Bà Uzra Zeya Thứ trưởng Ngoại giao được giao kiêm nhiệm chức Điều phối viên đặc biệt vấn đề Tây Tạng (Ảnh: Ifeng). |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 21/12, bà Zeya chịu trách nhiệm thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người Tây Tạng. Phía Trung Quốc lập tức lên án động thái này của Mỹ là thao túng chính trị.
Đông Phương đưa tin, ông Blinken cho biết trong một tuyên bố rằng, bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các công việc về an toàn dân sự, dân chủ và nhân quyền, sẽ kiêm nhiệm thêm chức vụ quan trọng “Special Coordinator for Tibetan Issues” (Điều phối viên đặc biệt về vấn đề Tây Tạng); quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức và bà cũng sẽ vẫn tiếp tục công việc vốn có của mình.
Ông Blinken nói rằng bà Uzra Zeya sẽ thúc đẩy nối lại cuộc đối thoại giữa chính phủ Trung Quốc với nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma, các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc lãnh đạo của người dân Tây Tạng, và thúc đẩy nhân quyền, tự do tín ngưỡng tôn giáo của người Tây Tạng; hỗ trợ bảo vệ văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, di tích tôn giáo ở địa phương. Ông cũng nói, chức vụ này được trao cho một quan chức cấp cao như Thứ trưởng Ngoại giao, cho thấy rằng chính quyền Biden cam kết xử lý vấn đề Tây Tạng.
Ngày 20/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giao bà Uzra Zeya giữ chức Điều phối viên đặc biệt vấn đề Tây Tạng (Ảnh: AP). |
Ông Blinken sau đó cũng viết trong một bản tweet: "Bà ấy (Uzra Zeya) sẽ dẫn dắt Mỹ nỗ lực bảo vệ di sản tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của người Tây Tạng. Người dân Tây Tạng đang phải đối mặt với vi phạm nhân quyền; sinh kế và môi trường của họ đang phải đối mặt với những thách thức."
Theo Đông Phương, dư luận cho rằng vụ việc Mỹ công bố bổ nhiệm nhân sự này có thể làm gia tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc.
Phía Trung Quốc đã phản ứng kịch liệt về động thái này của phía Mỹ. Cùng ngày 20/12, ông Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, khi trả lời câu hỏi qua e-mail đã tuyên bố: Mỹ nên chấm dứt việc sử dụng các vấn đề liên quan đến Tây Tạng như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc hoặc gây bất ổn cho Tây Tạng. Phía Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản ứng mạnh mẽ trước việc Mỹ bổ nhiệm bà Uzra giữ chức Điều phối viên đặc biệt về vấn đề Tây Tạng (Ảnh: Nownews). |
Tại Bắc Kinh, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 21/12, khi một phóng viên đã đặt câu hỏi: “Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã bổ nhiệm một người mới được gọi là ‘Điều phối viên đặc biệt về vấn đề Tây Tạng’. Xin hỏi Trung Quốc có bình luận gì về việc này?”. Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời, chỉ ra rằng: “Các công việc của Tây Tạng hoàn toàn là chuyện nội bộ của Trung Quốc và sẽ không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào can thiệp. Việc Mỹ lập ra cái gọi là "điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng’ chưa bao giờ được phía Trung Quốc công nhận. Trung Quốc thúc giục Mỹ có những hành động thực tế tuân thủ cam kết công nhận Tây Tạng là một bộ phận của Trung Quốc và không ủng hộ nền độc lập của Tây Tạng, đồng thời ngừng lợi dụng các vấn đề liên quan đến Tây Tạng để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình.”
Thông báo bổ nhiệm bà Uzra trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Chức vụ "Điều phối viên đặc biệt về vấn đề Tây Tạng" được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton bổ nhiệm lần đầu tiên vào năm 1997. Mỹ đã sử dụng việc đặt ra chức vụ này để làm nổi bật quan tâm các chính sách liên quan đến Tây Tạng của chính phủ Trung Quốc. "Đạo luật Chính sách Tây Tạng" do Mỹ ban hành năm 2002 quy định rằng Ngoại trưởng bổ nhiệm một "Điều phối viên đặc biệt về vấn đề Tây Tạng" sau khi tham khảo ý kiến của các ủy ban quốc hội liên quan, đặt ra cơ sở pháp lý cho việc đặt ra chức vụ này.
Vào ngày 3/9 năm ngoái trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, ông Joe Biden đã chơi "quân bài Tây Tạng", tuyên bố nếu thắng trong cuộc bầu cử, ông sẽ bổ nhiệm một "Điều phối viên đặc biệt của Tây Tạng" và thực hiện các biện pháp khác để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ về ‘vấn đề Tây Tạng’. Ít lâu sau đó, vào tháng 10/2020, chính quyền Donald Trump đã bổ nhiệm Robert Destro, khi đó là Trợ lý Ngoại trưởng, làm "Điều phối viên đặc biệt về vấn đề Tây Tạng" của Mỹ.
Ông Erkin Tuniyaz, Quyền Chủ tịch Khu tự trị Tân Cương bị Mỹ trừng phạt cùng 3 cá nhân và một tập thể hôm 10/12 (Ảnh: CNS). |
Trước khi bà Zeya được chính thức bổ nhiệm, vào ngày 14/12, 38 thượng nghị sĩ lưỡng đảng do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Patrick Leahy dẫn đầu, cũng như 27 Hạ nghị sĩ hai đảng do Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ McGovern và Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Chris Smith dẫn đầu đã gửi thư cho bà Zeya, kêu gọi ủng hộ "quyền tự trị của Tây Tạng" và cường điệu chính sách "bảo vệ nhân quyền, tự chủ và phẩm giá của người Tây Tạng".
Trong một diễn biến khác liên quan đến quan hệ Trung – Mỹ, hai bên đã tiến hành trừng phạt lẫn nhau xung quanh vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Ngày 10/12, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức và một thực thể Trung Quốc vì "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương". Những người bị Mỹ trừng phạt gồm ông Shohrat Zakir, cựu Chủ tịch; ông Erkin Tuniyaz, Quyền Chủ tịch Khu tự trị Tân Cương, 2 quan chức khác ở trung ương, cùng Công ty công nghệ SenseTime. Các cá nhân và tập thể Trung Quốc này bị niêm phong tài sản, cấm nhập cảnh và cấm giao dịch với các cá nhân, tập thể của Mỹ.
Đáp lại, chiều 21/12, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo để đáp trả hành động trên của Mỹ, Trung Quốc đã quyết định thực hiện các biện pháp có đi có lại và tương ứng đối với 4 cá nhân Mỹ theo Đạo luật trừng phạt chống nước ngoài của Trung Quốc, cấm họ nhập cảnh Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, niêm phong tài sản của họ ở Trung Quốc, cấm giao dịch với các cá nhân và tập thể Trung Quốc.
4 quan chức của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ bị Trung Quốc trừng phạt ngày 21/12 (Ảnh: Đông Phương). |
Các quan chức Mỹ bị trừng phạt bao gồm Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) Nadine Maenza, Phó chủ tịch Nury Turkel cùng hai ủy viên Anurima Bhargava và James Carr. Ông Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với các quan chức Trung Quốc dựa trên luật pháp trong nước và với lý do là vấn đề "nhân quyền" ở Tân Cương là hành động can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm chuẩn tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và làm tổn hại quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này và kịch liệt lên án.
Triệu Lập Kiên nhắc lại rằng vấn đề Tân Cương hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, Mỹ không có quyền và không có tư cách can thiệp. Phía Trung Quốc sẽ tùy theo sự phát triển của tình hình, tiếp tục có phản ứng thêm.