Một liệu pháp cứu cánh
Ngày 24/03/2020, FDA thông báo một liệu pháp điều trị tiềm năng cho Covid-19 sẽ được nghiên cứu, đó là sử dụng “huyết tương dưỡng” (tạm dịch từ chữ “convalescent plasma”), sản phẩm từ máu của người bệnh Covid-19 đã hồi phục, chứa kháng thể chống SARS-CoV-2, dùng cho những ca bệnh nặng và nguy kịch, trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào được chính thức công nhận. Các bác sĩ mong muốn thử nghiệm dùng huyết tương dưỡng để điều trị bệnh được khuyến khích đệ trình đề nghị lên FDA để được xem xét chấp thuận.
FDA cũng nêu rõ, những đối tượng bệnh nhân phù hợp cho điều trị thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đã xét nghiệm nhiễm Covid-19.
- Mắc bệnh ở mức độ nặng hoặc nguy kịch.
- Đồngthuận với việc điều trị.
Cùng ngày, Business Insider dẫn lời Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết bang này (nơi đang là tâm dịch Covid-19 của Mỹ) đang lên kế hoạch bắt đầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bằng huyết tương dưỡng cho các bệnh nhân nguy kịch như một liệu pháp cứu vãn. Nhà chức trách bắt đầu tập hợp những bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn từ Covid-19 để có thể thu thập đủ lượng huyết tương được hiến cho mục đích trên.
Bản chất của liệu pháp và kinh nghiệm từ lịch sử
Khi cơ thể người tiếp xúc với một tác nhân gây nhiễm trùng (có thể là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…), sẽ có một đáp ứng miễn dịch bằng cách tạo ra kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh đó. Đáp ứng miễn dịch này ở mỗi người là khác nhau, nên với cùng một bệnh, có người bị nhẹ, có người bị nặng, thậm chí có người tử vong. Sự khác nhau này là cái mà chúng ta thường gọi là “sức đề kháng” của mỗi người.
Sau khi khỏi bệnh, các kháng thể này vẫn tiếp tục lưu hành trong cơ thể người và có khả năng “ghi nhớ” con vi khuẩn hay virus đã gây ra bệnh; nếu chúng ta tái nhiễm thì cơ thể đã có sẵn “vũ khí” để chống lại bệnh. Do đó, người mới lành bệnh thường có khả năng miễn nhiễm tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định với bệnh đó.
Từ đây, ý tưởng của việc “lấy” một phần huyết tương người đã hồi phục có chứa kháng thể để điều trị cho người bệnh hoặc dự phòng cho người mới phơi nhiễm bệnh được ra đời. Có thể tóm tắt ý tưởng này trong hình sau đây:
Hơn 100 năm trước, liệu pháp huyết tương dưỡng đã được sử dụng trong đại dịch cúm Tây Ban Nha H1N1 1918. Phân tích gộp của Luke và cộng sự bao gồm hơn 1.700 bệnh nhân cho thấy, điều trị bằng cách truyền sản phẩm máu của người hồi phục cho người còn mắc bệnh giúp làm giảm tỷ lệ tử vong. Tuy vậy, phương pháp điều trị này dần đi vào quên lãng, đặc biệt sau sự ra đời của các thuốc kháng sinh, kháng virus an toàn mà lại hiệu quả hơn trong điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Đến đầu thế kỷ 21, liệu pháp huyết tương dưỡng dần được quan tâm trở lại khi nhân loại phải đối diện với các đại dịch lớn do virus. Trong đại dịch SARS 2003 ở khu vực Đông Á (do SARS-CoV-1 gây ra), vài nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân điều trị với huyết tương dưỡng có thời gian nằm viện ngắn hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn nhóm bệnh nhân không điều trị. Đến đại dịch cúm H1N1 2009, phân tích của Hung và cộng sự cho thấy điều trị với huyết tương dưỡng giúp bệnh nhân giảm tải lượng virus trong máu cũng như hạ thấp nguy cơ tử vong.
Năm 2014, huyết tương dưỡng từ người lành bệnh được WHO chính thức khuyến cáo sử dụng theo kinh nghiệm để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh virus Ebola.
Ngay tại Trung Quốc đại lục - nơi khởi phát của dịch bệnh, Tân Hoa Xã ngày 28/02 cho biết 245 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị bằng liệu pháp huyết tương dưỡng, và 91 trường hợp cho thấy cải thiện triệu chứng và các chỉ số lâm sàng.
Đây là những cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý và các nhà khoa học tại Hoa Kỳ tin rằng liệu pháp huyết tương dưỡng sẽ có hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng và mạnh dạn đưa vào thử nghiệm trên lâm sàng trong bối cảnh chưa có thuốc đặc hiệu nào được phê duyệt cho điều trị bệnh.
Cuộc chiến với SARS-CoV-2 vẫn còn dài và đầy cam go. Nhưng lịch sử đã chứng minh, loài người chưa bao giờ khuất phục, và những phương pháp điều trị mới luôn luôn được phát minh ra để đẩy lùi dịch bệnh. Và liệu pháp huyết tương dưỡng hứa hẹn sẽ là một phần trong hành trang của chúng ta để chống lại Covid-19.