Mục đích chính chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc là gì?

Chuyến thăm Mỹ của ông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến bắt đầu từ ngày 22/9, và ngày 25/9, ông Tập sẽ hội kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Mục đích chính của chuyến thăm này là gì? Báo giới đang dẫn nhiều phân tích và những dự đoán trái chiều.
Mục đích chính chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc là gì?

Bài phân tích được đăng trên tờ Đại Công báo của Hong Kong số ra ngày 16/9 khẳng định rằng mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề trong các lĩnh vực, từ thương mại song phương tới an ninh mạng và các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, song mục tiêu hàng đầu của ông Tập Cận Bình sẽ là xây dựng một sự nhất trí chung về ý nghĩa của khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa Trung Quốc và Mỹ trong vòng 5-10 năm tiếp theo.

Mạng tin Đa chiều, xuất bản bằng tiếng Trung ở Mỹ cũng cho rằng mong muốn lớn nhất của Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Mỹ là đạt được đồng thuận với ông Obama về khái niệm cụ thể của “quan hệ nước lớn kiểu mới”, thay vì giải quyết các vấn đề đơn lẻ. Mạng tin này cho rằng mặc dù bất đồng giữa hai bên vẫn tồn tại, song Bắc Kinh tin rằng khái niệm này sẽ mang lại sự thay đổi căn bản trong bản chất quan hệ hai nước. Đây là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc lại đặt kỳ vọng cao như vậy vào chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, theo mạng tin Đa chiều, Washington vẫn giữ quan điểm rằng “quan hệ nước lớn kiểu mới” chỉ là một khái niệm và họ không quan tâm đến việc tìm ra nội hàm thực chất của nó. Washington hiện quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề cụ thể trước mắt, trong khi Bắc Kinh lại bận tâm đến bức tranh tổng thể và kế hoạch dài hạn. Mạng tin “Đa chiều” khẳng định rằng sự khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận cho thấy cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Obama vào tuần tới sẽ không mang lại kết quả như mọi người hy vọng.

Còn theo Washington Post, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vốn đã lên kế hoạch đón tiếp một ông Chủ tịch được bao phủ bởi ánh hào quang "giấc mơ Trung Hoa" hoành tráng, nay hình dung đó đã bị phá hủy trong bối cảnh sau cơn bão kinh tế trong tháng, ông Tập Cận Bình đang hứng chịu khá nhiều áp lực, nên Nhà Trắng "hầu như không muốn có những động thái quá cứng rắn".

Tờ báo này cho rằng với bối cảnh hiện tại, có lẽ ông Obama sẽ theo đuổi một chương trình nghị sự hạn chế trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình. Chủ đề chung có thể là sự ổn định và tăng trưởng toàn cầu.

Washington Post phân tích: Những biến động tài chính vừa qua với sự bất an trên các thị trường từ Thượng Hải đến Manhattan là một lời nhắc nhở về sự phụ thuộc lẫn nhau của kinh tế thế giới. Đó là một thực tế không đem lại sự thoải mái cho cả Mỹ và Trung Quốc. Mỗi bên đều muốn làm chủ vận mệnh của mình và có thể tự định hình thế kỷ 21 theo hình ảnh riêng biệt. Cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington sắp tới có thể sẽ minh họa rõ ràng cho những giới hạn quyền lực ngay cả với hai người khổng lồ toàn cầu.

Trong khi đó, trước thềm chuyến đi của ông Tập, giới chức Trung Quốc đã có nhiều động thái nhấn mạnh những lợi ích của quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước và đề cao hình ảnh của ông Tập như một nhà lãnh đạo gần gũi với quần chúng.

Ông Tập Cận Bình, khi đó còn là Phó chủ tịch Trung Quốc, trong chuyến thăm Iowa, Mỹ vào năm 2012. Nguồn: WSJ/AP
Ông Tập Cận Bình, khi đó còn là Phó chủ tịch Trung Quốc, trong chuyến thăm Iowa, Mỹ vào năm 2012. Nguồn: WSJ/AP

Theo tờ Wall Street Journal, hôm thứ Năm (17/9), các cố vấn kinh tế cấp cao của ông Tập Cận Bình có lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng để nói về những thỏa thuận hợp tác mới giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đạt thỏa thuận với Công ty Xpress West của Mỹ về xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc dài 230 dặm, trị giá 12,7 tỷ USD nối giữa Los Angeles và Las Vegas.

Ngoài ra, kế hoạch Mỹ rót 3 tỷ USD vào các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng ở Trung Quốc cũng được các cố vấn của ông Tập hé lộ. Họ còn nói về việc tập đoàn GE của Mỹ và China National Machinery Industry Corp. của Trung Quốc sẽ hợp tác để xây các dự án năng lượng sạch trị giá 327 triệu USD ở châu Phi.

“Hợp tác kinh tế và thương mại luôn là trọng tâm và động lực của quan hệ Trung - Mỹ”, ông Shu Guozeng, quan chức thứ hai của nhóm cố vấn kinh tế thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc nói.

Theo giới chức ngoại giao và các chuyên gia phân tích, chiến lược của Trung Quốc đối với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là thu hút sự chú ý của công chúng vào mối quan hệ kinh tế và phát đi hình ảnh tích cực về Trung Quốc khi ông Tập đặt chân tới 3 thành phố Seatle, Tacoma và New York.

Văn phòng Thị trưởng Tacoma nói ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên sẽ thăm trường trung học Lincoln, ngôi trường có chương trình trao đổi giáo dục với một trường ở Phúc Châu - thành phố Trung Quốc kết nghĩa với Tacoma. Trước đây, ông Tập có thời gian làm bí thư ở Phúc Châu.

Ngoài ra, ông Tập cũng sẽ tái ngộ những người Mỹ mà ông gặp ở Tacoma vào năm 1993.

Tại New York, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự một số cuộc họp của Liên hiệp quốc, bao gồm một hội thảo về quyền của phụ nữ do Trung Quốc đồng chủ trì. Tại Seattle, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ gặp gỡ với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều sếp công ty công nghệ.

“Nhìn vào cách Trung Quốc xây dựng chuyến thăm, có thể thấy tất cả những gì có thực chất mà ông Tập Cận Bình làm trong chuyến thăm này đều tập trung ở Seatle hoặc New York chứ không phải ở Washington DC”, Wall Street Journal dẫn lới ông Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

“Ông Tập muốn tạo ra một hình ảnh gần gũi với người dân Mỹ. Ông ấy muốn giành được cảm tình của công chúng Mỹ”, nhà lịch sử học Zhang Lifan ở Bắc Kinh phát biểu.

Tuy vậy theo Wall Street Journal, nhiều vấn đề lớn dự báo sẽ phủ bóng lên chuyến thăm Mỹ lần này của Chủ tịch Trung Quốc. Những vấn đề này bao gồm vấn đề an ninh mạng, tranh chấp trên biển Đông, và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuần qua, giới chức Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu bất đồng Trung - Mỹ về vấn đề an ninh mạng và biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trong một bài phát biểu hôm thứ Tư: “Một điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình là tương tác với người dân Mỹ”.

Trong khi đó, các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đang lo ngại nước này có thể chậm thực hiện những lời hứa về mở cửa thị trường và giảm số lĩnh vực mà doanh nghiệp nước ngoài không được phép hoạt động.

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường chậm chạp “có thể hạn chế lợi ích đối với các thành viên của chúng tôi và nền kinh tế Trung Quốc”, ông James Zimmerman, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, tổ chức đại diện cho 1.000 công ty, phát biểu.

“Chúng tôi cần sự minh bạch”, ông Adam Dunnett, Tổng thư ký Hội đồng thương mại châu Âu, tổ chức đại diện 1.800 doanh nghiệp, nói.

Ngoài ra, giới chuyên gia và các nhà đầu tư toàn cầu đang tỏ ra lo ngại về cách thức điều hành nền kinh tế của Trung Quốc. Giám đốc điều hành (CEO) Lloyd Blankfein của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs nhận định Bắc Kinh thiếu kinh nghiệm xử lý các biến động của thị trường.

Theo ông Blankfein, một số động thái của Chính phủ Trung Quốc ứng phó với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán vừa qua là “không đến nơi đến chốn” và “lóng ngóng”. Vị CEO Mỹ này cũng tuyên bố sẽ không đầu tư vào thị trường Trung Quốc ở thời điểm này.

Được biết, 15 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, có tổng giá trị vốn hóa gần 1 ngàn tỷ USD, sẽ được tháp tùng Chủ tịch Tập đến Mỹ trong chuyến này. Theo dự kiến, vào ngày 23/9, 15 lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc này sẽ có cuộc đối thoại bàn tròn với lãnh đạo 15 doanh nghiệp vào hàng lớn nhất Mỹ tại Chicago.

Theo DNSG