Tass đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 5/7 cho hay, Moscow trước đó là một đối tác đáng tin cậy của NATO trong các dự án của liên minh nhằm tăng cường an ninh của Nga và các nước thành viên của khối.
"Chúng tôi đã đóng góp một cách chân thành nhằm hợp tác trong các lĩnh vực mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp tăng cường an ninh của đất nước chúng tôi và an ninh của các quốc gia thành viên NATO", ông Grushko nói.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Nga và NATO đã xấu đi rõ rệt trong thời gian qua khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 4 tháng trước. Các bên đã có hàng loạt biện pháp khiến căng thẳng leo thang dồn dập.
Ông Grushko cho rằng, Nga không muốn quay ngược thời gian để trở lại giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên Xô. Tuy nhiên, ông cáo buộc NATO đang nỗ lực trong việc kéo Nga trở lại thời kỳ này.
Ông cũng nghi ngờ, Mỹ có thể cần sự mâu thuẫn này và đang sử dụng NATO như một công cụ để thực hiện các kế hoạch địa chính trị của riêng họ.
"Các kế hoạch này rất đơn giản và nhằm duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, duy trì thế giới đơn cực và khiến các đồng minh của họ phải chịu những chi phí về kinh tế và tài chính. Bởi vì điều này và bởi vì Nga chống lại việc chơi theo các quy tắc áp đặt, nên cuộc đối đầu sẽ kéo dài", nhà ngoại giao Nga nhận định.
Theo ông Grushko, Nga đã xây dựng "bốn không gian chung" với Liên minh châu Âu, nhưng dự án đã thất bại do EU chưa sẵn sàng cho sự hợp tác bình đẳng.
"Đây là bản chất của cuộc đối đầu giữa chúng tôi với NATO. Phản ứng kiên định của Nga là nói không. Hợp tác phải dựa trên sự bình đẳng", ông Grushko nói.
Nhà ngoại giao Nga cho rằng Moscow và phương Tây không có chung quan điểm trong nhiều vấn đề.
"Chúng tôi có truyền thống của riêng mình và chúng tôi yêu cầu tôn trọng những truyền thống này. Chúng tôi sẽ không bao giờ tuân theo bất cứ mệnh lệnh nào từ bên ngoài để thực hiện những điều hoàn toàn không thể chấp nhận được trên lãnh thổ Nga", ông Grushko nói.
Liên quan tới vấn đề thương lượng với NATO, Thứ trưởng Grushko cho rằng, Nga khó tin vào viễn cảnh này trong bối cảnh xe tăng và các loại vũ khí khác của NATO đang được triển khai gần biên giới của Nga.
"Họ nói có thể đối thoại với Nga bất cứ lúc nào và họ không tìm kiếm sự đối đầu, mặc dù kế hoạch quân sự của NATO dựa trên sự đối đầu với Nga. Khi ai đó triển khai xe tăng sát bạn, nói rằng chúng không dùng để chống lại bạn, và họ đóng quân ở đó mà không có lý do gì cả, thì việc đối thoại trở nên rất khó tin", nhà ngoại giao Nga giải thích.
Chiến sự Nga-Ukraine: 5 vấn đề định đoạt cục diện của cuộc chiến hiện tại
Ukraine lần đầu công bố hình ảnh sử dụng hệ thống tên lửa HIMARS tấn công quân Nga
Không quân Nga tấn công vào Kharkiv, 150 binh lính Ukraine thiệt mạng
Theo Dantri.com.vn