“Mùa” gom ủy quyền của doanh nghiệp niêm yết

Dù tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết biểu tham dự ĐHCĐ lần đầu theo Luật Doanh nghiệp mới chỉ còn 51%, nhưng nhiều DN có “truyền thống” ba lần triệu tập mới thành đang chạy đôn chạy đáo gom giấy ủy quyền của cổ đông để đảm bảo tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 thành công ngay trong lần 1.
Tích cực gom ủy quyền của cổ đông, CTCP Viglacera Từ Sơn đã tổ chức ĐHCĐ 2016 thành công vào ngày 19/3
Tích cực gom ủy quyền của cổ đông, CTCP Viglacera Từ Sơn đã tổ chức ĐHCĐ 2016 thành công vào ngày 19/3

Là DN nhiều lần tổ chức ĐHCĐ bất thành do tỷ lệ cổ đông tham dự không đáp ứng tiêu chuẩn, CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) cho biết, dù đến ngày 22/4 tới, Công ty mới tổ chức ĐHCĐ nhưng lo lắng về việc cổ đông không tham dự đủ tỷ lệ như những năm trước vẫn hiện hữu. Đối với ICG, do cổ đông của Công ty quá phân tán, nhiều cổ đông được gửi giấy mời dự họp nhưng không có phản hồi cũng không gửi giấy ủy quyền. 

Để đảm bảo tỷ lệ cổ đông tham dự đáp ứng đúng tỷ lệ, nhiều năm nay, trong thư mời tham dự ĐHCĐ, Ngân hàng TMCP Sacombank luôn kèm theo lời kêu gọi “hỗ trợ ủy quyền tham dự ĐHCĐ thường niên”. Thư gửi các cổ đông ghi rõ: “Trong trường hợp có ủy quyền, cổ đông vẫn nhận được đầy đủ thông tin liên quan trước khi diễn ra đại hội, cũng như nghị quyết phiên họp như thường lệ” và cổ đông vẫn có thể tham dự đại hội nếu bố trí được thời gian phù hợp sau đó.

Cũng là DN có “truyền thống” tổ chức ĐHCĐ thường niên sang lần thứ 3 mới thành công do số lượng cổ đông tham gia chỉ đạt trên dưới 30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trong các lần tổ chức, CTCP Khí hóa lỏng miền Bắc (PVG) cho biết, Công ty mong muốn các cổ đông nếu vì nhiều lý do không tham dự được thì nên có ủy quyền cho người khác, hoặc ủy quyền cho Ban lãnh đạo PVG tham dự và biểu quyết tại ĐHCĐ để đảm bảo tỷ lệ theo đúng quy định.

“Thật ra, để ĐHCĐ thường niên phải tổ chức sang lần 3 là điều mà HĐQT và Ban lãnh đạo Công ty không hề mong muốn, vì mất thời gian, tốn kém”, lãnh đạo PVG nói.

Tham dự ĐHCĐ là một trong những quyền cơ bản của cổ đông, của những “ông chủ” DN. Vậy, vì sao nhiều cổ đông lại thờ ơ với quyền lợi này của mình? Có nhiều nguyên nhân, kể cả chủ quan lẫn chủ quan cổ đông, như khi đầu tư, cổ đông quan tâm đến mục đích “lướt sóng” hơn là hoạt động của DN, hay từ phía khách quan như nội dung họp ĐHCĐ mà DN đưa ra trong tài liệu chưa đủ tính thuyết phục.

Một lý do khác là sau thời điểm DN chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ, cổ phiếu đã được chuyển nhượng sang nhà đầu tư khác, nên giấy mời đã phát đến tay cổ đông cũ không đến được cổ đông mới.

Để đảm bảo việc tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 thành công ngay trong lần đầu tiên, nhiều DN niêm yết, nhất là những DN có “truyền thống” phải tổ chức đến ba lần mới thành đã và đang chủ động trong việc “gom” quyền biểu quyết.

Sau 4 năm liên tiếp ĐHCĐ bất thành ở lần 1, CTCP Viglacera Từ Sơn (VTS) đã tổ chức ĐHCĐ thành công vào ngày 19/3 vừa qua với tỷ lệ cổ đông tham dự đạt 58%. Ông Nguyễn Văn Cơ, Chủ tịch VTS cho biết, VTS tổ chức thành công ngay trong lần đầu một phần do tỷ lệ cổ đông tham dự đã được giảm từ 65% xuống còn 51%. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, VTS đã rất sát sao trong việc kêu gọi cổ đông tham dự, trong trường hợp không tham dự được phải ủy quyền.

“Sau khi nhận được danh sách cổ đông từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, chúng tôi đã phải gọi điện cho rất nhiều cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn, cổ đông nước ngoài… để xác nhận về việc tham dự Đại hội. Trong trường hợp cổ đông không tham dự được, Công ty cũng lưu ý các cổ đông gửi giấy ủy quyền”, ông Cơ nói.

Việc chủ động liên hệ với từng cổ đông là một động thái tích cực của doanh nghiệp, trong việc đảm bảo quyền đóng góp ý kiến cho sự phát triển của DN và biểu quyết thông qua các kế hoạch kinh doanh của DN. Nhưng với những DN có số lượng cổ đông lớn, lên đến hàng nghìn cổ đông, thậm chí 60.000 cổ đông như Sacombank, để liên hệ với từng cổ đông là không dễ.

Đã có những DN đặt vấn đề về việc mong muốn có một tổ chức đứng ra làm dịch vụ “gom” ủy quyền cho cổ đông. Bởi công tác IR (quan hệ NĐT) trước Đại hội đã rất bộn bề, từ chốt danh sách cổ đông, gửi thư mời, lên chương trình họp đến chuẩn bị các tài liệu đại hội...

Theo ĐTCK