Truyền thông Trung Quốc dẫn báo chí Mỹ ngày 6/12 cho rằng Trung Quốc luôn tìm cách thúc đẩy để có được địa vị kinh tế thị trường khi tròn 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/12/2016. Nhưng, nhìn vào thái độ của Mỹ, EU và Nhật Bản hiện nay, Trung Quốc hiện khó có thể có được sự thừa nhận này.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker tuần trước cho biết hiện nay “chưa chín muồi” để thay đổi điều kiện pháp lý đánh giá địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc. Trong các quy tắc thương mại quốc tế cũng không có bất cứ điều khoản nào yêu cầu Mỹ thay đổi phương pháp tính thuế chống bán phá giá.
Penny Pritzker cho hay đánh giá địa vị kinh tế thị trường được tiến hành dựa trên các điều khoản liên quan rất chặt chẽ. "Hiện nay muốn chúng tôi thay đổi điều kiện pháp lý thì vẫn chưa chín muồi".
EU hiện hầu như cũng không vui mừng với việc thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc. Tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ dẫn lời Edwin Fiermarst thuộc Văn phòng luật sư Brussels cho rằng Trung Quốc không có nhiều khả năng được thừa nhận.
Theo Edwin Fiermarst, áp lực lớn nhất hiện nay của EU đến từ các nước miền nam EU và một số ngành công nghiệp yêu cầu phải thực hiện chính sách bảo hộ, họ yêu cầu duy trì, thậm chí tăng mức thuế.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu thông qua một văn kiện, chuẩn bị sửa đổi khung pháp lý của EU về chống bán phá giá và chống trợ cấp nhằm tăng cường các quy định có liên quan.
Hồi tháng 5/2016, các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết với số phiếu đa số, đã từ chối thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc.
Nghị quyết đã đề cập đến vấn đề khả năng sản xuất sắt thép dư thừa của Trung Quốc và xuất khẩu giá rẻ đối với châu Âu, chẳng hạn xuất khẩu sắt thép giá rẻ đối với Anh làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của toàn bộ ngành sắt thép Anh, đe dọa hàng chục nghìn cương vị việc làm.
Nghị quyết còn cho rằng Trung Quốc sản xuất quá mức và xuất khẩu giá rẻ đã gây hậu quả nghiêm trọng về xã hội, kinh tế và môi trường đối với EU.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU. Mặc dù nghị quyết của Nghị viện châu Âu không có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng nếu như Ủy ban EU muốn thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc, cần phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thông qua.
Tờ The Nikkei Asian Review cho hay Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị hình thành lập trường thống nhất với Mỹ và châu Âu trong vấn đề phải chăng thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc.
Trung Quốc nếu không thay đổi chính sách, Chính phủ Nhật Bản không có kế hoạch dành sự thừa nhận này đối với Trung Quốc trong khuôn khổ WTO.
Lập trường này sẽ làm cho Nhật Bản có thể sử dụng các biện pháp hiện có để đối phó với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.
Phải chăng thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc rất quan trọng đối với cả Trung Quốc và các nước phương Tây. Là nền kinh tế chưa được thừa nhận địa vị "kinh tế thị trường", Trung Quốc ở vào vị thế rất bất lợi khi ứng phó với các biện pháp trả đũa chống bán phá giá của các nước khác.
Khi xem xét Trung Quốc có các hành vi phá phá giá hay không trong việc xử lý các vụ kiện loại này, WTO hoàn toàn không xem tình hình giá cả thị trường ở Trung Quốc, mà là tiến hành phán quyết dựa trên giá cả thị trường của nước thứ ba tương tự Trung Quốc. Một khi phán quyết khẳng định Trung Quốc bán phá giá thì hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị trừng phạt với thuế cao.
Tờ The Nikkei Asian Review cho rằng Trung Quốc đã cho biết muốn tiến hành trả thù đối với những nước đánh thuế cao, không thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc.
Ngày 10/11/2001, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư của WTO tổ chức ở thủ đô Doha của Qatar đã thông qua quyết định đểTrung Quốc gia nhập WTO. Trong mười mấy năm sau đó, thương mại với bên ngoài của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, đến năm 2015 vượt Mỹ trở thành nước lớn xuất khẩu đứng đầu thế giới.