Mỹ biến tên lửa Tomahawk thành "sát thủ" diệt hạm (video)

VietTimes -- Ngày 16.08.2017, USNI cho biết: Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ có ý định đặt hàng cho công ty Raytheon phát triển các thiết bị điện tử mới của hệ thống dẫn đường, tìm kiếm và tấn công mục tiêu mới, cho phép chuyển đổi tên lửa hành trình Tomahawk Block IV thành tên lửa chống tàu.
Ảnh video - tên lửa Tomahawk tấn công tàu mục tiêu đang di chuyển - ảnh USNI
Ảnh video - tên lửa Tomahawk tấn công tàu mục tiêu đang di chuyển - ảnh USNI

Lực lượng Hải quân Mỹ và tập đoàn Raytheon sẽ ký một hợp đồng, nội dung liên quan đến việc tích hợp hệ thống cảm biến dẫn đường mới vào tên lửa Tomahawk Land Attack, cho phép tên lửa có thể tấn công các mục tiêu di chuyển trên biển, lãnh đạo chương trình phát triển tên lửa Tomahawk của Hải quân phát biểu với hãng tin USNI News vào ngày 15.08.2017.

Sỹ quan Hải quân Mark Johnson, lãnh đạo chương trình Hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến không - hải PMA – 280 cho biết hợp đồng sẽ sớm được ký kết. Raytheon sẽ bắt đầu nghiên cứu chế tạo và lắp đặt một hệ thống dẫn đường, tìm kiếm và ngắm bắn tự động mới nhằm chuyển đổi một số lượng tên lửa TLAM chưa được xác định thành biến thể tên lửa chống tàu Tomahawk.

"Chúng tôi ký hợp đồng và sau đó sẽ cần một vài năm nỗ lực phát triển hệ thống radar phát hiện và đeo bám, tấn công mục tiêu, có thể lắp đặt vào tên lửa, một vài năm đưa vào thử nghiệm nhằm xác định chính xác hiệu quả tác chiến. Bằng cách này hạm đội sẽ tin tưởng vào hệ thống dẫn đường, tự động tấn công mục tiêu", ông Johnson nói trong buổi lễ kỷ niệm giao tên lửa TLAM thứ 4000 của Raytheon cho Hải quân.  

Johson nói thêm: "Khi hải quân đã sẵn sàng sử dụng tên lửa chống tàu Tomahawk, chúng tôi sẽ làm việc với nguồn cung cấp tài chính để xác định rõ số lượng cần chuyền đổi".

Các chuyên gia của tập đoàn Raytheon và Hải quân Mỹ vẫn đang nghiên cứu loại radar phù hợp cho mục đích sử dụng mới, giám đốc điều hành chương trình TLAM của tập đoàn Raytheon, ông Dave Adams phát biểu với USNI News ngày 15.08.2017. Lựa chọn cuối cùng có thể là một radar tìm kiếm và bám mục tiêu hỗn hợp các đầu thu thụ động và chủ động.

Hệ thống dẫn đường, tìm kiếm và đeo bám mục tiêu tự động sẽ được lắp đặt vào một số tên lửa Block IV và được tiến hành thử nghiệm để xác định thời gian khái thác sử dụng của tên lửa cùng những nâng cấp kỹ thuật khác nhằm đảm bảo phục vụ cho mục đích chiến thuật mới.

Theo ông Johnson, tên lửa đang nâng cấp đài phát radio, thiết bị phát xung và ăngten truyền thông. Trong giai đoạn tiếp theo các tên lửa sẽ có hệ thống dẫn đường và hệ thống truyền tín hiệu hoàn toàn mới. Ngoài ra, các tên lửa Tomahawk sẽ được hiện đại hóa bằng một hệ thống dẫn đường mới, cho phép tên lửa có thể tác chiến trong môi trường nhiễu điện từ không truy cập được GPS, đồng thời nâng cấp đầu đạn hạt nhân lắp cho tên lửa.

Những phát triển mới với tên lửa Tomahawk Block IV bắt đầu vào năm 2019, những biến thể tên lửa chống tàu Tomahawk MST đầu tiên có thể trang bị cho hạm đội vào những năm 2020.

Ý đồ phát triển tên lửa chống tàu Tomahawk (MST) hình thành trong khoảng giữa năm 2015, khi lực lượng Hải quân gây sức ép và cố gắng thúc đẩy để có thêm vũ khí tấn công các mục tiêu mặt nước.

Trước đây, Hải quân Mỹ đã được biên chế một phiên bản tên lửa chống tàu Tomahawk TASM vào những năm 1990. Nhưng khi đó, công nghệ radar chưa phát triển để có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu tầm xa, các tên lửa này nhanh chóng chuyển sang các biến thể tấn công mặt đất tiêu chuẩn.

Trong lần thử nghiệm NAVIAR năm 2015 tên lửa Tomahawk  Block IV – sử dụng hệ thống dẫn đường bên ngoài bằng máy bay đã khẳng định, tên lửa Tomahawk có thể đánh trúng mục tiêu đang trên mặt biển đang di chuyển ở khoảng cách xa và chính xác hơn nhiều so với hệ thống dẫn đường và tìm kiếm, đeo bám mục tiêu được lắp đặt trên các phiên bản Tomahawk TASM.

Ngay sau cuộc thử nghiệm, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bob Work đã hết lời ca ngợi thành công của Tomahawk  Block IV. Ông cho rằng đây là một ví dụ điển hình về về tư duy chiến lược hiện đại hóa vũ khí trang bị lần thứ 3 (Third Offset Strategy) nhằm phát triển những khả năng mới với chi phí tối thiểu.

Theo ông, đây có thể là một khả năng mới làm thay đổi luật chơi (chiến tranh) mà không cần quá nhiều chi phí. Hải quân sẽ có một tên lửa hành trình chống tàu có thể tấn công mục tiêu trên khoảng cách 1.000 dặm (1.600 km). Điều này sẽ rất thuận tiện do toàn bộ các tàu ngầm và tàu nổi của hải quân Mỹ đều có thể được trang bị tên lửa Tomahawk biến thể MST mà không cần thay đổi gì ngoại trừ các thiết bị điện tử mới.

Tên lửa Tomahawk Block IV có khối lượng khoảng 1,5 tấn, tốc độ bay khoảng 880 km/h phụ thuộc vào các phiên bản khác nhau, có khả năng đánh chính xác các mục tiêu của đối phương trong phạm vi lên đến 1.600 km. Tên lửa này có thể được đặt trong các hầm phóng tàu ngầm và các giếng phóng thẳng đứng trên tàu nổi.
Thử nghiệm tên lửa Tomahawk Block IV trong mục đích chống tàu nổi - video USNI
TTB