Đã ba năm kể từ khi sáp nhập Crimea và chiến sự ở miền đông Ukraine nổ ra, cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn và khiến nhiều người dân thiệt mạng. Trước tình trạng xung đột kéo dài dẫn đến quá nhiều thiệt hại và thương vong này, phương Tây tố cáo đến đầu năm nay lực lượng thân Nga dường như đã mạnh bạo hơn khi tăng cường tấn công pháo binh và tên lửa, thực hiện các chiến dịch quy mô lớn ở Donbass. Điều này cho thấy không còn hạn chế xung đột trên chiến trường Donbass nữa.
Vụ nổ kho súng đạn lớn ở gần Kharkov hồi tháng 3 vừa qua đã khiến 20.000 dân phải di tản. Và chiến dịch mùa hè mới đây ở Donbass kết hợp với tấn công mạng đã làm tê liệt các cây rút tiền ATM ở Ukraine và các hệ thống xăng dầu, ảnh hưởng đến hàng chục ngàn máy tính trên toàn thế giới.
Ngoài những hành động này, tình báo phương Tây còn cáo buộc rằng Nga còn cố gắng mua chuộc các nhà chức trách ở Ukraine và can thiệp sâu hơn vào nội bộ nước này. Mỹ và phương tây luôn tố cáo Kremlin tìm cách duy trì xung đột tiếp tục sôi sục ở Donbass để nuôi dưỡng sự bất mãn chính trị, trong khi đó lại ra sức lôi kéo các nhà chính trị tham lam của Ukraine để cố gắng thay đổi định hướng địa chính trị của chính quyền Kiev.
Chiến lược này trên thực tế hoàn toàn có thể thực hiện được. Tổng thống Ukraine hiện nay, ông Petro Poroshenko, đã mất vị trí số một vào tay Thủ tướng Yulia Tymoshenko trong các cuộc thăm dò. Nếu Mátxcơva bỏ tiền vào cuộc bầu cử quốc hội sắp tới của Ukraine, ai cũng sẽ đoán được mọi việc sẽ đi về đâu. Nếu như Nga thực sự can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ thì có vẻ Nga cũng sẽ không khó khăn khi vươn cánh tay đến Kiev, báo Mỹ nhận định.
Cho dù có thông tin về việc Nga muốn lật đổ Ukraine từ bên trong nhưng phương tây thừa nhận Kremlin cũng vẫn tiếp tục duy trì nỗ lực tìm kiếm giải pháp giải quyết xung đột ở Donbass bằng cách đàm phán. Diễn đàn chính cho các cuộc thảo luận này là “ cơ chế Normandy” với sự tham gia của các lãnh đạo đến từ Pháp, Đức, Ukraine và Nga.
Sau phiên họp ngày 24/7 với sự tham gia lần đầu tiên của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và sự xuất hiện của ông Kurt Volker, đặc phái viên mới của Mỹ về vấn đề Ukraine, Mátxcơva tiếp tục thể hiện rằng lựa chọn đàm phán là hoàn toàn khả thi.
Lãnh đạo khu vực ly khai Donetsk, ông Aleksandr Zakharchenko, đã sử dụng cụm từ “Malorossiya” để hướng tới việc hình thành một nhà nước Ukraine không còn Crimea nhưng thủ đô đặt tại Donetsk. Đây rõ ràng là một giấc mộng, nhưng nó cũng thể hiện mong muốn của Nga nhằm tìm kiếm một giải pháp để vẫn duy trì đất nước Ukraine bao gồm cả các khu vực đang có xung đột Donetsk và Luhansk. Ông Sergei Tsekov, đại diện cho Crimea ở Hội đồng Liên bang Nga cho rằng việc thành lập một nhà nước Malorossiya sẽ là một bước tiến tới liên bang hóa Ukraine.
Để đổi lấy sự chấp nhận của phương Tây đối với việc thành lập một nhà nước nhỏ bán tự trị ở Donbas - tương tự như Cộng hòa Srpska ở Bosnia và Herzegovina - Mátxcơva chắc chắn sẽ hứa sẽ rút quân khỏi Donbass, đưa vũ khí hạng nặng ra khỏi Đường kiểm soát, và ngăn chặn việc vi phạm ngừng bắn, giúp "đóng băng" cuộc xung đột.
Theo phía Kremlin, kịch bản thiết lập Malorossiya sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và sẽ giúp chấm dứt xung đột. Tuy nhiên đối với Ukraine, điều này đồng nghĩa với việc bị mất chủ quyền và sẽ ngăn cản tương lai hội nhập châu Âu cũng như NATO của nước này. Giới phân tích cho rằng một khi Nga theo đuổi kịch bản này và phương Tây vẫn không chấp nhận thì máu và súng đạn vẫn sẽ tiếp tục tàn phá mảnh đất Ukraine.
Theo Defense One, lúc này Mỹ có thể đưa ra một số hành động làm thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sắp tới thăm Ukraine, Mỹ có thể tăng cường hiệu quả của chuyến thăm này bằng các biện pháp sau:
(1) Tuyên bố rằng Lầu Năm Góc sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng thủ và huấn luyện quân đội để Kiev có thể tự phòng vệ tốt hơn trước nguy cơ tấn công từ Nga.
(2) Ép Thủ tướng Groysman và Tổng thống Poroshenko tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng và cho phép Cục Phòng Chống Tham nhũng quốc gia thực hiện nhiệm vụ của mình mà không bị cản trở.
(3) Giúp Ukraine thiết lập một chiến lược thu hút đầu tư cần thiết để ngành công nghiệp quốc phòng của nước này có thể sản xuất và thậm chí xuất khẩu vũ khí và đạn dược.
Đầu tiên, Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng thủ. Chuyến thăm của ông Mattis là cơ hội tuyệt vời để tuyên bố rằng Mỹ đang đi ngược lại lệnh cấm vận vũ khí trên thực tế với Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí phòng thủ để Ukraine có thể chống lại các cuộc tấn công của lực lượng thân Nga. Quân đội Ukraine cần các tên lửa chống tăng và tên lửa chống tàu, các phương tiện liên lạc an toàn hơn, các thiết bị không người lái tiên tiến có thể chống lại các biện pháp gây nhiễu của Nga.
Vì cáo buộc Nga đang tăng cường các hoạt động ở Ukraine, Defense One cũng cho rằng Mỹ nên chia sẻ thông tin tình báo chặt chẽ hơn với cơ quan tình báo quân đội của Ukraine. Ông Mattis cũng tuyên bố Mỹ trao cho Ukraine vị thế đồng minh lớn không nằm trong NATO, dù chỉ là động thái mang tính biểu tượng nhưng Mỹ chắc chắn sẽ ưu tiên hỗ trợ an ninh và các hỗ trợ khác cho Ukraine.
Defense One cũng gợi ý ông Mattis về tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine theo Đạo luật phòng thủ quốc gia sắp tới. Mức 150 triệu USD là chưa đủ để bảo vệ một đất nước trong cuộc chiến với nước láng giềng mạnh gấp nhiều lần như Nga.
Một lĩnh vực nữa cũng được gợi ý là Mỹ nên giúp tái xây dựng hải quân Ukraine. Sau vụ sáp nhập năm 2014, Nga đã triệt tiêu mọi sự hiện diện hải quân của Nga ở bán đảo Crimea, khiến Ukraine không thể kiểm soát hữu hiệu hàng trăm km biển tiếp xúc trực tiếp với Biển Đen và Biển Azov.
Trong khi các hỗ trợ an ninh hiện nay của Mỹ mới chỉ tập trung vào lực lượng trên bộ chiến đấu ở Donbass, Ukraine rất cần hỗ trợ thêm để xây dựng hạm đội nhỏ nhưng đủ để ngăn chặn hoạt động tấn công lên bờ biển nước này. Chương trình huấn luyện quân đội Ukraine hiện nay của Mỹ (hành động hỗ trợ hiệu quả nhất) nên được mở rộng, từ huấn luyện chiến thuật sang đào tạo sử dụng phối hợp vũ khí phức tạp.
Lĩnh vực lớn thứ hai báo Mỹ khuyên nên theo đuổi là tạo áp lực lên lãnh đạo Ukraine nhằm chống tham nhũng và trao quyền cho Cục phòng chống tham nhũng quốc gia hành động.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống tham nhũng nhưng công chúng Ukraine vẫn đang chờ đợi các nhân vật cấp cao bị truy tố và thu hồi tài sản. Ukraine cần tạo ra các tòa án chống tham nhũng độc lập và đáng tin cậy, không bị can thiệp chính trị và dám đứng ra xét xử các nhân vật cấp cao. Chính quyền Ukraine cần phải mạnh tay “cho roi cho vọt” để làm trong sạch bộ máy, tạo điều kiện đưa ra xét xử những nhân vật cấp cao để ngăn chặn tình trạng tham nhũng.
Nỗ lực thứ ba liên quan đến hai nỗ lực trên, đó là tái thiết lập ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine bằng cách cải thiện quản trị doanh nghiệp và chống tham nhũng trong ngành quốc phòng. Đây sẽ là cuộc cải cách từ gốc đến ngọn của công ty quốc phòng nhà nước Ukraine, Ukroboronprom với 80.000 nhân công trên 130 doanh nghiệp nhỏ.
Một điều đáng mừng cho Ukraine là nước này có tiềm năng để trở thành một nước sản xuất vũ khí và quả thực Ukraine đã sản xuất động cơ trực thăng và máy bay tầm cỡ thế giới, máy bay vận tải, máy bay không người lái, pháo và một loạt các thiết bị phòng vệ IT khác.
Ukraine cũng có tiềm năng nghiên cứu khoa học, máy tính và kỹ thuật, có nguồn nhân lực trình độ cao, cho dù tình trạng chảy máu chất xám ở nước này cũng hết sức nghiêm trọng.
Tuy nhiên điều không may là ngành quốc phòng nước này quá tai tiếng về nạn tham nhũng, cũng giống như ngành năng lượng. Nếu như ngành công nghiệp quốc phòng của nước này vẫn tiếp tục mắc nạn tham nhũng, các công ty quốc phòng phương Tây sẽ không đầu tư nhiều nguồn lực vào Ukraine. Điều này cần phải được thay đổi và Mỹ có thể giúp Ukraine thay đổi cách quản lý ngành công nghiệp quốc phòng. Giống như câu châm ngôn “thay vì cho cá, hãy dạy cách câu cá".
Cho dù không có giải pháp dễ dàng nào trong việc cải cách nền công nghiệp quốc phòng Ukraine nhưng việc lập lại ban giám đốc của các công ty quốc phòng thuộc Ukroboronprom cũng là một khởi đầu đúng đắn. Một hình mẫu mà Defense One đưa ra là chính phủ chỉ định ban tuyển chọn để lựa chọn ban giám đốc cho Ukroboronprom. Ban tuyển chọn này ví dụ sẽ bao gồm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ phát triển kinh tế, Bộ tài chính cũng như Chủ tịch ủy ban an ninh và quốc phòng quốc gia, và có thể có thêm một cố vấn chính sách quốc phòng cao cấp từ các nước trong Ủy ban cố vấn cải cách quốc phòng của Ukraine gồm Mỹ, Canada, Lithuania và Anh.
Theo cách này, hoạt động sẽ diễn ra dưới sự chỉ đạo của Ukraine mà vẫn minh bạch và có sự chuyên nghiệp như phương Tây. Ban lựa chọn này sau đó sẽ chỉ định Ban giám đốc cho Ukroboronprom, phụ thuộc hoàn toàn vào các tiêu chuẩn chứ không phải là quan hệ.
Một ban lãnh đạo mới và độc lập có thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn trong cách quản lý. Ban giám đốc cũng có thể thuê một công ty bên ngoài để tiến hành kiểm toán toàn bộ công ty và đề nghị cách tốt nhất để tái cấu trúc tập đoàn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển khối tài sản ròng.
Đây không phải là một quá trình dễ dàng nhưng phần thưởng từ một cuộc cải cách toàn diện nền công nghiệp quốc phòng Ukraine sẽ rất khổng lồ và sẽ có những tác động lan tỏa tích cực tới nền kinh tế Ukraine.
Với sự giúp đỡ từ Mỹ như Tập đoàn đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC), các công ty phương Tây sẽ tìm thấy các cơ hội đầu tư hấp dẫn ở Ukraine, ủng hộ việc phát triển các khả năng quân sự quốc phòng của nước này, thúc đẩy cải cách phương thức quản trị, giúp nâng cao tính minh bạch và diệt tận gốc nạn tham nhũng, giúp nền kinh tế Ukraine tăng trưởng và tạo ra nhiều việc làm lương cao. Đây sẽ là viễn cảnh ba bên cùng được lợi.
Phương Tây cho rằng những bước đi từ cung cấp vũ khí, huấn luyện quân đội, buộc lãnh đạo Ukraine nỗ lực chống tham nhũng và cải cách ngành quốc phòng để thu hút đầu tư sẽ giúp Ukraine trở nên mạnh hơn cả về quân sự lẫn kinh tế, trở nên linh hoạt hơn và có thể đối phó với Nga. Các biện pháp này sẽ giúp làm tăng tỷ lệ thành công của Ukraine về lâu dài và giúp kiềm chế Mátxcơva.
Nhưng muốn giải quyết cuộc xung đột thì những điều này vẫn chưa đủ. Không có biện pháp hòa bình nào có thể giúp giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và khiến Nga rút quân mà không có sự can thiệp của Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên hiện nay, trước động thái làm ấm quan hệ giữa ông Trump và ông Putin thì rất khó để Mỹ gây sức ép lên Nga trong thời kỳ ông Trump nắm quyền. Do đó thay vì trông chờ quá nhiều, Ukraine cần biết lợi dụng Mỹ và phương Tây để thúc đẩy kinh tế, xây dựng quân đội mạnh hơn và chuyên nghiệp hơn, xây dựng nội lực để tự đối phó với Nga.