Theo các quan chức trên, họ đã và đang theo dõi 3 chiếc tàu chiến, một tàu tiếp tế, và một tàu đổ bộ, mà trong vài ngày qua đã tiến vào vùng biển Bering. Các quan chức Mỹ đã từ chối cho biết các tàu này hoạt động cách bờ biển nước Mỹ bao xa, nhưng nhấn mạnh rằng chúng vẫn ở ngoài vùng biển quốc tế.
"Đây sẽ là lần đầu tiên các tàu chiến Trung Quốc hoạt động tại vùng biển giáp với quần đảo Aleutian", một quan chức quốc phòng Mỹ nói với tờ tạp chí Phố Wall. Tuy nhiên, ông không cho rằng động thái này là một mối đe dọa.
Sự việc này diễn ra chỉ vài giờ trước khi một cuộc diễu binh quy mô lớn sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh để kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới II, trong đó, nước này sẽ giới thiệu một loạt các loại vũ khí quân sự mới.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng có thể sẽ có một số cách để giải thích sự hiện diện của các tàu hải quân Trung Quốc tại khu vực này. "Thật khó để nói chính xác, nhưng nó cho thấy có một số lợi ích liên quan tới khu vực Bắc Cực", quan chức trên cho biết.
Động thái này diễn ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, với dự định sẽ bàn về những tác động của sự ấm lên của trái đất, băng tan nhanh và một số quốc gia đang tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển Bắc Cực giàu năng lượng. Mỹ, Canada, Na Uy, Nga và Đan Mạch, đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này.
Động thái này cũng có thể được xem như là một phản ứng logic với sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, và đặc biệt là tại Biển Đông. Washington đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự hoạt động bất thường của các tàu trên.