Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê cho biết, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng năm nay là 36206 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, 13656 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 35,8% và 22550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 1,1%.
Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có đăng ký, có 5101 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 37,4%); 4504 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 33%); 2544 công ty cổ phần (chiếm 18,6%) và 1507 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 11%). Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế hoặc không đăng ký, có 9300 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm 41,2%); 7120 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm 31,6%); 4088 công ty cổ phần (chiếm 18,1%) và 2042 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 9,1%).
Theo dự báo, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Một chuyên gia kinh tế cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn thị trường, dẫn đến không duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, đình trệ hoặc buộc phải ngưng sản xuất sau một thời gian cố gắng “cầm hơi”. Có thể nói, đây không phải vấn đề của riêng doanh nghiệp, mà là vấn đề lớn của cả các cơ quan quản lý và nền kinh tế. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, vấn đề thu ngân sách sẽ gặp khó, ngân hàng gặp rủi ro, lao động thất nghiệp tăng dẫn đến bất ổn an ninh, trật tự xã hội. Tất cả những hệ lụy đó sẽ tác động xấu tới sự phát triển của cả nền kinh tế.