Mỹ rụng rời trước 2 đòn hiểm liên tiếp từ Nga

Chỉ trong một ngày, Mỹ và phương Tây đã phải đón nhận 2 tin xấu liên tiếp từ Nga, khiến họ choáng váng. Từ cảm giác choáng váng, phương Tây rơi vào trạng thái tức giận và kinh hoàng bởi điều ác mộng đã thực sự xảy ra. 
Mỹ rụng rời trước 2 đòn hiểm liên tiếp từ Nga

Hai tin “dữ” mà Mỹ và phương Tây phải đón nhận trong ngày hôm qua (13/4) là việc Nga đồng ý bán siêu tên lửa S-400 cho Trung Quốc và việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bàn giao tên lửa thiện chiến S-300 cho Iran. 
  
Báo chí Nga hôm qua đưa tin, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên mua được hệ thống S-400 Triumph tối tân nhất của Nga. Nguồn tin từ báo chí Nga khẳng định, thông tin này do chính Tổng Giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga - ông Anatoly Isaykin tiết lộ với tờ nhật báo Kommersant trong một cuộc trả lời phỏng vấn. 
  
Mặc dù ông Isaykin không cung cấp thêm thông tin chi tiết gì về hợp đồng bán S-400 cho Trung Quốc nhưng chỉ cần nội dung về việc có một hợp đồng mua bán S-400 giữa Nga và Trung Quốc tồn tại đã là điều đủ khiến Mỹ “mất ăn mất ngủ” vì lo ngại. 
  
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao. 
  
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô. 
  
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga trước đây luôn khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga. Tuy nhiên, gần đây, một số quan chức Nga bắt đầu ám chỉ đến khả năng cung cấp thứ vũ khí có một không hai này cho các đối tác thân thiết. 

Người ta cho rằng, mọi việc bắt đầu thay đổi kể từ khi Mỹ cùng các đồng minh phương Tây lập nên một mặt trận thống nhất nhằm chống lại Nga một cách quyết liệt. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên kéo theo một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng chưa từng có kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. 
  
Mỹ và phương Tây ra sức cáo buộc, đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước láng giềng Ukraine và cuộc chiến đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc trên, phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã tìm cách bao vây, cô lập Nga trên mọi mặt trận, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế. 
  
Trước sức ép dồn vây tứ phía, Nga buộc phải có đối sách nhằm chống lại mặt trận phương Tây đang nhằm vào họ. Một trong những chiêu được cho là có sức nặng nhất của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin là việc Nga tìm đến kết thân với Trung Quốc - một nước cũng đang bị Mỹ bao vây, kiềm chế. 
  
Trước đây, Nga và Trung Quốc vốn không hẳn thân thiết, bởi giữa hai nước này thực tế còn tồn tại nhiều sự nghi kỵ lẫn nhau. Nga không hề muốn bán những vũ khí tối tân của họ cho Trung Quốc, Moscow sợ rằng các công nghệ vũ khí hàng đầu của họ sẽ bị phía Trung Quốc sao chép như họ đã từng làm trong quá khứ. 
  
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga-Trung đã bước sang một giai đoạn bước ngoặt kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng lên. Giới chức Nga, Trung liên tục miêu tả mối quan hệ giữa hai nước họ chưa bao giờ tốt đẹp như thời điểm này khi hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và ký được hàng loạt thỏa thuận hợp tác lớn. Việc Nga bán S-400 cho Trung Quốc là một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước này. Moscow đã dùng mối quan hệ với Trung Quốc để làm đối trọng với phương Tây, để chống lại sự o ép của phương Tây và để giảm thiểu ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây. Trong chiến lược này, Moscow đã phải tìm cách ve vãn Trung Quốc và S-400 có lẽ là “phần thưởng” của Nga cho việc Trung Quốc ủng hộ nước này trong cuộc đối đầu với phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 
  
Đương nhiên, hậu quả của việc Nga “thưởng” cho Trung Quốc hệ thống S-400 sẽ không phải là nhỏ bởi Moscow trong quá khứ từng phải hứng chịu quả đắng của việc bán vũ khí tối tân, hiện đại cho Trung Quốc. 
  
Việc Nga dám bán hệ thống S-400 cho Trung Quốc khiến không ít người ngỡ ngàng, choáng váng và thậm chí không tin. Cũng có thể, hé lộ ngày hôm qua của ông Isaykin chỉ là “đòn gió” được Nga tung ra để dọa phương Tây. 
  
Ngoài tin Nga bán S-400 cho Trung Quốc, ngày hôm qua, báo chí Nga cũng đưa tin về sắc lệnh của Tổng thống Putin trong việc dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran. Đây cũng là thông tin khiến phương Tây sốc nặng. 
  
S-300, còn được gọi là SA-20, được xem là một trong những hệ thống tên lửa đối không hiệu quả nhất thế giới. Nó có thể bắn hạ các máy bay chiến đấu và các loại tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp. S-300 với tầm bắn hơn 200km có khả năng theo dõi đồng thời hơn 100 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. Phương Tây luôn nơm nớp lo sợ trước việc Nga bán siêu tên lửa S-300 cho các nước Trung Đông, trong đó có Iran và Syria. 
  
Và Nga đã dùng chính nỗi lo sợ của phương Tây để làm “đòn” đáp trả những gì mà phương Tây đang làm với Nga hiện nay.

Theo: VnMedia