Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 23 tháng 2 dẫn lời ông Victor Kladov, giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Tập đoàn công nghệ Rostec Nga ngày 14 tháng 2 cho biết Nga bắt đầu sản xuất hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 cho Trung Quốc.
Theo ông Victor Kladov, ngoài Trung Quốc, "còn có một số nước cũng đã bày tỏ nguyện vọng mua sắm S-400 của Nga, nhưng khả năng sản xuất không phải vô hạn".
Tháng 4 năm 2015, phía Nga chính thức tuyên bố đã ký kết hợp đồng về hệ thống S-400 với Trung Quốc.
Nhưng, tổng giám đốc Sergei Sergey Chemezov của Tập đoàn Rostec Nga cho hay: "Chúng tôi có quy định: Trước hết cung cấp vũ khí cho quân đội nước mình, sau đó tiếp tục bán cho Trung Quốc. Rất nhiều bên đặt hàng yêu cầu sớm cung cấp hàng, nhưng chúng tôi sẽ nói trước cho họ về thời hạn và thủ tục - chẳng hạn đối với Trung Quốc là như vậy".
Ông Sergey Chemezov chỉ ra, thời gian nhận được hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Quân đội Trung Quốc "sẽ không sớm hơn năm 2018".
Ngay từ năm 2011 đã có tin đồn cho rằng Trung Quốc có ý định mua sắm vài tiểu đoàn S-400. Năm 2012, nguồn tin từ Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga tiết lộ các cuộc đàm phán liên quan đến mua sắm 1 tiểu đoàn hệ thống S-400 (với 8 thiết bị phóng) đang tiến hành.
Năm 2014, có tin mới là Nga sẽ cung cấp 2 - 4 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc. Điều cần nhấn mạnh là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân bật đèn xanh cho vấn đề này.
Thông tin gần đây cho biết Trung Quốc có thể nhận được 6 tiểu đoàn hệ thống phòng không mới S-400 của Nga, tổng trị giá hợp đồng lên tới 3 tỷ USD.
Điều đáng đề cập đến là bắt đầu từ năm 2007, Quân đội Trung Quốc đã mua sắm 15 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 và 4 hệ thống chỉ huy SU 83M6E2, dùng để bảo vệ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 giúp cho người Trung Quốc không chỉ có thể kiểm soát không phận ở đất liền, mà còn có thể kiểm soát bầu trời Đài Loan và đảo Senkaku.
Đối với Bắc Kinh, S-400 sẽ là đòn đáp trả mạnh mẽ đối với Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đây, ông Donald Trump từng cho hay Washington không nhất định phải kiên trì chính sách "một Trung Quốc", có thể thay đổi quan hệ với Đài Loan.
Chuyên gia Mikhail Alexandrov từ Trung tâm nghiên cứu chính trị quân sự, Học viện quan hệ quốc tế Moscow cho rằng hệ thống S-400 có thể giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế trong không chiến. Kinh nghiệm của Syria cho thấy, hệ thống này thậm chí có thể bắn trúng máy bay chiến đấu F-22 Raptor mới nhất của Mỹ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh.
Ở góc độ thương mại đơn thuần, bán S-400 với số lượng ít sẽ gây bất lợi cho Nga. Nhưng, trong tình hình hiện nay, việc cung ứng hàng lần này có ý nghĩa chính trị quân sự đặc biệt.
S-400 là nhân tố răn đe rất có hiệu quả, đến cả Mỹ cũng buộc phải e dè đối với nó. Trước khi Trung Quốc áp dụng một hành động nào đó, người Mỹ trước hết phải làm tê liệt hệ thống phòng không, trong khi điều này không dễ dàng. Huống hồ, người Trung Quốc sẽ không ngồi chờ chết, điều này có thể tạo ra tổn thất to lớn cho Mỹ.
Trên thực tế, qua đây cho thấy, Nga không dự định chấm dứt quan hệ đối tác với Trung Quốc, bao gồm lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Vì vậy, nếu người Mỹ muốn ly gián giữa Nga và Trung Quốc thì sẽ không làm được – Tân Hoa xã khẳng định.
Hệ thống phòng không S-400 có thể tiêu diệt các mục tiêu khí động học trong phạm vi 400 km và độ cao từ 5 m trở lên, bao gồm tên lửa hành trình, máy bay, đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nó trang bị radar có khoảng cách dò tìm lên tới 600 km, có thể đồng thời sử dụng các loại tên lửa. Hiện nay, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 của Nga đang thực hiện trực ban chiến đấu ở Syria.