Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay tới Biển Đông tập trận, đánh tín hiệu cho Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  2 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ đã bắt đầu các chiến dịch trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm 9/2, tín hiệu cứng rắn mới nhất mà chính quyền Biden gửi tới Trung Quốc.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz của Mỹ được điều tới Biển Đông tập trận (Ảnh: CNN)
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz của Mỹ được điều tới Biển Đông tập trận (Ảnh: CNN)

Các tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các tàu tên lửa dẫn đường, tàu khu trục đang phô diễn khả năng hoạt động của Hải quân Mỹ trong những môi trường thách thức cao độ và đông đúc; Hải quân Mỹ nói trong một tuyên bố.

2 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm này có tổng cộng 120 máy bay chiến đấu.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tất cả 1,3 triệu dặm vuông Biển Đông. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã bắt đầu biến các bãi đá, bãi cạn thành những đảo nhân tạo, được củng cố bằng tên lửa, đường băng và các hệ thống vũ khí – gây quan ngại sâu sắc với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bắc Kinh đã phản ứng quyết liệt vào thời điểm cách đây 7 tháng, khi Mỹ triển khai 2 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới đây – cũng là lần đầu tiên trong vòng 6 năm mà 2 tàu sân bay cùng hoạt động ở Biển Đông.

“Hành động của Mỹ là nhằm gây chia rẽ giữa các nước, thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông, và làm xói mòn hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông” – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lúc bấy giờ nói.

Trong bài phát biểu đưa ra hôm thứ Năm tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất” của Mỹ, đồng thời đưa ra những kế hoạch để đối phó với chính quyền Bắc Kinh liên quan tới các vấn đề “nhân quyền, tài sản trí tuệ và kiểm soát toàn cầu”.

Trong cuộc phỏng vấn với CBS News hôm Chủ nhật vừa qua, Tổng thống Biden nói Washington đang trong “cuộc cạnh tranh khốc liệt” với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Biden và giới chức trong chính quyền của ông đã cam kết sẽ hợp tác với các đồng minh của Mỹ trong việc đối phó Trung Quốc.

“Tôi sẽ không làm điều đó theo cách mà Trump từng làm” – ông Biden nói về chính quyền người tiền nhiệm – “Chúng tôi sẽ tập trung vào các quy định quốc tế”.

Hải quân Mỹ cho hay họ đã luôn tuân thủ các quy định quốc tế trong 2 đợt tuần trước, trong lúc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Thái Bình Dương. Thứ Năm tuần trước, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain băng qua Eo biển Đài Loan. Đến thứ Sáu, cũng con tàu này đã áp sát quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).

Đô đốc Doug Verissimo, chỉ hủy Nhóm tác chiến số 9, dẫn đầu bởi tàu USS Theodore Roosevelt, nói rằng nhiệm vụ kép của hai hàng không mẫu hạm được thực hiện “nhằm đảm bảo rằng chúng tôi có đủ năng lực chiến thuật để đối phó với thách thức trong việc duy trì hòa bình, và chúng tôi đủ khả năng để tiếp tục chứng minh cho các đối tác và đồng minh trong khu vực thấy, chúng tôi cam kết thúc đẩy khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở và tự do”.

Kể từ khi nhậm chức ngày 20/1, chính quyền Tổng thống Biden đã tái khẳng định cam kết với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là để Philippines và Nhật Bản hiểu rằng các đảo của của họ đang bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền cũng nằm trong các hiệp ước phòng thủ chung với Washington.