Tôi cho rằng cục diện của thị trường Fintech sẽ không thay đổi nhiều so với hiện tại bởi vì ví điện tử, ứng dụng ngân hàng di động (Mobile Banking) và Mobile Money có phân khúc thị trường cũng như khách hàng khác nhau.
Theo tinh thần Quyết định 316/QĐ-TTg, dịch vụ Mobile Money được thử nghiệm trong 2 năm – đến tháng 3/2023. Việc thí điểm này nhằm tận dụng hạ tầng dữ liệu, mạng lưới viễn thông để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.
Bản chất của Mobile Money là chuyển đổi hình thức tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Các nhà mạng - đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money (theo Quyết định 316) không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông.
Mục tiêu của Mobile Money là phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt ở nông thôn và vùng sâu vùng xa nơi dịch vụ ngân hàng còn hạn chế. Thêm vào đó, Mobile Money không liên quan đến hoạt động tài chính ngân hàng vì nhà cung cấp Mobile Money không được cung cấp dịch vụ cho vay, huy động vốn cũng như trả lãi cho số tiền trong Mobile Money.
Một điểm khác biệt về phân khúc thị trường còn thể hiện ngay trong hạn mức giao dịch theo quy định của Chính phủ: Ví điện tử tập trung vào đối tượng khách hàng ở các thành phố lớn nên hiện có hạn mức giao dịch tối đa 100 triệu đồng/tháng, trong khi Mobile Money cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng vùng sâu vùng xa nên hạn mức giao dịch tối đa chỉ 10 triệu đồng/tháng.
Theo tôi, các công ty Fintech và ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng mức độ sử dụng dịch vụ hiện nay. Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo năm 2019 cho thấy ngay cả ở khu vực thành thị cũng mới chỉ có 30% người dân sử dụng Mobile Banking và 29% sử dụng ví điện tử để thanh toán.
Trong khi theo kết quả nghiên cứu mới nhất của đơn vị này năm 2020, nhóm dân số phát triển nhanh nhất là từ 0-12 tuổi ở nông thôn và 50 tuổi trở lên ở thành phố. Với khả năng tiếp cận Internet và công nghệ nhanh chóng của thế hệ trẻ cũng như thu nhập cao của cư dân thành thị, thị trường khách hàng dịch vụ số tiềm năng cho các công ty Fintech và ngân hàng vẫn còn rất lớn.
Ví điện tử tập trung vào đối tượng khách hàng ở các thành phố lớn trong khi Mobile Money cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng vùng sâu, vùng xa. |
Các nhà mạng nắm ưu thế?
Lợi thế rõ ràng hiện tại của các hãng viễn thông là trước mắt chỉ có ba nhà mạng lớn được phép triển khai Mobile Money (gồm Viettel, VNPT, Mobifone). Về lý thuyết, các công ty Fintech đã có sẵn giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử cũng có thể tham gia thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money. Nhưng trước hết họ phải xin giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện. Đây không phải là việc đơn giản.
Các nhà mạng hiện đang sở hữu dữ liệu khách hàng rất lớn, trung bình mỗi người dân sở hữu 1,3 thuê bao di động (theo số liệu của Cục Viễn thông vào tháng 1/2020) nên lợi thế của họ càng được khuếch đại lên nhiều. Tôi cho rằng các công ty Fintech, đặc biệt là các công ty có ứng dụng ví điện tử phổ biến như Momo hay ZaloPay, có thể bắt tay với nhà mạng nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.
Nhà mạng cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai Mobile Money. Chẳng hạn như Viettel đã thử nghiệm Mobile Money trên 40 ngàn khách hàng nội bộ. Theo nghiên cứu của Cimigo năm 2019, nhà mạng này còn có nhiều kinh nghiệm triển khai thương mại tại thị trường nước ngoài cũng như kinh nghiệm với ví điện tử, với mức độ nhận diện thương hiệu ViettelPay đạt 54% chỉ sau Momo (88%) và ZaloPay (63%).
Dịch vụ chưa hoàn chỉnh, chưa có chính sách rõ ràng
Theo quan điểm của Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy - Thành viên Trung tâm Công nghệ Tài chính và Tài chính mã hóa (FinTech-Crypto Hub), giảng viên Tài chính tại Đại học RMIT, khái niệm Tài chính toàn diện (Financial inclusion) dùng để chỉ khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp và nhanh chóng. Tuy nhiên, các sản phẩm và dịch vụ tài chính do Mobile Money mang lại chưa hoàn chỉnh và chưa tạo điều kiện thực sự thuận lợi cho người dùng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính này.
Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy |
Hiện tại, Mobile Money chỉ được dùng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, còn chuyển tiền sang tài khoản Mobile Money của người dùng khác vẫn chỉ giới hạn trong cùng một nhà mạng. Bên cạnh đó, vẫn chưa có những chính sách rõ ràng cho người sử dụng Mobile Money để họ có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác, chẳng hạn như thực hiện các khoản vay hoặc gửi tiết kiệm dựa vào lịch sử giao dịch.
"Nên theo tôi, dù việc thí điểm Mobile Money hiện tại có làm tăng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, thì dịch vụ này hầu như sẽ không có tác dụng cải thiện tình hình tài chính toàn diện ở Việt Nam" - ông Anh Huy cho biết.
Một bài học từ Ai Cập mà Việt Nam có thể học tâp là ứng dụng Mobile Money để cải thiện tài chính toàn diện thông qua mô hình tài chính siêu vi mô (tạm dịch từ “Nanofinance”). Mô hình này cho phép các người dùng Mobile Money thực hiện các khoản vay có giá trị thấp và hạn mức khoản vay dựa vào điểm tín dụng được tính toán dựa trên dữ liệu lịch sử hoạt động của người dùng từ các nhà mạng di động. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các nhà cung cấp dịch vụ di động cần phải làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan như ngân hàng trung ương, các đơn vị đánh giá điểm tín dụng hoặc các công ty Fintech cung cấp dịch vụ đánh giá điểm tín dụng.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu