Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chống hạm SeaRAM chống Iran, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc

VietTimes -- Trước sự phát triển vượt bậc của vũ khí chống tàu, tập đoàn Raytheon đã thiết kế và chế tạo hệ thống vũ khí phòng thủ tên lửa chống tàu SeaRAM, nhằm ngăn chặn các phương tiện tấn công chiến hạm nổi có tốc siêu âm và cận âm như tên lửa hành trình, máy bay không người lái và trực thăng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa chống hạm SeaRAM. Ảnh Raytheon
Hệ thống phòng thủ tên lửa chống hạm SeaRAM. Ảnh Raytheon

Hệ thống vũ khí mới của Raytheon cho phép các chiến hạm nổi đánh chặn hiệu quả các mối đe dọa có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho tàu, cơ động với tốc độ siêu âm và cận âm bao gồm vũ khí bay lướt (sea skimming) trên biển, tên lửa chống hạm, xuồng ngư lôi tên lửa cao tốc đến, trực thăng và máy bay chiến đấu cùng các mục tiêu mặt nước khác. 

Raytheon cũng chuyển một mô hình kỹ thuật hệ thống phòng thủ tên lửa chống hạm SeaRAM cho Hải quân Hoàng gia Anh, thử nghiệm khả năng ứng dụng trên chiến hạm vào năm 2001. Cuối năm 2001, tập đoàn Raytheon và Hải quân Mỹ cũng tiến hành thử nghiệm bốn lần phóng đạn đo áp lực của hệ thống vũ khí.

Hệ thống phòng thủ tên lửa SeaRAM là tích hợp và phát triển của hệ thống vũ khí phòng không tầm gần tốc độ cao MK15 Phalanx (CIWS) và hệ thống tên lửa chống tàu có điều khiển RAM, được đưa vào sử dụng năm 1980. Hệ thống SeaRAM là kết hợp độ chính xác vượt trội, phạm vi tấn công mở rộng và khả năng cơ động cao của tên lửa RAM, hơn thế nữa, tên lửa chống tàu được trang bị radar, cảm biến hồng ngoại tìm kiếm và đeo bám độ phân giải cao được kết hớp khả năng phản ứng nhanh, độ tin cậy cao của hệ thống Phalanx Block 1B. 

Raytheon đã thay thế súng ổ quay 20 mm tốc độ cao của hệ thống Phalanx bằng tổ hợp phóng RAM 11 tên lửa. Phiên bản nâng cấp có giá thành không cao, hệ thống SeaRAM có cấu trúc tương tự như hệ thống Phalanx, không làm thay đổi thiết kế boong tàu, sử dụng cùng một nguồn điện tương đương và có yêu cầu nâng cấp chiến hạm ở mức tối thiểu nhất.

Hệ thống vũ khí phòng thủ tên lửa chống hạm SeaRAM có thể được trang bị cho bất kỳ loại hạm tàu nào, được thiết kế để bảo vệ các chiến hạm mặt nước và các phượng tiện đổ bộ đường biển của lính thủy đánh bộ. 

Hệ thống này được lắp đặt và liên kết cùng các hệ thống khác trên boong tàu và có hệ thống nền tảng cơ khí tương tự như Phalanx CIWS, do đó yêu cầu thay đổi cấu trúc của chiến hạm ở mức tối thiểu. 

SeaRAM lắp đặt trên boong có khối lượng khoảng  16.901 lb (7.7 tấn). Hệ thống phòng thủ tên lửa chống tàu tầm gần SeaRAM được trang bị các tên lửa có điều khiển (RAM) mới nhất. RAM có độ tấn công chính xác, phạm vi tấn công xa hơn nhiều so với pháo tự động 6 nòng 20 mm và có khả năng cơ động cao. Hệ thống SeaRAM được tự động hóa cao độ, sử dụng tổ hợp radar tìm kiếm, dẫn bắn và hệ thống cảm biến quang điện tử có độ phân giải cao của tổ hợp Phalanx Block 1B CIWS, cho phép tên lửa RAM phát hiện và đeo bám mục tiêu bằng tần số vô tuyến, hồng ngoại (IR) có độ tin cậy cao, có thể tiêu diệt tất cả các loại vũ khí tiến công trong không trung và trên mặt nước.

Hệ thống SeaRAM sau những thử nghiệm thành công sẽ được trang bị trên tất cả các chiến hạm và tàu đổ bộ, bảo vệ hạm đội Mỹ trước khả năng tấn công của các tên lửa hành trình chống tàu của các đối thủ tiềm năng như Iran, Bắc Triều Tiên, có thể cả Nga và Trung Quốc.

Hệ thống SeaRAM chống tên lửa chống tàu của RayTheon. Ảnh RayTheon
Hệ thống SeaRAM chống tên lửa chống tàu của RayTheon. Ảnh RayTheon
Hệ thống SeaRAM phòng thủ tên lửa chống tàu Raytheon. Video Raytheon