triển khai tạm thời trên bờ để tiến hành huấn luyện hoặc triển khai hành động.
Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ, tướng Robert Neller cho biết các đơn vị viễn chinh của thủy quân lục chiến được điều đến châu Á sẽ tiến hành tuần tra và triển khai huấn luyện, diễn tập liên hợp với các đồng minh.
Tướng Robert Neller nói: "Chúng tôi phải duy trì hiện diện, tham gia cạnh tranh". Chiến lược quốc phòng mới "sẽ quyết định sự hiện diện hải quân trong tương lai của chúng tôi, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Các đơn vị viễn chinh của thủy quân lục chiến Mỹ đóng ở bờ Tây từng từ Mỹ đến Trung Đông, tham gia các cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan, Syria - những khu vực này đều thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ.
Mục đích thành lập của các đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến Mỹ là trở thành một lực lượng phản ứng nhanh. Họ là một trong những lực lượng đến miền bắc Iraq sớm nhất vào năm 2016 để tiến hành chuẩn bị cho chiến dịch đoạt lấy Mosul từ tay tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
Quan chức Mỹ cho hay, một biện pháp có liên quan là tháng tới thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tăng quân số cho lực lượng triển khai luân phiên tại Darwin, Australia. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 1.250 binh sĩ thủy quân lục chiến được huấn luyện luân phiên 6 tháng ở Darwin. Con số này sẽ tăng lên vào tháng 3/2018, nhưng số lượng cụ thể thì chưa rõ.
Các biện pháp khác được công bố trước đó bao gồm nhiệm vụ chống khủng bố rộng lớn hơn ở Philippines và tiếp tục triển khai trang bị mới ở khu vực, chẳng hạn triển khai tàu tuần duyên LCS ở Singapore, đồng thời triển khai máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 ở Nhật Bản.
Trung Quốc cho rằng Mỹ là một lực lượng đang suy yếu ở Thái Bình Dương. Quan chức quân đội Mỹ không đồng ý với quan điểm này.