Mỹ hy vọng đạt thỏa thuận về lá chắn tên lửa với Nga
Ngày 13-5, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Rose Gottemoeller nói rằng, Washington hy vọng trong tương lai gần sẽ tái ký kết với Moscow văn kiện về hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa - một vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi giữa hai nước.
Trả lời phỏng vấn của tờ "Kommersant"-Nga về câu hỏi: Liệu hai nước có thể ký kết thỏa thuận nào đó trong tương lai về hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa hay không, bà Gottemoeller cho rằng “điều này là có thể”, nếu hai bên tiếp tục đưa ra những nỗ lực hóa giải căng thẳng.
Đồng thời, bà Gottemoeller cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện có rất nhiều nước đã sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa, Mỹ không có khả năng mở rộng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đang còn rất hạn chế của mình trên phạm vi toàn cầu.
Washington đưa ra cam kết rằng việc Hoa Kỳ xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu không nhằm chống lại Moscow, mà nhằm để bảo vệ cả Nga và châu Âu trước những mối đe dọa mới, đồng thời cho rằng sự hợp tác giữa hai nước cần phải duy trì ở cấp độ cao hơn.
Tuy nhiên, Moscow coi kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa NMD của Mỹ tại châu Âu là sự đe dọa và đòi hỏi củng cố những tuyên bố trên về mặt pháp lý, tuy nhiên đã bị từ chối. Và Mỹ vẫn liên tiếp triển khai các hệ thống này ở các nước châu Âu, nhằm vào Nga.
Để đáp trả lại, Nga đã tăng cường xây dựng năng lực xuyên phá cho lực lượng tên lửa chiến lược, phát triển hàng loạt siêu tên lửa đạn đạo như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava, tổ hợp tên lửa đạn đạo trên xe cơ động Rubezh hay Sarmat, tái sản xuất máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack…
Đồng thời Nga vẫn bảo lưu và củng cố kho đầu đạn hạt nhân của mình. Theo ước tính, hiện Moscow còn có tổng cộng 8500 đầu đạn hạt nhân lắp đặt trên các phương tiện phóng là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom chiến lược và các tổ hợp tên lửa liên lục địa phóng từ hầm phóng hay cơ động.
Về so sánh tương quan lực lượng hạt nhân giữa hai cường quốc, các chuyên gia quân sự thống nhất nhận định, thực lực hạt nhân của Nga vượt trội Mỹ - hiện vẫn sở hữu tới 7700 đầu đạn nhưng phần nhiều không còn sẵn sàng chiến đấu và những trang, thiết bị phóng nghèo nàn hơn.
NATO không muốn leo thang quân sự với Nga
Kể từ sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế và nội chiến ở miền đông nước này, quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang ngày càng tồi tệ. Hai bên liên tiếp đưa ra các thông điệp và động thái mang tính trả đũa nhau.
NATO cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai Donbass, thậm chí tung quân vượt biên giới sang miền đông Ukraine. Ngược lại, Moscow cũng “hạch tội” NATO cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho Kiev, đồng thời làm ngơ trước việc lính đánh thuê nước ngoài trong quân chính phủ Ukraine.
Nga-NATO cũng tăng cường tổ chức các cuộc tập trận sát biên giới hai bên, dẫn đến tình hình căng thẳng tột độ, thậm chí đã có lúc xuất hiện những lo ngại về một cuộc xung đột quân sự Nga-NATO. Các chuyên gia quốc tế đã bàn về những dấu hiệu cho thấy, “Chiến tranh lạnh 2” đã manh nha quay lại.
Bàn vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai ý tưởng xây dựng một “Đường dây nóng Nga-NATO” và cho rằng, nó sẽ giúp hai bên tránh được những đánh giá sai lầm về tín hiệu các bên đưa ra trong hành động của mình.
"Tôi rất vui mừng rằng đề xuất này không chỉ được chấp nhận mà còn đang được thực hiện. Đây không phải là một bước đột phá, nhưng nó giúp chúng ta ở một mức độ nào đó tránh khỏi sự sai lệch tín hiệu các bên đưa ra, tránh leo thang căng thẳng" - RIA Novossti dẫn lời Ngoại trưởng Đức Steinmeier.
Theo ông, đây không phải là một bước đột phá trong quan hệ Nga-NATO, nhưng sẽ thiết lập được một cơ chế mà trong đó cả hai bên đều biết quyền lợi của mình được tôn trọng. Khi đường dây này được kết nối, ít nhất sẽ xuất hiện cơ hội và thời gian làm rõ các tranh chấp và tránh phản ứng thái quá có thể dẫn tới xung đột quân sự.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, NATO và Bộ quốc phòng Nga duy trì một kênh liên lạc thường xuyên, chỉ huy tối cao của lực lượng NATO ở châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO có quyền truy cập vào các cuộc đàm phán với đồng nghiệp Nga.
Theo: An ninh Thủ đô