Thương mại vũ khí quốc tế từ trước đến nay không phải là một cuộc "mua bán đơn thuần", rất nhiều khi phải xem mức độ "thân sơ, xa gần" của quan hệ quốc gia, thậm chí còn pha trộn rất nhiều ân oán cá nhân. Nhưng bỏ qua nhân tố chính trị, theo đuổi hàng đẹp giá rẻ vẫn là điểm chung của con người.
Những năm gần đây, Nga cơ bản giữ vững vị trí là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai thế giới, trong khi đó, Trung Quốc cũng tìm mọi cách mở rộng thị trường trên toàn cầu, vũ khí của Nga và Trung Quốc thậm chí đã tiến mạnh vào "thị trường truyền thống" của Mỹ.
Đứng trước tình hình này, Mỹ đã không thể kiềm chế thêm. Ngày 19/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết 2 văn kiện mới, dự định nới lỏng hạn chế xuất khẩu đối với máy bay quân dụng không người lái và các vũ khí thông thường khác. Quy trình phê duyệt xuất khẩu vũ khí của Mỹ có triển vọng được đơn giản hóa rất lớn.
Peter Navarro, Cố vấn thương mại của ông Donald Trump nỏi thẳng rằng để cho các đối tác của Mỹ dễ dàng hơn trong việc mua sắm vũ khí Mỹ thực chất là để giảm lệ thuộc của họ vào hệ thống vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Các ông trùm vũ khí Mỹ từ lâu đã bất mãn với chính sách hạn chế đưa ra thời kỳ Tổng thống Barack Obama. Quyết định nới lỏng hạn chế bán vũ khí cũng thống nhất với chính sách "mua hàng hóa Mỹ" của ông Donald Trump.
Khi tranh cử, ông Donald Trump cam kết bán nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn ra nước ngoài, trong khi đó, xuất khẩu vũ khí là một bộ phận quan trọng của cam kết này. Điều này thể hiện rất rõ qua tuyên bố của ông Donald Trump trong việc đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí với Saudi Arabia vào năm 2017.
Trong năm đầu cầm quyền của ông Donald Trump, kim ngạch bán vũ khí liên chính phủ giữa Mỹ với các nước khác lên đến 42 tỷ USD, tăng 36% so với năm cầm quyền cuối cùng của chính quyền Barack Obama.
Từ lâu đã có thông tin về việc ông Donald Trump sẽ nới lỏng hạn chế bán vũ khí, khuyến khích các nước mua vũ khí Mỹ. Ngoài ra, theo tiết lộ của hãng tin Reuters Anh, ông Donald Trump còn yêu cầu quân đội và cơ quan ngoại giao Mỹ giúp các nhà thầu quốc phòng tiến hành hoạt động thương mại ở nước ngoài, các quan chức quân đội và ngoại giao sẽ đóng vai trò là người chào hàng vũ khí Mỹ.
Về công nghệ công nghiệp quốc phòng, Nga luôn "sống dựa vào thành tựu trong quá khứ", nhưng thị phần vũ khí của họ trên quốc tế luôn tương đối ổn định. Những khách hàng quen tương đối trung thành.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, 5 năm qua, Nga có 47 quốc gia là khách hàng vũ khí, trong khi đó khách hàng của Mỹ lên tới 98 nước và vùng lãnh thổ, còn Trung Quốc có 48 khách hàng.
5 năm qua, Ấn Độ là nước nhập khâu vũ khí lớn nhất thế giới, đồng thời là khách hàng vũ khí lớn nhất của Nga. Ấn Độ hiện đã trở thành chiến trường quan trọng "quyết đấu thương mại vũ khí" giữa Mỹ và Nga.
Sau khi ông Narendra Modi lên làm Thủ tướng, Ấn Độ đặc biệt coi trọng nhập khẩu công nghệ khi tiến hành thương mại vũ khí, trong khi đó Mỹ đã phối hợp với động thái này của Ấn Độ một cách "khác thường".
Có thể thấy, sau khi Mỹ nới lỏng hạn chế bán vũ khí, là nước tích cực tìm cách đa dạng hóa nhập khẩu vũ khí, Ấn Độ sẽ coi Mỹ là một khách hàng quan trọng để cân bằng với Nga.
Do các hành động của Nga trong cuộc nội chiến ở Ukraine và chiến tranh Syria những năm gần đây, vũ khí trang bị Nga có biểu hiện ưu việt trên chiến trường cùng với ưu thế địa - chính trị mà họ đạt được trong các hành động can dự, có lợi cho Nga phát triển thêm một số khách hàng mới. Trong đó cũng có cả đồng minh "mạnh" của Mỹ, chẳng hạn Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn mua hệ thống phòng không S-400.
Đối với hành động "thọc gậy bánh xe" của Nga, Mỹ cũng bắt đầu tích cực hành động để ngăn chặn giao dịch S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc không kích Syria của liên quân Mỹ - Anh - Pháp, Lầu Năm Góc cũng đã khởi động chiến dịch tuyên truyền, cho rằng S-400 không đáng một đồng.
Sau khi Mỹ nới lỏng hạn chế bán vũ khí, các đồng minh Trung Đông sẽ dễ dàng có được vũ khí Mỹ hơn, đây hoàn toàn không phải là tin tốt đối với Nga - quốc gia hy vọng "cắt một miếng bánh lớn" trên thị trường vũ khí Trung Đông. Mỹ có kế hoạch đẩy Nga, một đối thủ lớn nhất, ra khỏi các thị trường vũ khí lớn.
Trong văn kiện nới lỏng bán vũ khí của ông Donald Trump, chính sách trên lĩnh vực máy bay quân dụng không người lái có sự thay đổi lớn nhất. Mỹ sở hữu máy bay quân dụng không người lái tiên tiến nhất thế giới, nhưng trước đây rất nhiều khách hàng đã phải "lùi bước" vì thủ tục rườm rà và xét duyệt chậm chạp của Mỹ.
Báo chí cũng khẳng định, khả năng có được giấy phép xuất khẩu hầu như bằng không. Ông Donald Trump cho biết trong tương lai chỉ cần các nước đồng minh đưa ra đề nghị là có thể lập tức có được trang bị Mỹ.
Những năm gần đây, Trung Quốc cũng có rất nhiều động thái trên thị trường vũ khí quốc tế. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc là quốc gia có biểu hiện tích cực nhất trong 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới.
Từ năm 2013 - 2017, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng trưởng 38% so với 5 năm trước đó, đặc biệt, máy bay không người lái đã trở thành "thương hiệu" của Trung Quốc trên thị trường vũ khí quốc tế.
Báo chí Mỹ cho rằng Mỹ nới lỏng hạn chế xuất khẩu máy bay quân dụng không người lái cho thấy họ có quan điểm "đối đầu" với Trung Quốc, bởi vì rất nhiều đồng minh của Mỹ đều đã trở thành khách hàng của máy bay không người lái Trung Quốc.
Mỹ nới lỏng hạn chế bán máy bay quân dụng không người lái để thu hẹp thị trường của Trung Quốc, nhất là các nước đồng minh - quan điểm này không đúng hoàn toàn.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã tích lũy được ít nhiều uy tín trên thị trường thế giới trong lĩnh vực máy bay quân dụng không người lái, thể hiện qua tính năng, thực dụng, hàng đẹp giá rẻ của loại trang bị này. Vì vậy, chính sách mới của Mỹ không ảnh hưởng nhiều – tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 27/4 tự tin khẳng định.
Bất kể thế nào, việc Mỹ nới lỏng hạn chế bán vũ khí làm cho các giao dịch vũ khí của họ gần hơn với "làm ăn đơn thuần", tức là “tiền trao cháo múc” - việc điều chỉnh chính sách này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của các ông trùm vũ khí Mỹ, trong ngắn hạn sẽ đóng vai trò thúc đẩy to lớn đối với thành tích bán vũ khí của Mỹ.
Trong khi đó, việc mở rộng xuất khẩu vũ khí trang bị sẽ có một loạt ảnh hưởng như tăng số lượng việc làm, mở rộng đầu tư. Ngoài ra, quan chức cấp cao chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh, bán nhiều vũ khí tiên tiến hơn cho đồng minh "có lợi cho giảm điều quân đội Mỹ ra nước ngoài".
Nhưng, "cái lợi đi liền với cái hại", các biện pháp hạn chế bán vũ khí nghiêm ngặt của chính quyền Mỹ thời Barack Obama cũng có nguyên nhân.
Rachel Stohl, chủ nhiệm chương trình quốc phòng thông thường, Trung tâm Stimson, một cơ quan nghiên cứu Mỹ cho rằng ông Donald Trump đã rất thiển cận khi quyết định nới lỏng hạn chế bán vũ khí, vì nó có thể gây ra hiểm họa lâu dài.
Khách hàng vũ khí của Mỹ trên khắp thế giới có đặc điểm là "tốt xấu lẫn lộn", quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí sẽ làm cho các phần tử khủng bố ở các khu vực có rủi ro chiến tranh tương đối cao như Trung Đông và Nam Á thu được vũ khí cao cấp một cách dễ dàng hơn.
Trước đó, báo chí Mỹ đã cảnh báo Mỹ đang hóa thân thành "đội trưởng vận chuyển" - kẻ thù của Mỹ trên chiến trường phần lớn trang bị vũ khí do Mỹ chế tạo.
Trong tương lai, với chính sách nới lỏng hạn chế bán vũ khí của ông Donald Trump, bên cạnh việc các ông trùm vũ khí Mỹ kiếm được bộn tiền, các kẻ thù của Mỹ e rằng cũng sẽ sớm sở hữu vũ khí cao cấp của Mỹ hơn.