Khi Trung Quốc đã bồi đắp hơn 800 ha đảo nhân tạo trên huyết mạch vận tải thương mại quốc tế với trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm, nước Mỹ đã chuyển sự quan tâm vào những lợi ích thực sự của mình tại biển Đông.
Bằng cách nào ngăn chặn sự lộng hành vượt mọi khuôn khổ của Luật pháp quốc tế trên biển Đông ? Sau đây là phân tích của giáo sư James Holmes - chuyên gia hàng đầu thế giới về địa chính trị quốc tế.
Làm thế nào Mỹ và các quốc gia thân thiện có thể thách thức những đòi hỏi “chủ quyền” vượt quá khuôn khổ luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông. Câu trả lời là bằng phương pháp triển khai các đòn tấn công ngoại giao nhỏ liên tiếp.
Đưa ra tuyên bố cứng rắn: không ai có quyền đơn phương ngăn chặn tự do trên biển, đồng thời biến Trung Quốc trở thành cường quốc luôn tìm cách bắt nạt những nước nhỏ yếu hơn. Phương pháp phối hợp đó là “hai trong một”!
Bắc Kinh luôn sử dụng lực lương phi quân sự với sức mạnh hải quân hùng hậu phía sau để bảo vệ những tuyên bố về “chủ quyền phi pháp” của mình. Họ đã đưa lực lượng gồm số lượng lớn tàu cảnh sát biển "tàu vỏ trắng" và các nhóm tàu thực thi pháp luật vào hoạt động mạnh mẽ tại các vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, lực lượng hải quân và cảnh sát biển của khu vực Đông Nam Á quá thưa thớt về số lượng và quá thiếu trang bị chống lại các tàu “vỏ trắng” Trung Quốc.
Những tàu "chấp pháp" của Trung Quốc này có thể đâm húc, tấn công bằng vòi rồng hoặc chiếm lĩnh ngăn chặn trong một khu vực lớn. Và lực lượng hàng hải của Trung Quốc thường giành phần thắng bởi trọng lượng của thép, chứ không phải bằng sức mạnh của hỏa lực pháo binh, tên lửa.
Với các nước có tranh chấp với Trung Quốc, đây thực sự là điều tồi tệ nhất. Các nước này sẽ thiệt hại nặng nề nếu đưa lực lượng hải quân ra xua đuổi các hạm tàu phi quân sự, hoặc tàu cá “dân sự” của Bắc Kinh.
Họ sẽ bị miêu tả như là kẻ gây sự nếu triển khai các hạm tàu được trang bị vũ khí như pháo và tên lửa. Động thái này sẽ trở thành cái cớ biện minh cho một cuộc tấn công lớn của Trung Quốc sau đó. Khi ấy, tình huống đã vượt khỏi tầm kiểm soát và trở lên vô cùng tồi tệ.
Giáo sư James Holmes đề cập đến 5 phương pháp liên kết phối hợp nhằm tăng cường sức mạnh các quốc gia Đông Nam Á, làm thất bại những hành động bạo lực cực đoan của Trung Quốc trên biển Đông:
Gia tăng ngoại giao LCS (tàu tác chiến ven bờ)
Những khu trục hạm hạng nhẹ của Mỹ - định danh Littoral Combat Ship – thuộc chương trình phát triển tàu khu trục tuần biển có thể là phương tiện nền tảng cơ bản lý tưởng cho sứ mệnh này. Các chiến hạm nhẹ thế hệ mới này không phải là những tàu có tải trọng lớn dùng để đối đầu với hạm đội của đối phương theo nhiệm vụ của hải quân.
Các LCS được phát triển trong thời bình, trang bị các loại vũ khí hạng nhẹ để không trở thành biểu tượng của chủ nghĩa bá quyền Mỹ, hay tâm lý Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, những chiến hạm này đủ bền vững và trang bị đủ mạnh để không có “tàu vỏ trắng” nào của Trung Quốc có thể gây rắc rối khi va chạm.
Bắc Kinh sẽ phải đưa các khu trục hạm của hải quân để đối phó với các LCS. Ai là kẻ hung bạo khi Trung Quốc vung "dùi cui lớn" đầu tiên? Sứ mệnh đưa những LCS vào các nước Đông Nam Á cần được các quan chức ngoại giao đặt ra trong các hoạt động đối ngoại châu Á.
Huy động cảnh sát biển Mỹ vào cuộc
Trung Quốc không phải là nước châu Á duy nhất đưa vào vùng biển cả liên đoàn "tàu vỏ trắng" đa dụng. Tương tự như các lực lượng bảo vệ pháp luật hàng hải khác, Cảnh sát biển Mỹ (US Coast Guard) cũng có nhiệm vụ chủ chốt là giám sát lãnh hải của đất nước và vùng đặc quyền kinh tế.
Nhưng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Cảnh sát biển Mỹ cũng là một lực lượng hoạt động ở nước ngoài. Cụ thể là hỗ trợ trú ẩn tạm thời và tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn và bắt giữ những kẻ buôn lậu, cũng như những loại tội phạm khác. Trong thời gian chiến tranh, Cảnh sát biển sáp nhập vào Hải quân Hoa Kỳ và trở thành lực lượng thê đội II.
Đưa tàu cảnh sát biển Mỹ vào biển Đông sẽ giúp gia tăng sức mạnh đối đầu với những tuyên bố “bạo lực” từ phía Trung Quốc. Các đơn vị tăng cường của Cảnh sát biển Mỹ sẽ tham gia tuần tra chung trên những hạm tàu Cảnh sát biển các nước khu vực Đông Nam Á. Đồng thời gia tăng quảng bá sự hiện diện này sẽ đạt được rất nhiều mục đích. Trong đó có mục đích kiềm chế các hoạt động bạo lực của “tàu vỏ trắng” hoặc ngư dân Trung Quốc.
Tàu "vỏ trắng" Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam
Cần phải gia tăng sự hiện diện của Cảnh sát biển Mỹ trên những tuyến vận tải thương mại biển châu Á. Bao gồm mua sắm thiết bị dân sự dành cho các hoạt động hỗ trợ của chính phủ, như các xuồng cao tốc. Hãy sơn các xuồng này với màu sắc đỏ sẫm, trắng, màu xanh của Cảnh sát biển Mỹ, đặt các xuồng cao tốc này lên các hạm tàu đang hoạt động trong vùng tranh chấp.
Mỹ cần đàm phán với các nước Đông Nam Á về lựa chọn này. Các cơ quan chính phủ không phải lần đầu tiên mua phương tiện dành cho các hoạt động đảm bảo an ninh và điều này cũng đã được thực hiện nhiều lần với các lực lượng hải quân châu Á.
Sử dụng "chiến tranh truyền thông"
Đòn tấn công nhỏ nhưng công bố thông tin trên diện rộng là nguyên tắc định hướng cho hoạt động này. Những cuộc đấu tranh tuyên truyền của Đông Nam Á thụ động và kém hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Cần phải tuyên truyền thật sự thuyết phục và phải đưa thật sâu vào sự kiện.
Tại sao Manila trong các hoạt động ngoại giao nên sử dụng báo điện tử New York Times để đưa phóng sự ảnh về quân đội Philippines đang neo đậu trên vùng nước quốc gia Ayungin Shoal đang có những tranh chấp với Trung Quốc, thay vì truyền thông trong nước ?
Tại sao lại quá khó khăn để tìm thấy hình ảnh thực tế tình hình ở bãi cạn Scarborough ? Những thông tin này cần phải có ở khắp mọi nơi.
Lực lượng hải quân và không quân Mỹ không được lặp lại những sai lầm này. Các lực lượng phải thu thập và lưu trữ mọi tài liệu khi có những hoạt động đối đầu với không quân, hải quân Trung Quốc. Các tài liệu phải có đầy đủ dũ liệu về bản đồ, GPS và các thông tin khác về hoạt động của Mỹ.
Chỉ như vậy đại diện Lực lượng vũ trang, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ mới có khả năng trả lời trung thực và thuyết phục về việc Trung Quốc chỉ cung cấp thông tin và tuyên bố một chiều trong lợi ích của họ. Hãy để cộng đồng thế giới có sự lựa chọn để tin rằng bộ máy truyền thông Trung Quốc đang lừa dối cả thế giới và chính người dân nước mình.
Dùng "vũ khí" Luật biển quốc tế
Trung Quốc thường xuyên nhảy bổ vào tấn công Mỹ ngay lập tức sau khi có những cuộc đối đầu, va chạm trên không hoặc trên biển. Điều đó cho thấy những phát ngôn viên Trung Quốc biết phải nói gì ngay lập tức. Họ có một định hướng tuyên truyền rõ ràng: đó là Trung Quốc luôn đúng, Mỹ chắc chắn là sai. Và sau đó bồi thêm các sự kiện cho các tuyên bố sau này.
Hải quân Mỹ tuân thủ theo quy tắc nhất định, và thường là mất thời gian để nghiên cứu các sự kiện, sau đó đưa ra thông báo chính thức căn cứ vào các quy định pháp luật quốc tế. Trong thời gian đó Bắc Kinh đã chiếm được thượng phong trong sự cố xảy ra. Cần nhớ rằng: đây là một cuộc chiến với Trung Quốc, không phải là một cuộc thảo luận vô tư về những vấn đề pháp lý.
Hãy suy nghĩ theo định hướng này và hiệu quả những hoạt động của Mỹ sẽ được cải thiện trên công luận. Phát ngôn viên Mỹ, vốn thành thạo luật biển và vai trò quốc tế của Mỹ trong sứ mệnh giám sát tự do hàng hải, sẽ có có vị thế cao hơn những tuyên bố của Bắc Kinh nếu có những phản ứng nhanh nhạy.Tốc độ chính là hiệu quả.
Hải hành với một chiếc "dùi cui lớn"
Bắc Kinh hiểu rất rõ thủ đoạn đối phó với những cuộc tấn công ngoại giao nhỏ thường gắn liền với cây gậy lớn răn đe quân sự. Những đối thủ trong tranh chấp của Trung Quốc biết rõ, ngay sau khi họ gây khó khăn cho Trung Quốc bằng một đòn công kích ngoại giao nhỏ - Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng một đe dọa lớn, được thể hiện trong lực lượng hạm tàu hải quân, các phi đoàn máy bay chiến đấu, và lực lượng tên lửa răn đe chiến lược.
Đối với các quốc gia khu vực, vô hiệu hóa sức mạnh quân sự vượt trội của Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng và cũng là một hình thức răn đe, kiềm chế. Cần tổ chức lại lực lượng Không quân, Hải quân Mỹ quanh vành đai Biển Đông, đàm phán với các quốc gia để có một vị trí – căn cứ chiến lược bên ngoài Úc hoặc bất cứ một nước nào liên quan.
Tiếp tục xây dựng liên minh kinh tế, chính trị và quân sự, phát triển sức mạnh của các đồng minh để đối mặt với Bắc Kinh là những bước đi cần thiết. Đó có là một yêu cầu quá cao? Có thể. Nhưng đó là lý do tại sao các nhà ngoại giao và các quan chức hải quân được trả lương cao. Vì vậy, hãy thực hiện chúng!
* Tác giả James Holmes là giáo sư về Chiến lược của trường đại học Chiến tranh hải quân Mỹ (Naval War College), chuyên gia nổi tiếng về địa chính trị quốc tế và là đồng tác giả của cuốn Sao đỏ trên Thái Bình Dương, một trong những cuốn Sách hay nhất năm 2010 . Ông còn là người phụ trách chuyên mục an ninh quốc gia của RCD’s.
Theo: QPAN