ExxonMobil hôm qua (26/2) cho biết, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh Châu Âu đang áp đặt lên Nga đã khiến tập đoàn dầu mỏ của Mỹ tổn thất lên tới 1 tỉ USD.
Exxon năm ngoái "đã giảm” một số các hoạt động liên danh bị cấm với tập đoàn dầu khí lớn của Nga là Rosneft ở Biển Đen, các khu vực Bắc Cực và tây Siberia, ExxonMobil cho biết trong báo cáo hàng năm gửi các nhà quản lý.
“Tổn thất cao nhất” gây ra từ những hoạt động bị huỷ bỏ nói trên là khoảng 1 tỉ USD tính đến cuối năm 2014, bản báo cáo của ExxonMobil cho hay.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine đang chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ đang dẫn đầu một liên minh phương Tây trong một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ.
Mỹ và các nước đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.
Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.
“Cuộc chiến” trừng phạt giữa Nga và phương Tây đã khiến cuộc đối đầu Đông-Tây càng trở nên nghiêm trọng và khiến cả hai bên đều tổn thất nặng nề. Nền kinh tế Nga rõ ràng đang chao đảo vì những đòn trừng phạt hà khắc của phương Tây. Các nước Châu Âu cũng bị tổn thương không kém Nga vì chính chính sách trừng phạt của họ. Mỹ đã khiến nhiều đồng minh phương Tây ghen tị và không thoải mái khi nước này không chịu ảnh hưởng mấy từ chính sách trừng phạt Nga bởi quan hệ Nga-Mỹ không gắn bó chặt chẽ như quan hệ giữa Nga và Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã bắt đầu có thông tin về việc các công ty Mỹ phải hứng chịu tổn thất từ chính sách trừng phạt Nga do chính Washington khởi xướng và thúc ép phương Tây phải làm theo họ.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào tập đoàn Rosneft của Nga cũng như Chủ tịch tập đoàn này là ông Igor Sechin. Mỹ cho rằng, ông Sechin là bạn bè thân thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Những biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm các công ty Mỹ cung cấp một số thiết bị và dịch vụ dầu khí nhất định, ví dụ như cho hoạt động khoan thăm dò, khai thác thuộc những dự án ngoài khơi xa ở những vùng nước sâu, ở Bắc Cực hay khoan thăm dò mỏ đá phiến sét.
Exxon đã bị buộc phải từ bỏ dự án liên danh, hợp tác chung với tập đoàn Rosneft của Nga trong hoạt động khoan thăm dò, khai thác ở Biển Kara, ngoài khơi phía bắc Siberia. Đây là nơi được ước tính chứa đựng đến 87 tỉ thùng dầu.
Rosneft hồi tháng 9 năm ngoái đã thông báo, tập đoàn này phát hiện dầu mỏ trong dự án Kara.
Nền kinh tế Italia mất 5,3 tỉ euro vì “cuộc chiến” trừng phạt
Đã có rất nhiều bài báo nói về những tổn thất mà các nước Châu Âu phải hứng chịu khi thực hiện chính sách trừng phạt Nga – đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của họ.
Gần đây, hôm 9/2, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo từng thừa nhận, Liên minh Châu Âu (EU) đã phải gánh chịu tổn thất lên tới 21 tỉ euro giá trị xuất khẩu vì các biện pháp trừng phạt mà chính họ áp đặt lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Các biện pháp trừng phạt đã khiến tất cả chúng ta đều phải trả giá đắt. Liên minh Châu Âu (EU) đến nay đã phải chịu tổn thất lên tới 21 tỉ euro (23,7 tỉ USD). Ở Tây Ban Nha, chúng tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề cả trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch”, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho hay.
Mới đây nhất, ngày hôm qua (26/2), ông Antonio Fallico, Chủ tịch công ty Banca Intesa Nga – một chi nhánh của tập đoàn Intesa Sanpaolo của Italia, cho biết, những đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga và đòn “phản công” lại của Nga đã khiến nền kinh tế của Italia tổn thất trực tiếp lên tới 5,3 tỉ euro.
Năm ngoái, giao dịch thương mại giữa Nga và Italia đã giảm 17% so với năm 2013, ông Fallico cho hay. Theo những ước tính do ban phân tích của tập đoàn Intesa Sanpaolo đưa ra dựa trên những con số được cung cấp bởi Viện Thống kê Quốc gia Italia, ngoài lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các đòn trừng phạt, xuất khẩu dệt may, phụ kiện và da dày của Italia sang Nga đang bị hứng chịu hậu quả nhiều nhất (giảm 16,4%), tiếp đó xuất khẩu đồ điện, máy móc và phương tiện vận tải giảm 13,7%.
"Chỉ trong một thời gian ngắn, công việc của các công ty chúng tôi ở Nga đã bị phá huỷ dù trước đó chúng tôi đã xâm nhập và phát triển thành công ở thị trường đầy hứa hẹn của Nga. Xuất khẩu của ngành sản xuất Italia sang Nga đã tăng vọt ở mức 327% trong vòng 15 năm gần đây”, ông Fallico nói thêm.
EU đã ngày càng trở nên chia rẽ vì chính sách trừng phạt kinh tế mạnh tay nhằm vào Nga – một chính sách mà họ chính thức áp dụng từ hồi tháng 7 năm ngoái. Nhiều thành viên của EU đang thực sự lo ngại về việc mối quan hệ thương mại của họ với Moscow bị ảnh hưởng.