Ngày 17/11 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm thủ đô Manila của Philippines và tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC nhằm củng cố mối quan hệ quân sự hai nước. Theo đó, Philippines sẽ cho phép Hải quân Mỹ tái sử dụng căn cứ cũ của nước này ở Vịnh Subic.
Một quan chức cấp cao Philippines cho biết bước đi này nằm trong kế hoạch triển khai hạm đội tới Thái Bình Dương đến năm 2020, trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Sau Thế chiến 2, vịnh Subic là căn cứ hải quân lớn nhất của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Vịnh Subic nằm ở phía Tây đảo Luzon của Philippines, là hải cảng quan trọng ở bờ biển phía Đông của biển Đông. Mũi phía Đông là Mayagao, mũi phía Tây là Binictican. Vịnh dài 14 km, rộng 8-13km, mực nước sâu 24-50m, điểm neo đậu tàu thuyền lý tưởng, cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, kể từ sau khi lực lượng này rời khỏi căn cứ vào năm 1992, căn cứ đã trở thành một cảng biển tự do, tập trung nhiều nơi mua sắm và du lịch.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ cần tăng cường số lượng và đào sâu thêm nhiều cảng biển nhằm mục đích neo đậu nhiều tàu ngầm và các loại tàu khác, mà căn cứ Hải quân Vịnh Subic cách thủ đô Manila 80km về phía đông bắc chính là một trong những căn cứ lớn nhất.
Sự trở lại Subic của người Mỹ diễn ra sau một thỏa thuận với quân đội Philippines mùa xuân năm ngoái. Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) Mỹ-Philippines được ký kết do việc Trung Quốc ngày càng tiến sát bờ biển Philippines và ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông.
Một số đảng đối lập ở Thượng viện Philippines vẫn phản đối sự trở lại của quân đội Mỹ và Tòa án Tối cao có thể sẽ phán quyết về tính hợp hiến của EDCA.
Thế nhưng, trong những tuần gần đây, Quân đội Philippines đã nhiều lần tuyên bố rằng các điều khoản của EDCA là một phần của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines hiện này và không phải trải qua một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Philippines.
Dễ hiểu vì sao Philippines tích cực muốn người Mỹ trở lại Subic, bởi các chuyên gia an ninh cho rằng sử dụng căn cứ quân sự ở vịnh Subic sẽ cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đặc biệt, vịnh Subic chỉ cách bãi cạn Scarborough có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines 270 km. Theo ông Patrick Cronin, chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington từng nói rằng, một ngày nào đó, Trung Quốc có thể biến Scarborough trở thành một hòn đảo nhân tạo. Khi đó, Philippines sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi đảo Luzon.
Bởi thế, việc Philippines mời người Mỹ trở lại căn cứ Subic là một bước đi khôn ngoan của quốc gia này trong việc phòng thủ mưu đồ của Trung Quốc.
Theo Đất Việt