Sau hơn một năm làm việc, lãnh đạo Lầu Năm Góc đang đặt cược và một nỗ lực đầy tham vọng nhằm kết hợp binh lính với máy móc để tạo cho quân đội Mỹ ưu thế tiên phong trên chiến trường tương lai.
Nỗ lực đầy tham vọng là trung tâm của thứ Lầu Năm Góc gọi là “third offset”, một chiến lược tìm cách ngăn chặn những nước như Nga và Trung Quốc tiến hành chiến tranh chống Mỹ.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work, lãnh đạo dự án của Lầu Năm Góc, đã giới thiệu điều ông gọi là “đội hình chiến đấu kết hợp máy móc-con người” tại Diễn đàn quốc phòng Reagan thường niên, nơi tụ họp các lãnh đạo an ninh quốc gia Mỹ. “Cách chúng ta sẽ tiến hành là kết hợp con người-máy móc cho phép máy móc giúp con người ra quyết định tốt hơn, nhanh hơn”, ông Work nói.
Chiến lược mới của Lầu Năm Góc đầu tư mạnh vào các công nghệ mới mà các lãnh đạo quân sự nói sẽ vô hiệu hóa các ưu thế công nghệ của kẻ thù. “Chiến lược này thực sự tập trung vào các khả năng tiên tiến mà Nga và Trung Quốc có thể tạo ra. Mục đích tổng thể là cho họ thấy đừng bao giờ cố rút kiếm với chúng ta”, thứ trưởng Work tuyên bố.
Theo ông Work, trung tâm của chiến lược là những loại máy móc với khả năng “hoạt động tới tốc độ ánh sáng theo nghĩa đen”. Những cỗ máy tính này sẽ giúp giải quyết các vấn đề, như làm thế nào đáp trả một tên lửa bay với tốc độ gấp 6 lần tốc độ âm thanh.
Thứ trưởng Work cho biết chiến đấu cơ tàng hình F-35 Joint Strike Fighter là một trong những loại máy móc đó. “F-35 không phải là một chiến đấu cơ. Nó là một cỗ máy tính cực nhạy biết bay, hấp thụ một lượng dữ liệu khổng lồ, kết nối, phân tích và hiển thị kết quả trên mũ của phi công”, ông Work cho biết.
Ông khẳng định, mặc dù loại máy bay F-35 đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì không có khả năng vận hành tốt như các chiến đấu cơ thế hệ trước và gặp vố số vấn đề trong quá trình phát triển, chiếc máy bay máy tính và hệ thống cảm biến công nghệ cao này sẽ vượt trội so với các đàn anh của nó. “Chúng tôi tuyệt đối tin tưởng rằng F-35 sẽ là kẻ thắng trong chiến tranh. Vì nó sử dụng máy móc khiến con người ra quyết định tốt hơn”, ông Work quả quyết.
Thứ trưởng Work còn chỉ ra “những chiến dịch con người được trợ giúp” và các thiết bị điện tử có thể mặc được, cho phép binh sĩ truy cập các ứng dụng phần mềm chiến đấu. Hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thông báo Lầu Năm Góc sẽ đầu tư vào các thiết bị điện tử có thể sai bảo được.
Con người và máy móc đã sẵn sàng làm việc cùng nhau trên chiến trường trong mạng lưới chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, với việc sử dụng con người, máy bay không người lái, máy điện toán và các lực lượng đặc nhiệm săn lùng các chiến binh khủng bố, ông Work cho biết.
Không giống như các chiến lược trước đây, việc trang bị các vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc các loại tên lửa và bom dẫn đường chính xác, ngăn chặn chiến tranh và trao cho quân đội Mỹ trong một số trường hợp vượt trội các đối thủ tới 4 thập kỷ, công nghệ mới này không thể tạo ra ưu thế vượt trội lâu dài, ông Work thừa nhận.
Nga đang thách thức “năng lực cải tổ và thay đổi của chúng ta. Đối phó với sự khiêu khích của Nga, chúng ta phải nắm lấy cách tiếp cận cách tân để bảo vệ Mỹ và củng cố trật tự quốc tế này”, ông Carter phát biểu trước các nhà lập pháp, các nhà công nghiệp và quan chức Lầu Năm Góc.
Chiến lược răn đe của Nga đã thúc đẩy một sự thay đổi lớn trên con đường giới quân sự Mỹ nhìn về tương lai. Các quan chức hàng đầu nói rằng vũ khí hạt nhân của Moscow gây ra hiểm họa lớn nhất với Mỹ chứ không phải IS, tổ chức khủng bố này bất chấp chiến dịch không kích quốc tế vẫn chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria và đang tăng cường hiện diện tại các quốc gia Bắc Phi.
“Chúng tôi không tìm cách biến Nga thành kẻ thù. Nhưng chớ sai lầm. Mỹ sẽ bảo vệ các lợi ích của mình và các đồng minh, nguyên tắc của trật tự quốc tế và tương lai tích cực dành cho tất cả chúng ta. Chúng tôi đang tiến hành cách tiếp cận mạnh mẽ và cân bằng nhằm ngăn chặn những hành động khiêu khích của Nga và giúp giảm thiểu tình trạng dễ tổn thương của các đồng minh và đối tác”, ông Carter tuyên bố.
Theo ông Carter, như vậy quân đội Mỹ đang cải biên tình hình tác chiến và các kế hoạch khẩn cấp của chính Mỹ và làm việc với các đồng minh để đối phó với Nga. Lầu Năm Góc “đang thực hiện một số động thái đáp trả, rất nhiều nhưng tôi không thể mô tả tất cả tại diễn đàn này”, ông Carter nói. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nói bóng gió tới những kế hoạch tác chiến và dự án vũ khí tối mật.
Mỹ cũng đang “cập nhật và phát triển các kế hoạch tác chiến nhằm răn đe và phòng vệ”, nâng cấp các vũ khí hạt nhân Mỹ là một trong những lĩnh vực trên, ông Carter cho biết. Lầu Năm Góc có kế hoạch mua một loại máy bay ném bom tàng hình mới và thay thế tàu ngầm tấn công lớp Ohio, cả hai đều có thể mang và phóng vũ khí hạt nhân.
Washington đã gần như cắt bỏ mọi cuộc đối thoại cấp cao với Moscow sau cuộc khủng hoảng Ukraine hồi năm ngoái. Quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân ngày càng căng thằng những tháng gần đây khi Nga điều quân và vũ khí tới Syria hậu thuẫn chính quyền tổng thống Bashar al Assad. Tuy nhiên, ông Carter vẫn không loại trừ hợp tác trong tương lai với Nga, chỉ ra rằng Moscow tham gia giúp đàm phán hạt nhân với Iran và thương lượng với Triều Tiên. “Có thể Nga đóng một vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc nội chiến Syria”, ông Carter nói.
Theo QPAN