La Croix giải thích là khủng hoảng kinh tế Nga thêm khó với trừng phạt của Châu Âu và cấm vận do Moscow ban hành cách đây một năm, khiến nhiều gia đình thuộc tầng lớp bình dân và cả trung lưu gặp nhiều khó khăn.
La Croix nhắc lại cách đây một năm, ngày 6/8/2014, điện Kremlin đã ban hành cấm vận đối sản phẩm Châu Âu, để trả đũa các trừng phạt kinh tế liên quan đến vai trò của Nga ở Ukraine và liên quan đến chuyến bay MH17 bị bắn hạ.
Cho đến giờ, Nga cho tịch thu và trả về nơi xuất phát các sản phẩm đưa trái phép vào Nga. Nhưng cuối tuần qua, như để thị uy và cho thấy sự cương quyết của ông Putin không lùi bước trước Châu Âu, chính quyền Nga đã cho phá hủy hàng trăm tấn thực phẩm.
Đây là một biện pháp có thể làm nản chí những người buôn lậu, nhưng người dân có vẻ khó chấp nhận, nhiều tiếng nói muốn chính quyền nên dành những hàng hóa đó những người túng thiếu nhất.
Theo La Croix, phản ứng này cho thấy vấn đề lương thực đã trở nên một vấn đề tế nhị ở Nga, nơi giá cả đã tăng vọt, Nga không đủ sức tự cung cấp, sản xuất giảm sụt.
La Croix trong phần kết luận cho là giải pháp chỉ có thể đến từ ông Putin. Ông Putin dã tuyên bố kéo dài cấm vận cho đến tháng 6/2016.
Tuy trong tình hình như vậy, nhưng Le Figaro trích lời chuyên gia Helena Morenkova Perrier nhận định là tại Nga, trừng phạt của Châu Âu đã không làm cho ông Putin suy yếu mà ngược lại làm cho ông mạnh lên thêm. Công luận Nga cảm nhận các trừng phạt nhắm vào Nga như thêm một dấu hiệu của sự thù ghét của Phương Tây, RFI dẫn nguồn Le Figaro cho biết.
Báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang Nga cho thấy nền kinh tế Nga suy giảm 4,6% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu 2 quý liên tiếp kinh tế đi xuống.
MAI VÂN theo BizLive