Binh sĩ lực lượng tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc. |
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 16/8 dẫn tờ nguyệt san The National Interest Mỹ ngày 12/8 đăng bài viết "Hải quân Mỹ thật sự có thể đánh bại tàu ngầm của Nga và Trung Quốc?" của tác giả Dave Majumdar.
Bài viết cho rằng mặc dù Hải quân Mỹ đã tiếp tục dẫn trước Nga, mối đe dọa tàu ngầm không ngừng tăng mạnh của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, nhưng khả năng tác chiến săn ngầm của Hải quân Mỹ đã bị suy yếu rất lớn.
Thực lực tổng hợp của hạm đội tàu ngầm Nga và Trung Quốc hiện nay cho dù cộng lại cũng sẽ không thể bằng khả năng của Hải quân Liên Xô trước đây. Trước khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, họ sở hữu khoảng 240 tàu ngầm.
Thượng tá hải quân về hưu Mỹ Jerry Hendriks, hiện là người đứng đầu của chương trình đánh giá và chiến lược quốc phòng thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng: "Nga tiếp tục thúc đẩy một loạt cải tiến công nghệ. Những công nghệ cải tiến này xuất hiện vào lúc Liên Xô sụp đổ, nhưng Nga không thể tận dụng nó do ngân sách hạn chế".
Jerry Hendriks nói: "Tuy nhiên, Mỹ và các đối tác liên minh đã bị phân tâm bởi cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, từ đó làm cho khả năng tác chiến săn ngầm của bản thân từng bước yếu đi".
Một bản báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng Hải quân Nga hiện nay sở hữu tổng cộng khoảng 56 tàu ngầm - bằng khoảng 1/5 quy mô lực lượng tàu ngầm thời đại Liên Xô.
Ngoài ra, chính như nhà nghiên cứu Mike Coffman đã chỉ ra, Nga nhiều nhất chỉ có một nửa hạm đội tàu ngầm có thể đưa vào triển khai hành động.
Một ví dụ được dẫn ra trong báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế là, về danh nghĩa, Hạm đội Phương Bắc Nga vận hành 42 tàu ngầm, nhưng trên thực tế chỉ có 22 - 31 tàu ngầm có thể đưa vào triển khai hành động.
Đồng thời, ở bên kia thế giới, Hải quân Trung Quốc sở hữu trên 70 tàu ngầm, hơn nữa quy mô này đang mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, chất lượng tàu ngầm Trung Quốc lạc hậu so với Mỹ hoặc Nga.
Ngày 25/2, tại Tiểu ban Các lực lượng trên biển và điều động binh lực của Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ, Joseph Mulloy, Phó Bộ trưởng Bộ Tác chiến Hải quân Mỹ phụ trách tích hợp thực lực và nguồn lực cho biết, Trung Quốc sở hữu ít nhất 70 tàu ngầm, hơn nữa họ còn đang chế tạo tàu ngầm mới; đồng thời, Nga cũng đang chế tạo tàu ngầm mới, hơn nữa tàu ngầm họ chế tạo tiên tiến hơn nhiều.
Mặc dù từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh cho đến nay, mối đe dọa tàu ngầm của Hải quân Mỹ luôn tăng mạnh, nhưng vấn đề thực sự là khả năng tác chiến săn ngầm của Hải quân Mỹ ngày càng yếu đi, quy mô của lực lượng tàu ngầm tấn công cũng giảm mạnh.
Hải quân Mỹ sở hữu khoảng 52 tàu ngầm tấn công, đồng thời đã cho biết tiếp tục có nhu cầu 48 chiếc. Đến trước năm 2029, tàu ngầm tấn công Hải quân Mỹ có thể nhận được là 41 chiếc.
Nhưng nhà lãnh đạo Hải quân Mỹ thừa nhận, xác định số lượng 48 tàu ngầm tấn công là quá thấp. Họ đang nghiên cứu làm thế nào để tăng con số này lên. Nhưng Hải quân Mỹ hầu như không có phương án lựa chọn nào để tăng số lượng tàu ngầm trong hạm đội của họ.
Tuy nhiên, cùng với Nga và Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động dưới lòng biển khơi, Hải quân Mỹ cảm nhận được sức ép do khả năng tác chiến săn ngầm của họ yếu đi.
"Trung Quốc và Nga trước mắt đều hài lòng với việc trở thành nước lớn khu vực, cho nên mặc dù lực lượng tàu ngầm của họ khá nhỏ hoặc khả năng tương đối kém, nhưng họ có thể phá hoại kế hoạch hành động của Hải quân Mỹ.
Bởi vì Mỹ là nước lớn toàn cầu, Mỹ dành phần lớn thời gian cho triển khai ở tuyến đầu, Mỹ có lợi ích quốc gia đã xác định ở khoảng 19 vùng biển trên thế giới.
Hơn nữa Nga hoặc Trung Quốc chỉ cần điều vài tàu ngầm đến vùng biển mà tàu Mỹ (từ tàu tuần duyên đến siêu tàu sân bay) đang hành động. Điểm này Mỹ đã chú ý tới" - Jerry Hendriks nói.
Mặc dù hạm đội Nga là lực lượng đang được khôi phục, tiếp tục cho thấy sức sống rõ rệt, nhưng họ chỉ là cái bóng của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đồng thời, Hải quân Trung Quốc có quy mô lực lượng tàu ngầm khổng lồ, nhưng công nghệ của họ tương đối lạc hậu, họ còn có một đoạn đường cần phải đi trước khi có thể chống lại người có "tai to mặt lớn" như Nga.
Đối với Mỹ và NATO, nói vấn đề của họ là sự phục hưng của hạm đội Nga (hoặc sự bành trướng của hạm đội Trung Quốc), không bằng nói là phương Tây thiếu khả năng tác chiến săn ngầm. "Điều làm xuất hiện vấn đề chính là bản thân Mỹ đã làm suy yếu khả năng tác chiến săn ngầm của mình" - nhà nghiên cứu Mike Coffman kết luận.