Các quan chức Mỹ gần đây đã bày tỏ quan ngại là phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vài tuần nữa về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến việc Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, ADIZ, ở Biển Đông, như họ đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013.
Thứ trưởng Quốc phong Mỹ Robert Work hôm 30/3 nói Mỹ sẽ coi một động thái như vậy là “gây mất ổn định” và sẽ không công nhận một vùng như vậy ở Biển Đông, như đã làm ở Biển Hoa Đông.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Work, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngang ngược nói bất cứ nước có chủ quyền nào cũng có quyền lập ra ADIZ. “Về vấn đề này, các nước khác không cần phải làm rùm beng lên”, Dương nói tại một cuộc họp báo hàng tháng. Dương nói thêm việc lập vùng nhận dạng phòng không tùy thuộc vào các mối đe dọa và cần nhiều cân nhắc, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Căng thẳng giữa Trung Quốc với các láng giềng về Biển Đông đã tăng lên sau khi Bắc Kinh bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở các đảo vả bãi san hô có tranh chấp ở vùng biển. Về vụ khiếu nại của Philippines, Phó Thẩm phán Cao cấp Tòa án Tối cao Philippine Antonio Carpio hôm 31/3 nêu ra 3 kịch bản tại một diễn đàn bàn về phán quyết trọng tài và các khả năng về địa chính trị, với sự tham dự của giới quân đội, Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán nước ngoài.
Theo Phó Thẩm phán Carpio, kịch bản xấu nhất là Tòa Trọng tài Quốc tế không phán quyết về tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, tuyên bố rằng đảo đảo Ba Bình - có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và bãi cạn Scarborough (hay Hoàng Nham) chỉ có vùng lãnh hải, và không phán quyết về các vấn đề khác.
Nếu điều này xảy ra, ông Carpio nói Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ phải “mua chiến hạm, chiến đấu cơ và tên lửa chống hạm” để bảo vệ vùng biển của mình. Với kịch bản này, Trung Quốc sẽ thực thi "đường lưỡi bò", chặn đường và quấy rối các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia khi họ tiếp tế các đảo do họ kiểm soát, và tranh chấp pháp lý tiếp tục diễn ra.
Vị phó thẩm phán nói Philippines cần phối hợp với Việt Nam, Malaysia và Brunei để ra tuyên bố rằng không đảo nào hoặc bãi cạn nào ở Trường Sa có vùng EEZ cả. Tuy nhiên ông cho rằng kịch bản này khó xảy ra.
Kịch bản thứ hai, theo ông, đó là “phán quyết lưng chừng”, theo đó, tòa tuyên bố đường lưỡi bò vô giá trị, bãi Scarborough chỉ có hải phận là ngư trường truyền thống của Philippines, và không phán quyết về các vấn đề khác. Phán quyết này sẽ giảm vùng tranh chấp pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc từ 531.000 km2 xuống còn 23.000 km2, tự do hàng không, hàng hải bên ngoài vùng lãnh hải và không phận ở Biển Đông được công nhận.
Nhưng vị phó thẩm phán hy vọng nhất về kịch bản tốt nhất, theo đó tòa phán quyết đường lưỡi bò vô giá trị, đảo Ba Bình không có vùng đặc quyền kinh tế EEZ, xác nhận các bãi cạn mà Philippines nêu ra, bãi Scarborough chỉ có hải phận và là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines.
Nếu có phán quyết này, vùng tranh chấp của Philippines với Trung Quốc chỉ còn 1.551 kilomet vuông. “Tôi rất lạc quan về kịch bản tốt nhất này”, ông Carpio nói.
Theo Reuters, Dailymail,