Mỹ bất ngờ cho tàu chiến vào eo biển Đài Loan sau cuộc gặp tại Singapore
Sự việc được quốc tế biết đến đầu tiên bởi tối ngày 22.10, cơ quan phòng vệ Đài Loan đã chủ động thông tin về sự có mặt của hai tàu chiến Mỹ tại eo biển Đài Loan, xác nhận hai tàu này đã đi vào eo biển theo hướng từ phía Nam lên phía Bắc và sẽ tiếp tục hành trình, ra khỏi eo biển trong ngày 23.10. Phía Đài Loan nói họ biết về “hoạt động có tính định kỳ” này và “mọi chi tiết liên quan sẽ do chính phủ Mỹ làm rõ”.
Khu trục hạm tên lửa USS Curtis Wilbur (DDG-54)
|
Tư liệu công khai cho biết, đây là những chiến hạm hiện đại hàng đầu của Hải quân Mỹ. Chiếc USS Curtis Wilbur (DDG-54) được hạ thủy năm 1992, là khu trục hạm tên lửa lớp Arleigh Burke, lượng giãn nước 8.400 tấn, được đặt theo tên một cựu Bộ trưởng Hải quân. Tàu này vào biên chế năm 1994, thường đóng tại căn cứ hải quân ở Yokosuka tại Nhật. Tàu dài 154m, rộng 20m, tốc độ cao nhất 30 hải lý/h, có 2 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, có thể mang và phóng tên lửa hành trình Tomahawk, cùng 2 trực thăng SH-60. Chiếc USS Antietam (CG-54) là tuần dương hạm tên lửa lớp Ticonderoga, lượng giãn nước 9.800 tấn, dài 173m, rộng 16,8m, tốc độ cao nhất 32,5 hải lý/h, đóng ở Nhật Bản, có 2 hệ thống phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng, có thể mang tên lửa hành trình Tomahawk. Tàu cũng mang theo 2 trực thăng SH-60 hoặc MH-60R.
Tuần dương hạm tên lửa USS Antietam (CG-54)
|
Ngày 23.10, The Wall Street Journal cho biết, người phát ngôn Lầu Năm Góc Rob Manning nói với phóng viên rằng: “hai tàu USS Curtis Wilbur và USS Antietam tiến hành việc di chuyển định kỳ qua eo biển Đài Loan phù hợp với luật quốc tế. Việc các tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ông Manning khẳng định: “Hai chiến hạm Mỹ hoạt động trong vùng biển quốc tế. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.
Ông cũng cho biết trong khi các tàu di chuyển, Mỹ đã “duy trì sự phối hợp và liên lạc với các nước, cơ quan chức năng và các bên thích hợp... Hành động này chắc chắn không phải là việc Bộ Quốc phòng Mỹ cố tình làm gia tăng căng thẳng hay bất cứ sự leo thang nào”. Theo CNN, hai quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiết lộ với họ: "trong suốt thời gian 2 chiến hạm Mỹ ở trong eo biển Đài Loan, luôn có nhiều tàu chiến Trung Quốc tiến hành giám sát ở khoảng cách an toàn".
Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ, Nate Christensen cũng tuyên bố: “Các tàu USS Curtis Wilbur và USS Antietam đã thực hiện chuyến đi định kỳ qua eo biển Đài Loan vào ngày 22.10, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc điều chiến hạm qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ dốc sức giữ gìn một vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Sau khi hai khu trục hạm USS Mustin (DDG-89) và USS Benfold (DDG-65) đi qua eo biển Đài Loan ngày 7 và 8.7, đây là lần thứ hai trong chưa đầy 4 tháng Mỹ đưa tàu chiến đi qua khu vực này.
Chiều 23.10, phản ứng trước động thái này của phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố nói, phía Trung Quốc đã nắm chắc toàn bộ hành trình của các tàu Mỹ và đã bày tỏ sự quan ngại với phía Mỹ, nhắc nhở họ hãy thận trọng xử lý vấn đề liên quan đến Đài Loan. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong cuộc họp báo: “Vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, là vấn đề quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung – Mỹ. Chúng tôi nhắc nhở phía Mỹ hãy tuân thủ nguyên tắc Một nước Trung Quốc và các quy định trong 3 bản Thông cáo chung Trung – Mỹ. Mỹ cần giải quyết vấn đề liên quan đến Đài Loan thận trọng và ổn thỏa để tránh gây tổn hại mối quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình, ổn định ở vùng biển Đài Loan”.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm thuộc Nhân dân Nhật báo ngày 23.10 đã đăng bình luận cho rằng: "Mỹ đang ngày càng mở rộng lĩnh vực gây sức ép với Trung Quốc, Trung Quốc cần thích ứng với tình hình này, nâng cao năng lực đối phó với những hành động khiêu khích với sức ép ngày càng lớn hơn của Mỹ". Bài báo viết: “Bộ trưởng Quốc phòng hai nước vừa gặp gỡ tại Singapore tuần trước. Mọi người đều cho rằng đó là thể hiện sự hòa dịu trong quan hệ quân sự hai bên. Nhưng ngay sau đó, tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan nhằm chuyển đi các tín hiệu: thứ nhất là thể hiện “quyền tự do hàng hải”, thứ hai là an ủi, cổ vũ Đài Bắc, ba là duy trì sức ép với Trung Quốc”.
Bài báo cho rằng: “Các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan tuy hợp pháp, nhưng là động thái khiêu khích Trung Quốc. Phía Trung Quốc trước hết không nên quá tức giận về việc này, đồng thời cần khách quan đánh giá mức độ nguy hại của hành động này đối với Trung Quốc. Không khoanh tay ngồi nhìn nhưng cũng không xem xét vấn đề quá nặng để tránh bị người Mỹ dắt mũi”.
Cuộc gặp gỡ James Mattis - Ngụy Phượng Hòa ở Singapore đã không đạt kết quả như mong đợi.
|
Mỹ liên tiếp thách thức Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông
Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng trong những tháng qua. Lầu Năm Góc đã hủy lời mời quân đội Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hồi tháng 5. Washington cũng áp đặt lệnh trừng phạt Bộ công tác trang bị Quân ủy Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này hồi tháng 9, cũng như liên tiếp tiến hành các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc không thừa nhận, nhưng việc Bắc Kinh gia tăng mạnh mẽ tiềm lực quân sự và nỗ lực kiềm chế của Washington đã dẫn đến tình hình như “cung đã giương tên” khiến giới lãnh đạo quân đội cao cấp của hai bên phải gặp nhau tại Singapore để hạ nhiệt. Cuộc hội đàm giữa hai ông James Mattis và Ngụy Phượng Hòa lúc đầu dự tính 60 phút nhưng thực tế đã kéo dài tới 90 phút. Tại đây, ông Ngụy Phượng Hòa đã chuyển tới người đồng cấp Mỹ tín hiệu cứng rắn: Trung Quốc sẽ không từ bỏ chính sách về Biển Đông và Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ "kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh". Ông James Mattis thì đáp lại với giọng điệu ngoại giao “bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai quân đội”.
Nhìn bề ngoài thì đây có vẻ là “hành động dập lửa” vì tình trạng đối đầu giữa quân đội hai bên trên Biển Đông và eo biển Đài Loan đã căng như dây đàn.
Ngày 15.10, tàu “nghiên cứu khoa học” mang tên Thomas G. Thompson của Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ (Office of Naval Research) đã tới Đài Loan và cập bến tại cầu cảng số 9 của cảng Cao Hùng ở phía Nam Đài Loan. Thông tin này được tiết lộ bởi một cựu thuyền trưởng chiến hạm “Tân Giang” của hải quân Đài Loan với báo chí. Con tàu 3.250 tấn trên đường tới cảng Fremantle của Australia đã vào cảng Cao Hùng của Đài Loan để được tiếp tế thay vì vào Philippines hay Okinawa giữa lúc quan hệ Trung – Mỹ đang ở vào thời điểm rất nhạy cảm.
Điều này rõ ràng mang ý nghĩa sâu xa và càng được quan tâm hơn khi trước đó, vào tháng 12.2017, ông Lý Khắc Tân, Công sứ Trung Quốc tại Mỹ từng hùng hồn tuyên bố: “Ngày nào mà tàu quân sự Mỹ đến Cao Hùng sẽ là lúc Giải phóng quân thống nhất Đài Loan bằng vũ lực!”. Phát biểu này của ông từng gây nên sự quan tâm cao của Mỹ và cả quốc tế, được đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ vừa thông qua “Luật ủy quyền Quốc phòng 2018”, yêu cầu chính phủ xem xét việc giao lưu tàu hải quân giữa Mỹ và Đài Loan. Nhưng quân đội và các cơ quan hành chính Mỹ sau đó không có hành động thực tế để tránh gây thêm tình hình căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa hai quân đội Mỹ - Trung.
Chiếc tàu "nghiên cứu khoa học" Thomas G, Thompson cập cảng Cao Hùng từ 15 đến 18.10.
|
Tuy truyền thông Trung Quốc không đưa tin và chính quyền không có phản ứng về vụ này, nhưng theo trang tin Đa Chiều, ông Chu Phong, Chủ nhiệm Trung tâm Hiệp đồng Nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh cho rằng: việc tàu Thomas G. Thompson cập cảng Cao Hùng có 2 điểm cần chú ý: Thứ nhất, có khả năng là sự chuẩn bị cho việc tới đây Mỹ có những cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Thứ hai, việc Mỹ đưa tàu đến Đài Loan là “khoe cơ bắp”, thể hiện sức mạnh và mang hàm ý khiêu khích Trung Quốc, ám chỉ sẽ không sợ hãi Trung Quốc trong vấn đề hải dương.
Ngày 16.10, Mỹ cho 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay “tuần tra định kỳ” tại Biển Đông phía trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp, bay tới vùng biển gần bờ tỉnh Quảng Đông, tạo thành mối đe dọa đối với Trung Quốc.
Trước đó, hôm 30.9, tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo USS Decatur khi thực hiện “tự do hàng hải” trong vùng biển bên trong 12 hải lý xung quanh đá Gaven trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng và tôn tạo trái phép, đã bị tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc cắt mũi ở khoảng cách chỉ 40m khiến tàu Mỹ phải đổi hướng để tránh một vụ va chạm trên biển.
Theo trang tin Đông Phương ngày 23.10, ông Ian Easton ở viện nghiên cứu “Project 2049 Institute” – một nhóm chuyên gia tại Washington đã bày tỏ quan điểm: trước những hành động bành trước về quân sự của Trung Quốc ở vùng biển Đài Loan, mong hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ ở eo biển Đài Loan trở nên mang tính định kỳ, cho dù việc này sẽ khiến Bắc Kinh không thích và phản kháng.
Ông Ian Easton chỉ rõ, Trung Quốc là “kẻ cạnh tranh chiến lược mang tính cướp đoạt” của Mỹ. Bắc Kinh không vui và tất sẽ phản đối những hành động của quân đội Mỹ. Nhưng Mỹ làm những việc Trung Quốc không thích “chính là vì lợi ích căn bản của Mỹ”. Ông cho rằng, việc tàu chiến Mỹ vào eo biển Đài Loan là “hành động sáng suốt” để giúp giảm thiểu sự thất thế của Đài Loan trước mối đe dọa của Trung Quốc và tình trạng bị cô lập ngoại giao trên trường quốc tế.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu