Reuters dẫn lời các nguồn tin từ Tokyo và Philippines nói rằng đợt tập trận mang tên CUES vào ngày 12/5 sẽ tập luyện quy tắc xử lý tình huống bất thường trên biển theo thỏa thuận Philippines và Nhật Bản ký từ hồi tháng 1 nhằm thắt chặt hợp tác an ninh.
Bản chất của đợt tập luyện này sẽ không thể bị Trung Quốc bắt bẻ về khía cạnh pháp lý, và Philippines từng tham gia những đợt tập trận chung tương tự với Mỹ trước đây. Nhưng sự hiện diện của các tàu hải quân Nhật Bản ở biển Đông được cho là tín hiệu thể hiện Nhật Bản ngày càng quan tâm đến khu vực, và có thể chọc giận Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang bị chỉ trích nặng nề về trước những hoạt động cải tạo ồ ạt của họ ở khu vực tranh chấp. “Đợt tập trận sẽ không xa bãi Scarborough (Vành Khăn)”, Reuters dẫn nguồn tin từ Nhật Bản. Scarborough (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012 sau cuộc đối đầu 3 tháng với Philippines. Bài tập dài 2 giờ trong vùng biển Philippines gần Vịnh Subic, một căn cứ cũ của Hải quân Mỹ, sẽ có sự tham gia của 1 tàu chiến Nhật Bản và 1 tàu khu trục Hải quân Philippines, một phát ngôn viên của Hải quân Philippines cho biết.
Nhật Bản đang cân nhắc tham gia hoạt động tuần tra trên không ở khu vực biển Đông nhằm đối phó với hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc. Chiến lược này được Philippines rất hoan nghênh, và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Manila và Tokyo. Thỏa thuận quốc phòng hồi tháng 1 cũng tạo khuôn khổ cho các cuộc đối thoại thường niên cấp thứ trưởng và trao đổi sĩ quan cao cấp giữa Philippines và Nhật Bản.
Trước đó, Phó Đô đốc Philippines Alexander Lopez phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 7/5 nói rằng Trung Quốc ít nhất 6 lần cảnh cáo lực lượng không quân và máy bay hải quân Philippines phải rời khỏi khu vực tranh chấp trên biển Đông.
“Khi chúng tôi đang tiến hành các hoạt động tuần tra thông thường trên không và trong không phận quốc tế, máy bay không quân của chúng tôi nhận được lời thách thức qua radio. Những người Trung Quốc đó nói rằng máy bay của chúng tôi đang bay trên vùng an ninh quân sự của họ”, ông Lopez nói, nhưng không nêu cụ thể thời gian xảy ra nhưng vụ việc này.
Trung Quốc triển khai các tàu hải quân và tàu tuần duyên đến quần đảo Trường Sa, nhưng hiếm khi đưa máy bay tới vì khoảng cách xa với đất liền. Các chuyên gia cho rằng có thể Trung Quốc đang “kiểm tra” để xem họ có thể áp đặt ADIZ trên quần đảo Trường Sa hay không.
Ngày 7/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố rằng, Trung Quốc không loại trừ khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển đảo tranh chấp ở biển Đông. “Vấn đề thiết lập ADIZ phụ thuộc việc xuất hiện nguy cơ nào đó cũng như nhiều yếu tố khác cần phải tính đến”, bà Hoa nói.
Trước đó, ngày 15/4, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, nói rằng, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu thiết lập ADIZ trên biển Đông như nước này đã làm trên vùng biển Hoa Đông tranh chấp, chồng lấn với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một chuyên gia địa chính trị Philippines hôm 7/5 nói rằng, Trung Quốc có thể sớm tuyên bố ADIZ trên biển Đông vì khuôn khổ cho động thái đó đã thành hình. Theo ông Richard Javad Heydarian, giảng viên quan hệ quốc tế và khoa học chính trị ở Đại học De La Salle, việc cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc trên đá Chữ Thập sẽ là chất xúc tác trong khu vực để Bắc Kinh tuyên bố ADIZ.
“Trung Quốc chưa tuyên bố bất kỳ hình thức ADIZ nào, nhưng bộ khung của ADIZ đã thành hình. KHi bạn có mạng lưới sân bay và tăng cường tuần tra quân sự truyền thống và triển khai lực lượng bán quân sự, bạn đang nâng cao hiệu quả kiểm soát vùng biển tranh chấp cũng như không phận bên trên những thực thể tranh chấp đó”, ông Heydarian nói với kênh tin tức ABS-CBN.
ADIZ mở rộng không phận để cho phép nước thiết lập có thêm thời gian phản ứng với máy bay nước ngoài, nhất là máy bay thù địch. Không có tổ chức hay hiệp ước quốc tế nào điều chỉnh việc thiết lập ADIZ. Ông Heydarian nói rằng, ADIZ trên đá Chữ Thập sẽ cho phép Trung Quốc đuổi những nước khác khỏi các thực thể trên biển khác mà họ đang kiểm soát.
Chuyên gia này cũng cho rằng Trung Quốc đặc biệt quan tâm đá Chữ Thập vì nơi đây sẽ đóng vai trò trung tâm chỉ huy và kiểm soát các hoạt động của họ ở Trường Sa. Các tiền đồn Trung Quốc trên đá Chữ Thập sẽ cắt đứt đường tiếp tế của các nước khác, những nước đang chiếm đóng các đảo, bãi cạn, đá ngầm khác.
Theo QPAN